Kể từ khi cuộc đổ bộ Mặt trăng của Vikram hồi tháng Chín bị thất bại, vị trí cụ thể của tàu đổ bộ này vẫn là một bí ẩn, cho đến khi được giải đáp bởi một nhà quan sát nghiệp dư từ Ấn Độ.
NASA vừa tuyên bố việc tìm thấy xác tàu đổ bộ Vikram của Ấn Độ trên bề mặt Mặt Trăng – với sự giúp đỡ của một kỹ sư từ Chennai - Ấn Độ, người đã theo dõi và so sánh ảnh chụp vệ tinh bề mặt Mặt Trăng trong thời gian rảnh rỗi.
Vikram là tàu đổ bộ, một phần của sứ mệnh Mặt Trăng Chandrayaan-2 (Cỗ xe Trăng-2) của Ấn Độ được khởi động hồi tháng Bảy năm nay. Nếu thành công trong việc hạ cánh xuống bề mặt cực Nam vào ngày 7/9 thì Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ tư đưa tàu đổ bộ lên Mặt Trăng thành công. Nhưng ở giai đoạn hạ cánh cuối cùng ở độ cao 2.100 mét trên bề mặt, Vikram đã chệch khỏi quỹ đạo dự kiến và mất liên lạc với trạm mặt đất.
Cơ quan Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã thông báo việc tìm thấy tàu đổ bộ ngay ngày hôm sau. Tuy nhiên, không có bất kỳ hình ảnh nào được công bố về vị trí “hạ cánh cứng” (hạ cánh sai kế hoạch) do tàu quỹ đạo Chandrayaan-2, vốn vẫn tiếp tục hoạt động trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng trong nhiều năm tới, chụp lại.
Trong khi đó, một tàu quỹ đạo khác của NASA, Lunar Reconnaissance Orbiter (Tàu Quỹ đạo Thám sát Mặt Trăng - LRO) đã bay qua và chụp ảnh khu vực hạ cánh dự kiến của Vikram nhiều lần kể từ tháng Chín. Nhưng những phân tích hình ảnh ban đầu không cho thấy dấu vết va chạm rõ nét (so sánh với trường hợp tàu đổ bộ Beresheet của Israel bị rơi hồi tháng Tư). Các nhà khoa học NASA suy đoán rằng có lẽ xác tàu đã bị ẩn ở góc khuất.
Khi NASA công bố các ảnh chụp đầu tiên của khu vực hôm 26/9, rất nhiều người yêu thiên văn nghiệp dư đã tham gia việc tìm kiếm, trong đó có Shanmuga Subramanian, một lập trình viên máy tính và kỹ sư cơ khí người Ấn Độ.
“Cuộc đổ bộ thất bại của Vikram đã khơi dậy mối quan tâm đến Mặt Trăng không chỉ của tôi mà còn nhiều người khác,” Subramanian trả lời qua thư điện tử với The New York Times. “Tôi nghĩ chính ra nếu Vikram hạ cánh thành công và gửi được ảnh về thì cũng không thể làm chúng tôi hứng thú được đến thế. Trong mấy ngày đầu tiên, tôi đã thử quét ngẫu nhiên các hình ảnh và có rất nhiều suy đoán sai.”
Sau khi xem xét lại vận tốc và vị trí cuối cùng được biết đến của Vikram, Subramanian đã thay đổi chiến thuật tìm kiếm. Ước lượng rằng Vikram chỉ có thể rơi chệch hướng 1km từ điểm hạ cánh dự kiến, anh tập trung vào xem xét hình ảnh trong 2km2 quanh vị trí này. Tại đây, anh phát hiện một đốm trắng không nhìn thấy được trong ảnh chụp cùng vị trí 9 năm trước đó. Anh tự hỏi liệu vụ va chạm có thể đã khiến tàu đổ bộ bị vùi dưới lớp đất Mặt Trăng hay không.
Subramanian đã báo cáo phát hiện của mình cho NASA và các nhà khoa học của đội phân tích ảnh LRO đã quét sạch khu vực xung quanh và xác nhận phát hiện đó là chính xác. So sánh các hình ảnh được chụp trước và sau cuộc hạ cánh của Vikram (chụp mới hôm 11/11), họ đã xác định được điểm va chạm là khoảng 750m về phía đông nam vị trí dự kiến cùng một vùng các mảnh vỡ rải xung quanh đó.
Các mảnh vỡ của tàu rất nhỏ và chỉ được phát hiện ở độ phân giải cao nhất của máy ảnh – với khoảng 1,3 mét cho mỗi pixel, ba mảnh vỡ lớn nhất có kích thước khoảng 2×2 pixel, tạo ra bóng có kích thước chỉ 1 pixel, theo NASA.
Phát hiện thành công của Subramanian có sự hỗ trợ rất lớn từ các diễn đàn mạng như Twitter hay Reddit: “Rất nhiều dự đoán lỗi ban đầu của tôi được chỉ ra bởi các thành viên trên Twitter và một đường link trên Reddit đã cung cấp cho tôi số liệu về đường bay của Vikram,” anh trả lời trên The Economic Times (Ấn Độ). Thành công này, theo anh, chính là minh chứng cho tầm quan trọng của cộng đồng những người yêu khoa học và thiên văn trong việc hỗ trợ các sứ mệnh vũ trụ. “Tôi đề xuất rằng sinh viên và những người khác có thể hỗ trợ các cơ quan vũ trụ như ISRO hay NASA bằng việc xây dựng các cơ sở dữ liệu hình ảnh tốt như LRO để cùng so sánh – hiện tại chúng tôi phải làm việc này hoàn toàn thủ công.”
Nguồn:
The New York Times, The Economic Times India