Nhà sử học ở NASA đã điều tra và không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy cựu tổng giám đốc James Webb đã can dự vào các hành động chống lại cộng đồng LGBT+. Trong khi đó, các nhà thiên văn học tiếp tục chỉ trích cách đặt tên, và một số hiệp hội thiên văn né tránh tên gọi này bằng cách chỉ viết tắt.

Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) được đặt theo tên người từng điều hành NASA từ năm 1961 đến năm 1968, khi cơ quan này phát triển chương trình Apollo đưa phi hành gia lên Mặt trăng. Webb cũng giữ các vị trí cấp cao trong chính phủ Mỹ vào thời điểm các nhân viên LGBT+ bị sa thải một cách có hệ thống, chỉ vì xu hướng tính dục của họ.

Sean O'Keefe, cựu tổng giám đốc NASA, người lấy tên James Webb đặt cho kính viễn vọng vào năm 2002, đã không hỏi ý kiến ​​cộng đồng thiên văn về quyết định này.

Đối với nhiều nhà thiên văn học, chỉ riêng việc Webb giữ các vị trí cao trong chính phủ Mỹ vào thời điểm nói trên đã đủ để không chọn tên ông đặt cho kính viễn vọng. Họ cho rằng cách đặt tên này làm kéo dài một thời kỳ đen tối trong lịch sử nước Mỹ. Dưới áp lực đó, NASA đã ủy quyền cho nhà sử học nội bộ - Brian Odom - điều tra "lý lịch" James Webb, đặc biệt là trong nhiệm kỳ của ông tại Bộ Ngoại giao từ năm 1949 đến năm 1952, khoảng thời gian việc đối xử tệ hại với các nhân viên đồng tính nam và đồng tính nữ diễn ra nghiêm trọng nhất.

Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) trị giá 10 tỷ USD là đài quan sát không gian phức tạp và tốn kém nhất trong lịch sử.

Theo kết quả báo cáo điều tra do NASA công bố vào ngày 18/11, Odom không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Webb liên quan đến các hành động như vậy. Trước đó, vào tháng 9/2021, tổng giám đốc NASA Bill Nelson cũng từng ra tuyên bố, nói rằng cơ quan này “không tìm thấy bằng chứng nào vào thời điểm này làm cơ sở cho việc thay đổi tên kính viễn vọng”. Sau sự phẫn nộ của nhiều nhà thiên văn học, NASA thông báo rằng Odom và một nhà sử học thuê ngoài sẽ xem xét kỹ hơn các hoạt động của Webb, bao gồm cả khi ông làm việc ở Bộ Ngoại giao Mỹ.

Báo cáo mới tập trung vào hai cuộc họp vào tháng 6/1950. Trong cuộc họp thứ nhất, Tổng thống Mỹ Harry Truman và Webb thảo luận về việc có nên hợp tác với các nhà điều tra của Quốc hội đang tìm kiếm thông tin cá nhân về các nhân viên của Bộ Ngoại giao hay không. Trong cuộc họp thứ hai, Webb gặp Thượng nghị sĩ Clyde Hoey và chuyển cho Hoey “một số tài liệu về tình dục đồng giới do một trong những đồng nghiệp của Webb chuẩn bị. Cho đến nay, không có bằng chứng nào trực tiếp cho thấy Webb có hành động gì tiếp theo sau các cuộc thảo luận này, theo báo cáo của Odom.

Báo cáo cũng mô tả vụ việc NASA sa thải Clifford Norton vào năm 1963 với lý do ông là người đồng tính. Webb là tổng giám đốc của NASA vào thời điểm đó. Norton đã kiện chính phủ liên bang về vụ sa thải và giành một chiến thắng mang tính bước ngoặt vào năm 1969. Odom nói rằng không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Webb biết về việc sa thải Norton và lưu ý, Ủy ban Dịch vụ Dân sự, chứ không phải các cơ quan như NASA, chịu trách nhiệm điều tra và thực thi các chính sách liên quan đến nhân viên thuộc cộng đồng LGBT+.

“Báo cáo không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Webb là người chủ động sa thải hoặc đã đề xuất sa thải nhân viên chính phủ vì khuynh hướng tình dục của họ”, NASA cho biết trong một tuyên bố đi kèm báo cáo. Còn Odom nói, đối với ông, việc điều tra đã kết thúc.

"Thật mâu thuẫn khi NASA khăng khăng ghi công Webb về những tiến bộ do người khác tiến hành dưới thời ông lãnh đạo nhưng lại không ghi nhận lỗi của Webb về các vấn đề LGBT+ trong thời kỳ đó," bốn nhà thiên văn học đăng kiến nghị ​​trên tạp chí Scientific American, khơi mào cho cuộc tranh cãi về tên gọi của kính thiên văn vào tháng 3 năm ngoái, nói. “Lãnh đạo cao nhất của NASA đang chọn lọc lịch sử theo ý họ, chúng tôi thấy đây là cách làm phản khoa học”.

Bốn người đó là Chanda Prescod-Weinstein (Đại học New Hampshire, Durham), Sarah Tuttle (Đại học Washington, Seattle), Lucianne Walkowicz (Cung thiên văn Adler, Chicago, Illinois) và Brian Nord (Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia Mỹ Fermi, Batavia, Illinois).

Trong khi đó, Barb Webb, con dâu của James Webb, cho biết gia đình bà không ngạc nhiên trước những phát hiện của báo cáo nhưng hài lòng vì NASA đã đưa ra một báo cáo công khai. “James Webb không đáng bị chê bai một cách hấp tấp và sai lầm như vậy", bà nói.

Nhiều cộng đồng khoa học không hài lòng với quyết định của NASA. Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia đã áp dụng chính sách chỉ viết tắt tên kính viễn vọng JWST trong các ấn phẩm, thay vì viết tên đầy đủ. Hiệp hội Thiên văn học Hoa Kỳ (AAS) ra chính sách cho phép viết tắt tên kính viễn vọng ngay từ lần đầu nhắc đến - thông thường AAS yêu cầu lần nhắc đến đầu tiên phải được viết đầy đủ.

Cuộc tranh cãi này đã ảnh hưởng đến cách NASA đặt tên cho các thiết bị và nhiệm vụ trong tương lai. Phát ngôn viên của NASA cho biết cơ quan này đã cập nhật hướng dẫn nội bộ về việc đặt tên, và sẽ triệu tập một ủy ban, trong đó có nhà sử học, để tiến hành “đánh giá kỹ lưỡng về lịch sử và pháp lý” trước khi chọn tên.

Nguồn: