Theo nghiên cứu mới, một hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong nghệ có thể mang lại hiệu quả tương đương omeprazole, loại thuốc dùng để giảm axit dạ dày dư thừa và điều trị chứng khó tiêu.

Nghiên cứu do Pradermchai Kongkam, bác sĩ và nhà nghiên cứu y dược tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), đứng đầu và đã được công bố trên tạp chí BMJ Evidence-Based Medicine.

Củ nghệ có chứa một hợp chất hoạt động tự nhiên gọi là curcumin, được cho là có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn. Ở Đông Nam Á, từ lâu nghệ đã được sử dụng như một phương thuốc chữa bệnh, bao gồm cả điều trị chứng khó tiêu.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa rõ hợp chất này hiệu quả như thế nào so với các loại thuốc thông thường dùng để điều trị chứng khó tiêu, do chưa có các nghiên cứu so sánh.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Trong một thử nghiệm lâm sàng mù đôi, có đối chứng giả dược, các nhà nghiên cứu đã tuyển chọn 206 bệnh nhân từ 18 đến 70 tuổi bị đau dạ dày tái phát. Trong đó 151 người đã hoàn thành thử nghiệm. Họ được tuyển chọn từ các bệnh viện ở Thái Lan trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021 và được phân ngẫu nhiên vào một trong ba nhóm điều trị trong 28 ngày, bao gồm nghệ (chất circumin), omeprazole và nghệ kết hợp với omeprazole.

Omeprazole là thuốc ức chế bơm proton (PPI), được sử dụng để điều trị chứng khó tiêu. Hầu hết mọi người đều bị khó tiêu tại một số thời điểm trong đời. Thông thường, tình trạng này không phải là dấu hiệu của bệnh gì nghiêm trọng và có thể tự điều trị. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, việc sử dụng PPI lâu dài liên quan đến tăng nguy cơ gãy xương, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, và nhiễm trùng.

Bệnh nhân ở cả ba nhóm đều có đặc điểm lâm sàng khó tiêu tương tự nhau, được đánh giá bằng điểm đánh giá chứng khó tiêu khi bắt đầu thử nghiệm. Bệnh nhân được đánh giá lại sau 28 ngày và sau 56 ngày.

Các nhà nghiên cứu phát hiện curcumin đường uống an toàn và dung nạp tốt. Mức độ cải thiện ở bệnh nhân ở cả ba nhóm đều tương tự nhau. Nhóm nghiên cứu thừa nhận quy mô nhỏ của nghiên cứu cũng như một số hạn chế khác, bao gồm thời gian can thiệp ngắn và thiếu dữ liệu theo dõi dài hạn, và cho rằng cần có những nghiên cứu dài hạn, quy mô hơn nữa.

Tuy nhiên, họ kết luận, “thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát này cung cấp bằng chứng có độ tin cậy cao về việc điều trị chứng khó tiêu" và “những phát hiện mới từ nghiên cứu của chúng tôi có thể chứng minh cho việc xem xét sử dụng chất curcumin trong thực hành lâm sàng”.

Nguồn: