Số bài báo của Trung Quốc có đồng tác giả là các nhà nghiên cứu Mỹ ngày càng giảm - đến năm 2023 đã giảm 6,4% so với đỉnh điểm năm 2017. Đây cũng là mức giảm lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào.

Căng thẳng chính trị Mỹ-Trung, kết hợp với đại dịch, đã ảnh hưởng đến việc hợp tác nghiên cứu giữa hai nước. Nhưng phải mất thời gian để bằng chứng về sự suy giảm này được tích lũy trong cơ sở dữ liệu nghiên cứu.

Hình minh họa. Nguồn: AP

Bằng chứng mới nhất đến từ một phân tích do nhóm Springer Nature ở Trung Quốc thực hiện. Các tác giả đã sử dụng InCites, một công cụ thuộc sở hữu của công ty phân tích xuất bản Clarivate, có trụ sở tại London, để phân tích các bài báo có đồng tác giả quốc tế được xuất bản từ năm 2013 đến năm 2023. InCites dựa trên các bài báo được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu trích dẫn khoa học Web of Science.

Kết quả, họ phát hiện, vào năm 2022, tổng số bài báo có đồng tác giả là các nhà nghiên cứu Trung Quốc lần đầu tiên bị giảm, kể từ năm 2013. Số bài báo của các nhà nghiên cứu Trung Quốc và có đồng tác giả quốc tế thậm chí còn giảm rõ rệt hơn. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2018, 26,6% (khoảng 110.000 bài báo) trong cơ sở dữ liệu InCites của Trung Quốc có đồng tác giả quốc tế. Đến năm 2023, tỷ lệ này giảm 7,2%, mặc dù tổng số bài báo của Trung Quốc gần như tăng gấp đôi, lên 759.000 bài, trong cùng thời kỳ.

Nguyên nhân là do số bài báo có đồng tác giả là các nhà nghiên cứu Mỹ ngày càng giảm - đến năm 2023 đã giảm 6,4% so với đỉnh điểm (2017). Đây cũng là mức giảm lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào. Những phát hiện này đã được trình bày tại Diễn đàn Zhongguancun ở Bắc Kinh vào ngày 25/4.

Sự suy giảm hợp tác Mỹ-Trung này tương đồng với phát hiện từ một phân tích năm 2022, cho thấy số lượng nhà nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc cùng đứng tên trong các bài báo nghiên cứu (trong cơ sở dữ liệu Scopus của Elsevier) đã giảm hơn 20% từ năm 2019 đến năm 2021.

Marina Zhang - nhà nghiên cứu đổi mới tập trung vào Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, Úc, nói rằng căng thẳng địa chính trị đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc là một nguyên nhân của sự suy giảm hợp tác khoa học Mỹ-Trung.

Zhang cho biết, từ năm 2018 đến năm 2022, Bộ Tư pháp Mỹ đã triển khai một sáng kiến gây tranh cãi nhằm giải quyết vấn đề gián điệp trong nghiên cứu và công nghiệp. Sáng kiến này dẫn đến một số nhà khoa học Mỹ bị bắt vì có quan hệ với các cộng tác viên hoặc tổ chức ở Trung Quốc, đồng thời làm dấy lên nỗi sợ hãi trong giới nghiên cứu gốc Hoa. Và kể từ đó, chính phủ Mỹ đã áp dụng một loạt chính sách thắt chặt an ninh nghiên cứu.

Theo Zhang, mối quan hệ hợp tác Mỹ - Trung suy giảm có thể dẫn đến hai bên "dẫm chân nhau" khi theo đuổi các nghiên cứu tương tự, thay vì hợp lực để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, đại dịch và an ninh lương thực.

Zhang còn lưu ý, mặc dù phân tích mới chỉ ra tỷ lệ các bài báo có sự hợp tác giữa các nhà khoa học Mỹ-Trung đã bắt đầu giảm một cách chậm rãi từ cách đây sáu năm qua, nhưng đại dịch làm trầm trọng thêm xu hướng này.

Sự hợp tác của Trung Quốc với các nước khác cũng giảm dần kể từ năm 2020, nhưng không rõ rệt như với Mỹ. Tang Li - nhà nghiên cứu chuyên về chính sách khoa học và đổi mới tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, Trung Quốc, nhận xét việc khôi phục hợp tác Mỹ-Trung rất quan trọng vì những quan hệ đối tác khoa học như vậy có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa hai nước. “Trong bối cảnh những thảm họa và bất ổn toàn cầu ngày càng tăng, nhân loại không thể lãng phí thời gian vào những sự cạnh tranh mang tính dân tộc,” bà nói.

Nguồn: