Ông Trần Thành Đức, thư ký riêng của Giáo sư Trần Đại Nghĩa (1968-1971). Ở độ tuổi xưa nay hiếm, Ông vẫn cất công thu thập tư liệu để hoàn thiện cuốn sách viết về GS Trần Đại Nghĩa.

Bài viết dưới đây là những cảm nghĩ của ông về người thủ trưởng năm xưa. Người với ông, lúc nào cũng như một ông Phật hiền lành, một nhà khoa học bình dị, một người thầy lớn.

Đào tạo đội ngũ cán bộ quân giới

Theo ông Trần Thành Đức, công lao lớn nhất của GS Trần Đại Nghĩa không chỉ là chế tạo ra súng Bazooka mà ông còn đào tạo được một đội ngũ cán bộ đầu tiên cho ngành Quân giới ở nước ta, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Quân giới. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), tình hình chiến sự vô cùng phức tạp, Pháp quay trở lại chiếm đóng Hà Nội, các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quân đội phải tạm rút vào khu vực Hà Đông để chuẩn bị lên An toàn khu (ATK). Thời gian này, Cục Quân giới lúc đầu chuyển về Bình Đà, sau đóng tại một trường tiểu học của huyện Ứng Hòa. Bất chấp khó khăn do hoàn cảnh, tại đây GS Trần Đại Nghĩa đã cho hoàn thiện, sửa những nhược điểm của súng Bazooka (trước đó đã thử nghiệm ở Xưởng Giang Tiên, Phú Lương, Thái Nguyên) và cho bắn thử thành công. Căn phòng nơi ông ở, dưới gầm giường, xung quanh đều là những vật liệu thuộc về vũ khí ... Những người đầu tiên được GS Nghĩa lên lớp giảng bài khi ấy là: Lê Khắc, Hoàng Xuân Tùy, Phạm Đồng Điện, Hoàng Đình Phu, Nguyễn Văn Thu, Tôn Thất Hoàng,… sau đều trở thành cán bộ cốt cán và có vai trò nhất định trong nền Công nghiệp quốc phòng của nước ta. Giáo sư Trần Đại Nghĩa trực tiếp giảng dạy những kiến thức cơ bản về nội phao, ngoại phao mà nội dung là lý thuyết chuyển động của đạn trong nòng súng và ngoài khí quyển, các tính năng của thuốc nổ, thuốc phóng,… Ông chính là người đầu tiên truyền thụ cho những cán bộ này kiến thức về kỹ thuật vũ khí, xạ thuật, chất cháy, chất nổ, những vấn đề chưa có trong chương trình đào tạo đại học và cao đẳng ở Hà Nội trước Cách mạng tháng Tám. Những bài giảng của Giáo sư đều có tính chọn lọc, vừa cơ bản, vừa thiết thực; vừa học lý thuyết vừa bắt tay ngay vào tính toán thực hành. Đây là cơ sở lý luận đầu tiên giúp cho cán bộ nghiên cứu tiếp tục tự học, nâng cao trình độ của mình.

Thiếu tướng, Giáo sư Trần Đại Nghĩa (thứ ba, từ phải sang) cùng các cán bộ quân giới xem một số loại vũ khí do một nhà máy quốc phòng sản xuất thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu
Thiếu tướng, Giáo sư Trần Đại Nghĩa (thứ ba, từ phải sang) cùng các cán bộ quân giới xem một số loại vũ khí do một nhà máy quốc phòng sản xuất thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Sau lớp học này, GS Trần Đại Nghĩa còn tiếp tục mở một lớp giảng dạy khác ở Bắc Kạn vào khoảng năm 1947, lớp học có khoảng 120 người, đến từ nhiều nơi. Ông đã dạy lại nguyên lý chế tạo súng Bazooka, các vấn đề cơ bản của vũ khí. Trong điều kiện khó khăn, ông đã ý thức xây dựng một đội ngũ cán bộ kế cận nhằm phục vụ cho cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta.

Năm 1969, với chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, có một lần GS Trần Đại Nghĩa đã bảo tôi tìm gặp GS Hoàng Tụy để mượn cuốn sách tiếng Nga: Vận trù học trong quân sự. Sau đó Giáo sư yêu cầu tôi lược dịch nội dung trình Thủ trưởng, ông khen cuốn sách rất tốt và yêu cầu gửi cuốn sách này xuống cho ông Hoàng Đình Phu, dịch thành sách để phổ biến cho sĩ quan trong Quân đội. Điều này cho thấy tầm nhìn của GS Trần Đại Nghĩa, ngay trong điều kiện chiến tranh đã lo đến việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nhằm xây dựng, phát triển đất nước khi hòa bình lập lại.

Một thủ trưởng bình dị

Trong những năm đầu của cuộc Kháng chiến chống Pháp thì lớp học sinh chúng tôi ai ai cũng biết đến Trần Đại Nghĩa. Thời kỳ đó quân Pháp có vũ khí tối tân, có xe tăng đại bác nhưng quân dân ta thì chỉ có vũ khí thô sơ. Vì thế, tin Bác Hồ đã đưa về nước một kỹ sư chế tạo vũ khí rất giỏi làm nao nức mọi người. Sau đó một thời gian ngắn thì tin Bazooka, SKZ giành chiến thắng vang dội trên các chiến trường đã bay nhanh về hậu phương. Câu chuyện về chế tạo vũ khí hiện đại giữa núi rừng Việt Bắc trong điều kiện gian khổ để đánh lô cốt, đánh xe tăng địch như một huyền thoại. Toàn quân và dân đều khâm phục nhà bác học Việt minh Trần Đại Nghĩa. Lớp học sinh chúng tôi và giới trí thức trẻ xem ông là thần tượng... Khi trước mặt mình là GS Trần Đại Nghĩa thì tôi cảm thấy run vô cùng. Tôi không ngờ là ngày hôm đó tôi được đồng chí Cục phó Cục Cán bộ đưa đến giới thiệu với Giáo sư Nghĩa: “Thưa Giáo sư, đây là kỹ sư Đức ở Nhà máy Z2, một người giỏi tiếng Nga theo yêu cầu của Giáo sư và cũng rất am hiểu vũ khí”. Lúc đó, tôi run lắm vì đã từng được nghe nói Giáo sư nổi tiếng là trí tuệ bác học, hiểu biết rất sâu sắc về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, còn mình mới tốt nghiệp kỹ sư được vài ba năm, vốn liếng kinh nghiệm còn ít ỏi nên lúc đó thật sự là rất sợ. Sợ vì không hoàn thành nhiệm vụ nhưng cũng sung sướng vì ít nhất mình cũng được gần một nhà khoa học lớn để mình có thể học tập.

Kỷ niệm trong những ngày đầu làm việc với GS Trần Đại Nghĩa là tôi gọi Giáo sư bằng thầy, bằng thủ trưởng. Sau đó một thời gian Giáo sư bảo ở trong Quân đội, trong Tổng cục Hậu cần, ông Đinh Đức Thiện thống nhất các thư ký gọi các thủ trưởng bằng anh. Từ đó trở đi tôi gọi Giáo sư Nghĩa bằng anh xưng em, mặc dù tôi kém tuổi Thủ trưởng Nghĩa rất nhiều. Những ngày sau đó, khi thấy tôi băn khoăn hoặc rụt rè, GS Nghĩa động viên: “Cứ yên tâm đừng hồi hộp, cái gì chưa biết thì hỏi, đừng ngần ngại, tôi biết chú là một sinh viên xuất sắc, giỏi đấy, chú cố gắng làm, lo đọc các tạp chí quân sự của Nga”. Giáo sư Trần Đại Nghĩa là người thông thạo tiếng Pháp, Đức, Anh, cần thư ký biết tiếng Nga để giúp Giáo sư phần tư liệu tiếng Nga. Dần dần tôi cũng quen việc của một người thư ký. Giáo sư Nghĩa yêu cầu tôi phải cố gắng hằng tuần, hằng tháng đọc tạp chí và báo cáo cho Giáo sư những thông tin mới. Làm việc với GS Trần Đại Nghĩa, điều đầu tiên tôi học được ở Giáo sư là phương pháp làm việc vì hồi đó tôi chưa có khái niệm gì về phương pháp làm việc khoa học. Giáo sư Nghĩa hướng dẫn tôi từ cách sắp xếp như thế nào để không sót việc và để nhớ việc, tiếp nữa là phải có ưu tiên, việc nào giải quyết trước, việc nào giải quyết sau. Điều đầu tiên mà tôi luôn ghi nhớ là lời dặn: “Mỗi vật có một chỗ và mỗi chỗ dành cho một vật”. Câu nói tưởng chừng rất đơn giản nhưng rất hay, rất chí lý.


“Tôi sinh ngày 13-9-1913 tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Cha tôi là ông giáo Phạm Văn Mùi, mẹ tôi là bà Lý Thị Diệu đặt tên tôi là Lễ - Phạm Quang Lễ.

Đến trước 7 giờ sáng ngày 5-12-1946, tên tôi vẫn là Phạm Quang Lễ. Đang ở Thái Nguyên lo sản xuất vũ khí thì được điện về Hà Nội gấp để gặp Bác Hồ. Được gặp Bác Hồ ở Bắc bộ phủ, Bác nói: “Bác quyết định trao cho chú nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội. Đây là việc đại nghĩa, vì thế Bác đặt cho Chú tên là Trần Đại Nghĩa. Đây là bí danh từ nay trở đi cho Chú, để giữ bí mật cũng là giữ an toàn cho bà con thân thuộc của Chú ở trong miền Nam” (Trần Đại Nghĩa là tên của tôi từ đó)

… Chiều ngày 30-4-1975 tôi đã ghi vào sổ tay: Nhiệm vụ của Bác giao cho tôi và tập thể các nhà khoa học Việt Nam là tham gia về mặt vũ khí và khoa học quân sự trong hai cuộc kháng chiến đã được hoàn thành. Từ nay đến hàng nghìn năm sau chúng tôi xin bàn giao lại nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cho thế hệ ngày nay và thế hệ mai sau.

Giờ đây, tuổi đã cao, mắt đã mờ, đi đứng đã khó khăn nhưng mỗi độ heo may trong lòng vẫn cảm nhận rất rõ ràng cái tiết Thu xa xưa ấy… gợi nhớ bồi hồi.

Trích tâm tình của GSVS Trần Đại Nghĩa tại lễ mừng thọ Ông.

Làm việc với Giáo sư Nghĩa tôi còn học được ở người thủ trưởng một tấm gương về đạo đức, cái tâm trong sáng và lối sống hết sức bình dân. Tôi nhớ dạo đó là cuối năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, có sáng kiến chuyển gạo bằng dây cáp từ phía Bắc bờ sông Bến Hải sang bờ sông phía Nam, việc này được thiết kế và thử nghiệm ở Xuân Mai. Một hôm vào 4 giờ chiều, tôi nhận được điện của Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài mời GS Trần Đại Nghĩa đi máy bay trực thăng lên Xuân Mai. Lúc đó tôi sung sướng, tưởng chuyến này mình sẽ được đi trực thăng cùng Thủ trưởng nhưng sau đó GS Nghĩa yêu cầu tôi gọi điện lại cám ơn và từ chối lời mời của ông Phùng Thế Tài, sáng hôm sau hai thầy trò đi xe ô tô Com-măng-ca từ 4 giờ sáng để lên Xuân Mai.

Một lần khác tôi tháp tùng Thủ trưởng đi dạy ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, thầy trò đến trường sớm 15 phút, GS Trần Đại Nghĩa nói với tôi không nên vào, bởi: “Đến sớm làm phiền người ta, đến muộn là bất lịch sự, đến trước 5 phút thôi để người ta chuẩn bị”. Lại một kỷ niệm khác, hôm đó 7h30 Hội đồng Chính phủ họp, lúc 7h15 tôi nhận được điện thoại đón Thủ trưởng ở phố Cửa Nam. Đến địa điểm họp thì muộn 15 phút, GS Nghĩa nhìn đồng hồ và bảo tôi quay xe trở về. Tôi nói với Giáo sư: “Thưa anh, mới chậm có 15 phút”. Giáo sư bảo: “15 phút cũng về, bây giờ họp rồi, tự nhiên một người đi vào, phải báo cáo thưa các anh xe tôi hỏng à? Tốt nhất là tôi vắng mặt, báo cáo và nghe lại sau, vào như thế có lẽ Thủ tướng đang nói, làm cho Thủ tướng cũng không hài lòng và các ông Bộ trưởng khác cũng không hiểu tại sao nhà khoa học này lại đến muộn”.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa rất ít nói, các câu chuyện được trao đổi chủ yếu là vấn đề chuyên môn, về các vấn đề khoa học kỹ thuật, công việc. Nhưng có một lần làm tôi hết sức ngạc nhiên và cảm động. Đó là một buổi chiều năm 1968, hôm đó trời mưa, nhìn ra cây dừa đẫm nước mưa phía trước phòng làm việc, Giáo sư nói: “Nhìn mưa rơi trên cây dừa mà tôi lại nhớ cái thời tôi ở với mẹ tôi tại Mỹ Tho. Mẹ tôi thương tôi lắm. Có một lần tôi đi về quên cái ô nên ướt hết, mẹ nhắc nhở tại sao như thế rồi lấy quần áo cho tôi thay”. Tôi băn khoăn tại sao hôm nay Thủ trưởng lại nghĩ đến chuyện thời thơ ấu của ông? Và tôi sực nhớ ra là đầu giờ chiều hôm đó ông Chánh văn phòng vào xin phép cho tôi được nghỉ một tuần để tôi về Nghệ An tìm và đưa mẹ tôi ở trong vùng chiến sự ra Hà Nội. Tôi cũng chỉ có hai mẹ con, cũng xa mẹ 8-9 năm rồi chưa được gặp lại. Có lẽ, vì được biết cậu thư ký của mình cũng chỉ có hai mẹ con, mà Giáo sư nhớ về thời xưa với mẹ và chị ở Mỹ Tho. Sau đó mấy ngày tôi đưa được mẹ ra Hà Nội, Thủ trưởng nhắc tôi: Nhớ làm sổ gạo cho cụ. Tôi rất cảm động và thấy mình sung sướng thật, được gần một thủ trưởng vừa có tri thức uyên bác, một nhân cách lớn, vừa có tấm lòng nhân ái giản dị.



Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (1913–1997) - một nhà khoa học lớn, một nhà quản lý khoa học kỹ thuật cấp cao, cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

* Năm 1935, ông đi du học Pháp và tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân toán học tại các trường: Đại học Bách khoa Paris, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học Cầu đường Paris. Sau đó ông ở lại Pháp làm việc tại Viện nghiên cứu máy bay. Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí.

* Tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Pháp thương thuyết với Bộ trưởng Thuộc địa Marius Moutet. Ông theo Hồ Chủ tịch về nước, tham gia tổ chức, chế tạo vũ khí cho quân đội tại núi rừng Việt Bắc.

* Ông là người đã chế tạo các loại súng Bazooka bắn xe tăng - nỗi khiếp sợ của nhiều xe tăng Mỹ - Pháp; và nhiều loại bom đạn khác.

* Ông từng giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục pháo binh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam (nhiệm kỳ 1983-1988), Hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khoá II, III.

* Ông được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên năm 1948. Ông đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lao động năm 1952.

Thơ tặng Giáo sư Trần Đại Nghĩa

Nghĩa lớn gọi về với nước non
Buồn vui đã trải cuộc vuông tròn.
Rèn tài văn võ thời phiêu bạt
Gánh việc giang san thuở mất còn.
Tình nặng, ấy chưng tình đất nước
Nghiệp đời há kể nghiệp vàng son.
Gốc thông đứng thẳng dầu mưa gió
Để gió lành reo ngát nước non.
GS. Phan Đình Diệu