Cách đây một thập kỷ, chi phí trung bình trong suốt vòng đời dự án của mỗi kWh điện gió trên bờ cao hơn 95% so với chi phí thấp nhất của các nhà máy điện đốt nhiên liệu hóa thạch. Còn ngày nay, chi phí này thấp hơn 52% so với các giải pháp công nghệ nhiên liệu hóa thạch rẻ nhất.

Tấm đệm cho cú sốc giá nhiên liệu toàn cầu

Cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu hóa thạch giai đoạn 2021-2022 là một lời nhắc nhở về những lợi ích kinh tế mạnh mẽ mà năng lượng tái tạo có thể mang lại về mặt an ninh năng lượng, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế IRENA cho biết trong báo cáo chi phí sản xuất điện tái tạo "Renewable Power Generation Costs in 2022" mới phát hành hồi tháng Tám.

Theo báo cáo, khoảng 86% (187 GW) công suất năng lượng tái tạo mới đưa vào vận hành trong năm 2022 có chi phí thấp hơn so với điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Đó là một bước nhảy vọt so với chi phí cách đây một thập kỷ, khi chi phí trung bình trong suốt vòng đời dự án (LCOE) của mỗi kWh điện gió trên bờ cao hơn 95% so với chi phí thấp nhất của các nhà máy điện đốt nhiên liệu hóa thạch.

Năm 2022, chi phí này tính trung bình của các dự án điện gió mới trên bờ trên toàn cầu thấp hơn 52% so với các giải pháp công nghệ nhiên liệu hóa thạch rẻ nhất.

Chi phí của năng lượng mặt trời thậm chí còn tốt hơn.

IRENA coi năm 2022 là một bước ngoặt thực sự trong việc triển khai năng lượng tái tạo bởi vì khả năng cạnh tranh về chi phí của nó chưa bao giờ tốt hơn, bất chấp tình trạng lạm phát chi phí hàng hóa và thiết bị kéo dài trên toàn thế giới [do đại dịch Covid-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng].

Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cú sốc tăng giá này có khả năng phục hồi đáng kể, phần lớn nhờ vào sự gia tăng lớn của năng lượng mặt trời và năng lượng gió trong thập kỷ qua.

“Nếu không triển khai năng lượng tái tạo trong hai thập kỷ qua, sự gián đoạn kinh tế từ cú sốc giá nhiên liệu hóa thạch vào năm 2022 sẽ tồi tệ hơn nhiều và có thể vượt quá khả năng điều tiết bằng ngân sách công của nhiều chính phủ”, IRENA cho biết.

Thay đổi chi phí sản xuất các nguồn năng lượng trên toàn cầu trong giai đoạn 2021-2022
Thay đổi chi phí sản xuất các nguồn năng lượng trên toàn cầu trong giai đoạn 2021-2022. Ảnh: IRENA

Theo tính toán, những nguồn tái tạo được xây dựng từ năm 2000 và đưa vào vận hành từ năm 2022 đã giúp giảm hóa đơn nhiên liệu của ngành điện trên toàn thế giới vào năm 2022 ít nhất 520 tỷ USD. Ngoài những khoản tiết kiệm chi phí trực tiếp này, sẽ có những lợi ích kinh tế từ việc giảm lượng khí thải CO2 và các chất gây ô nhiễm không khí tại địa phương.

Xu hướng giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao trong tương lai sẽ củng cố thêm sự thay đổi cấu trúc của ngành năng lượng.

Trên toàn thế giới, chi phí LCOE của điện tái tạo đã giảm 3% đối với tấm pin năng lượng mặt trời quy mô lớn vào năm 2022. Chi phí điện gió trên bờ giảm 5%, điện sinh khối giảm 13%, và địa nhiệt giảm 22%. Tuy nhiên, chi phí cho điện gió ngoài khơi và thủy điện tăng lần lượt 2% và 18%.

Lưới điện - nút thắt của năng lượng tái tạo Việt Nam

Nhìn chung, nếu chỉ xét về chi phí thì năng lượng tái tạo là lĩnh vực có sức hút lớn với các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về chi phí lắp đặt năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2010-2022. Báo cáo của IRENA chỉ ra, năm 2019, Việt Nam có mức chi phí LCOE của điện mặt trời thấp hơn của nhiên liệu hóa thạch. Chỉ vài năm sau, LCOE của điện gió trên bờ cũng vượt qua ngưỡng này.

Việc đầu tư cho các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam có rủi ro thấp hơn khi so sánh với các nguồn truyền thống. Lý do là các dự án năng lượng sạch có khả năng được phát triển nhanh hơn và đặt ở những địa điểm linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu năng lượng dự kiến tăng mạnh trong nước.

Hơn nữa, các nhà đầu tư cũng thích các khoản đầu tư có chi phí vốn thấp hơn. Điều này đã giúp Việt Nam phá vỡ hiện trạng và gia nhập nhóm các quốc gia thu hút lượng đầu tư năng lượng sạch lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên vẫn có một điều quan trọng đang cản trở sự tăng tốc của lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đó là việc các dự án điện gió và điện mặt trời phải “xếp hàng” từ vài tháng đến vài năm để hòa vào lưới điện.

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, theo Financial Times. Đằng sau cơn sốt năng lượng sạch và những tuyên bố ồn ào về lợi ích giảm phát thải ròng về 0, ít ai đề cập đến lưới điện - cơ sở hạ tầng quan trọng để đạt các mục tiêu tham vọng này.

Mặc dù được coi là một trong những hệ thống lưới điện tốt nhất Đông Nam Á, lưới điện của Việt Nam hiện vẫn chưa thể truyền tải điện từ các dự án năng lượng tái tạo tới các trung tâm kinh tế lớn. Còn phải xây thêm các trụ điện, trạm biến áp và đường dây truyền tải mới để nối các dự án, vốn thường đặt ở những khu vực xa xôi hoặc ngoài khơi, nơi hệ thống lưới điện chưa phát triển toàn diện.

Để tích hợp năng lượng tái tạo với nhiều nguồn điện khác buộc phải dùng đến lưới điện thông minh. Đồ họa: H.H
Để tích hợp năng lượng tái tạo với nhiều nguồn điện khác, buộc phải dùng đến lưới điện thông minh. Đồ họa: H.H

Bên cạnh đó, tính bất ổn của năng lượng tái tạo khiến người ta chưa thể đưa một lượng lớn dòng điện “phập phù” lên lưới để đối mặt với nguy cơ rã lưới hoặc với một chi phí đánh đổi chung quá lớn.

Theo lý thuyết, khi đưa các nguồn năng lượng tái tạo vào lưới bao nhiêu thì phải dự phòng một lượng công suất từ các nguồn ổn định hơn (như thủy điện, nhiệt điện, pin lưu trữ…) theo tỷ lệ bấy nhiêu để đảm bảo có thể bật/dừng/tăng giảm công suất kịp thời theo các nguồn biến thiên liên tục, giữ cho toàn bộ hệ thống điện được an toàn. Điều này rất tốn kém.

Chính vì thế, các nhà quản lý muốn trì hoãn việc đưa thêm nguồn tái tạo mới lên lưới. Hoặc ít nhất, họ muốn đưa lên với một lộ trình từ từ.

Hơn nữa, việc triển khai điện mặt trời áp mái tại các hộ gia đình và doanh nghiệp cũng làm tăng thêm sự phức tạp trong công tác quản lý mạng lưới điện. Để quản lý được hỗn hợp điện này, Việt Nam buộc phải biến lưới điện 'một chiều' thông thường của mình thành lưới điện thông minh có thể nhận và phát điện 'hai chiều'. Các đơn vị khai thác lưới điện chắc chắn sẽ gặp khó khăn để cân bằng giữa việc mở rộng mạng lưới mà không làm tăng chi phí cho người dùng.

Trên thực tế, các nhà quản lý điện của Việt Nam - thông qua EVN - đang nỗ lực hết mình để ‘thông minh hóa’ lưới điện, nhưng họ không thể hoàn thành điều này trong một sớm một chiều.