Không giống như trước đây, người cao tuổi hiện tại là nhóm người dùng dư giả thời gian, sẵn lòng tìm hiểu các công nghệ mới, đặc biệt “chịu chi” để nâng cao đời sống và theo dõi sức khỏe của mình.
Thế giới đang già đi, số lượng người cao tuổi ngày càng tăng lên. Tại Singapore và Thái Lan, dự báo số người trên 65 tuổi sẽ chiếm 25% dân số vào năm 2040. “Cơn bão” dân số già này thường kéo theo nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Tuy nhiên, không giống như trước đây, nhóm người cao niên sắp tới vẫn có nguồn lực tài chính đủ để tiếp tục là nhóm người tiêu dùng quan trọng.
Thống kê cho thấy những người cao niên ngày nay, cùng với những người trung niên (từ 45 tuổi trở lên), hiện là nhóm tuổi giàu có nhất trên thế giới. Nhóm tuổi này sở hữu những đặc trưng đáng chú ý như “chịu chi” và không chịu gánh nặng kinh tế, họ dư dả thời gian để làm những gì mình muốn như đi du lịch, tận hưởng những trải nghiệm mới, tự thưởng cho bản thân; họ quan tâm đến việc chăm sóc bản thân, chơi thể thao, ăn uống điều độ; họ là khách hàng trung thành của một số thương hiệu cụ thể v.v. Từ những đặc điểm này, khái niệm nền kinh tế bạc (silver economy) đã ra đời. Đây là hệ thống các ngành sản xuất, phân phối và tiêu dùng những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người già.
Một điều dưỡng tại viện dưỡng lão Methodist Welfare Services (Singapore) đang hướng dẫn bà Koh Foong Peng “du hành” đến Vạn Lý Trường Thành và một công viên dưới nước thông qua công nghệ thực tế ảo. Ảnh: Ashleigh Sim
Chăm sóc sức khỏe tại gia
Thông thường, nếu con cái quá bận rộn, người cao tuổi sẽ được đưa vào viện dưỡng lão để tiện cho việc chăm sóc. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng một tỷ lệ lớn người cao tuổi muốn tiếp tục sống trong nhà hơn là chuyển đến một cơ sở chăm sóc chuyên nghiệp. Dần dà, rất nhiều công nghệ đã ra đời để giúp người cao tuổi sống cuộc sống độc lập, riêng tư tại gia trong khi vẫn nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ mà họ cần - có thể đến những phần mềm công nghệ giọng nói như Amazon Alexa, Apple HomeKit và Google Assistant, cùng với các thiết bị thông minh tiện lợi với giá cả phải chăng.
Không thể không kể đến các thiết bị cảm biến sinh học giúp tạo ra các hệ thống giám sát không xâm phạm cho người cao niên và các nhóm dễ bị tổn thương khác. Các hệ thống này còn có thể cảnh báo cho các thành viên trong gia đình khi một người gặp vấn đề (đột quỵ, té ngã v.v.) và cung cấp các dịch vụ khẩn cấp nếu cần thiết.
Soundeye là một trong những công ty khởi nghiệp Singapore đang phát triển các sản phẩm giám sát không gian một cách kín đáo, tôn trọng quyền riêng tư của người dùng. Một trong những sản phẩm của họ, Lasso, sử dụng công nghệ laser và cảm biến nhận dạng âm thanh để phát hiện và ngăn ngừa té ngã. Lasso hiện đang được ứng dụng tại các bệnh viện và viện dưỡng lão địa phương, và nhóm đang lên kế hoạch ra mắt sản phẩm tại Việt Nam trong thời gian tới. Tương tự, Bluguard có trụ sở tại Malaysia cung cấp một hệ thống thông minh cho phép người dùng giám sát từ xa người thân của họ một cách kín đáo. Thông qua các cảm biến chuyển động, hệ thống có thể đưa ra cảnh báo khi phát hiện thấy người thân đã bất động trong một khoảng thời gian kéo dài hoặc có những hoạt động bất thường.
Việc sử dụng kính thực tế ảo có thể cải thiện các triệu chứng của chứng mất trí nhớ và sự cô đơn. Ảnh: Renato Ghio/RmediA
Ngoài việc trang bị công nghệ thông minh cho các ngôi nhà, nhiều người còn mua thêm các thiết bị đeo được để theo dõi sức khỏe một cách liên tục. Các thiết bị y tế có thể đeo được không chỉ giúp chuyển tiếp thông tin theo thời gian thực đến những người chăm sóc và các chuyên gia y tế, chúng còn giúp một người theo dõi sức khỏe của chính mình. Chúng theo dõi và cung cấp các dấu hiệu quan trọng như nhịp tim và mức độ vận động, đồng thời thông tin có thể được nạp vào hệ thống cơ sở dữ liệu làm căn cứ để các chuyên gia cải thiện tiến trình chăm sóc sức khỏe.
Công ty khởi nghiệp Microtube Technologies của Singapore đã tạo ra ARIS, một thiết bị đeo thể dục kết hợp đo lường các chỉ dấu sinh học, chẳng hạn như mức độ gồng và tình trạng mệt mỏi của cơ bắp, từ đó một thuật toán AI sẽ giúp dự đoán và đề xuất các hoạt động theo dõi cần thiết. Tương tự, Aevice Health cũng của Singapore đã tạo ra các thiết bị đeo được cho phép bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mãn tính quản lý tình trạng của bản thân và nhận được sự chăm sóc phù hợp từ các chuyên gia, ngay tại nhà của mình.
Những sản phẩm này cho thấy cách thiết bị đeo có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách giữa bác sĩ và bệnh nhân. Họ có thể tạo điều kiện để một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe liền mạch - phù hợp với lối sống của mỗi cá nhân và cho phép người cao niên sống lâu hơn - ra đời.
Giảm thiểu tình trạng suy giảm nhận thức
Song song với thiết bị đeo, cần có các hình thức can thiệp tích cực khác để đảm bảo rằng người cao tuổi có thể quản lý tình trạng sức khỏe của họ. Ở mọi quốc gia ASEAN, thủ phạm gây tử vong hàng đầu đều là một số bệnh mãn tính không lây nhiễm như bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mãn tính, tiểu đường và ung thư.
Do đó, công tác chăm sóc sức khỏe hiệu quả cho người cao tuổi cần tập trung hơn vào các biện pháp can thiệp dài hạn được cá nhân hóa, cho phép mỗi người có thể quản lý các bệnh mãn tính của họ và chủ động ngăn chặn sự phát triển của các bệnh mới. Hiện tại tiến bộ công nghệ đang cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận các dịch vụ y học cá thể hóa - phòng ngừa và điều trị chính xác. Không nằm ngoài xu thế đó, Viện Y học Kỹ thuật số tại Trường Y Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore đang thử nghiệm các giải pháp trị liệu kỹ thuật số để điều trị đích và phòng ngừa các tình trạng khác nhau liên quan đến tuổi tác như suy giảm nhận thức, tiểu đường, bệnh Alzheimer, v.v. Họ đã thiết kế một trò chơi dựa trên nhiệm vụ với hy vọng có thể giảm thiểu tình trạng suy giảm nhận thức.
Một loạt các giải pháp công nghệ y tế khác cũng được ra đời nhằm quản lý những bệnh mãn tính. Startup Zealth có trụ sở tại Singapore cung cấp một giải pháp toàn diện để theo dõi và quản lý bệnh nhân ung thư từ xa theo thời gian thực. Một startup khác tại Việt Nam, Jio Health, phát triển ứng dụng chăm sóc sức khỏe và mạng lưới các nhà thuốc để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, bao gồm quản lý bệnh mãn tính.
Sa sút trí tuệ cũng là một tình trạng nghiêm trọng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, bởi số người mắc bệnh dự kiến sẽ tăng hơn gấp ba lần từ 23 triệu vào năm 2015 lên 71 triệu vào năm 2050 .
Công nghệ thực tế ảo (VR) đã nổi lên như một trong những công cụ quan trọng để quản lý chứng sa sút trí tuệ. Tại Singapore, SingHealth Polyclinics và Trường Y khoa Duke-NUS đã hợp tác với nhóm công nghệ của Viện Giáo dục Kỹ thuật Cao đẳng West để nghiên cứu ứng dụng VR vào việc phát hiện suy giảm nhận thức nhẹ ở người cao tuổi. Nếu thành công, nghiên cứu này có thể cho ra đời một công cụ chẩn đoán chứng sa sút trí tuệ hiệu quả hơn so với các xét nghiệm hiện tại thường được sử dụng.
Doanh nghiệp xã hội của Singapore, Mind Palace, sử dụng VR để đưa những người mắc chứng sa sút trí tuệ vào các địa điểm hoặc trải nghiệm quen thuộc, giúp tâm trí họ luôn hoạt động và có khả năng làm chậm quá trình suy giảm nhận thức. Trải nghiệm VR được mô phỏng theo liệu pháp hồi tưởng, đã được chứng minh là giúp cải thiện các chức năng nhận thức, kiểm soát các triệu chứng trầm cảm và thậm chí có thể xoa dịu bệnh nhân đang bị kích động mà không cần sử dụng thuốc.
Kết nối xã hội
Sức khỏe thể chất không phải là khía cạnh về mặt sức khỏe duy nhất mà người cao tuổi cần phải đối mặt. Trong một báo cáo vào năm 2019 của Deloitte về tương lai của lão hóa, một số chuyên gia lưu ý rằng các tình trạng sức khỏe tâm thần và sức khỏe hành vi, như trầm cảm và cô đơn, sẽ trở thành một trong những vấn đề lớn nhất của xã hội trong những năm 2020 và 2030. Đây là lý do tại sao công ty khởi nghiệp Opsis của Singapore đã phát triển phần mềm dựa trên AI có thể đưa ra chẩn đoán ban đầu về tình hình sức khỏe tinh thần của một người bằng cách phân tích phản ứng và nét mặt của họ. Điều này giúp cải thiện tính chính xác của công nghệ chẩn đoán trực tuyến và cung cấp dịch vụ chăm sóc phù hợp cho các tình trạng sức khỏe tâm thần như lo âu, căng thẳng và trầm cảm.
Sự tách biệt xã hội là yếu tố chính khiến sức khỏe tinh thần là vấn đề được quan tâm. Những người có mạng lưới xã hội bền chặt và các mối quan hệ xã hội chất lượng hơn có xu hướng sống lâu hơn. Có thể sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và nền tảng xây dựng cộng đồng để thúc đẩy và tăng cường kết nối xã hội giữa những người cao tuổi. Một nghiên cứu của Đại học Quản lý Singapore cho thấy việc sử dụng mạng xã hội để tương tác giữa các cá nhân và kết nối xã hội có thể giúp chống lại sự suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác.
Các công ty công nghệ Trung Quốc đã điều chỉnh và tạo ra các sản phẩm mới cho thị trường đang già hóa nhanh chóng của họ kể từ khi Chính phủ Trung Quốc yêu cầu vào năm 2021, tất cả các sản phẩm và dịch vụ công nghệ phải được sửa đổi để trở nên “thân thiện hơn đối với người cao tuổi”. Tất cả các sản phẩm công nghệ lớn của Trung Quốc, bao gồm các nền tảng truyền thông xã hội như WeChat và Douyin, đều đã và đang thử nghiệm các sản phẩm phù hợp với người cao tuổi như giao diện đơn giản hóa, hệ thống ra lệnh bằng giọng nói nhận dạng phương ngữ và không có quảng cáo trên thiết bị di động. Hongsong là một nền tảng mạng xã hội có trụ sở tại Trung Quốc dành cho những người cao niên đã nghỉ hưu mong muốn giao lưu và xây dựng cộng đồng trực tuyến có cùng sở thích. Nền tảng đã huy động được gần 100 triệu USD trong vòng Series A+ vào năm 2021.
Không có gì lạ khi nhiều công ty muốn cải tiến công nghệ để người cao niên dễ dàng sử dụng hơn, bởi người cao niên châu Á am hiểu công nghệ hơn nhiều so với những người cùng lứa tuổi trên toàn thế giới. Báo cáo Top 10 xu hướng tiêu dùng toàn cầu năm 2022 của Euromonitor cho thấy những người cao tuổi tham gia khảo sát ở châu Á - Thái Bình Dương sử dụng mạng xã hội thường xuyên hơn so với những người ở châu Âu và Bắc Mỹ. Nhóm người cao niên từ Trung Quốc đến Thái Lan đã cho thấy rằng họ có thể sử dụng thành thạo mạng xã hội để giao tiếp và thậm chí có thể sử dụng nó hiệu quả đến mức trở thành những người có tiếng tăm, thậm chí có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Điều này cho thấy rằng “nền kinh tế bạc” ở Đông Nam Á đã sẵn sàng để đón nhận các cải tiến mới và các nền tảng truyền thông xã hội tập trung vào người cao tuổi.
Theo Kr-Asia