Đó là chia sẻ của TS Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).
Trên thế giới, năng lượng nguyên tử (NLNT) đang có đóng góp rất lớn về kinh tế, chẳng hạn ở Mỹ là 2% GDP. Ở Việt Nam, hiệu quả ứng dụng đang ở mức nào, thưa ông?
Tại Việt Nam, NLNT đang được ứng dụng rất rộng từ công nghiệp, nông nghiệp đến y tế. Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020 đã đặt ra mục tiêu xây dựng, phát triển ngành công nghiệp, công nghệ hạt nhân có đóng góp hiệu quả, trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực KH&CN của đất nước.
Sau khi có quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020, các bộ, ngành đã xây dựng được các quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường.
TS Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).
Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng NLNT đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng đột biến, công nghiệp, môi trường… Đặc biệt, Việt Nam là nước ứng dụng nhanh bức xạ hạt nhân vào khám - chữa bệnh, giúp người dân được thụ hưởng các kỹ thuật tiên tiến ngay trong nước thay vì phải ra nước ngoài.
Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về các ứng dụng trong y tế?
Trong y tế, các kết quả cơ bản đáp ứng nhiệm vụ và chỉ tiêu đã được Thủ tướng phê duyệt. Hiện cả nước có 32 cơ sở y học hạt nhân. Nhiều kỹ thuật xạ hình bằng SPECT và SPECT/CT đối với ung thư và ung thư di căn, các bệnh tim mạch, tiêu hoá, xương khớp, hô hấp... đang dần phổ biến. Một số bệnh viện có từ 2.000-3.000 ca xạ hình SPECT mỗi năm. Kỹ thuật PET/CT sử dụng 18F-FDG - công nghệ tiên tiến của thế giới - hiện đã thành thường quy trong chẩn đoán, điều trị các bệnh ung thư, tim mạch và thần kinh.
Hai bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy có 7.000-8.000 lượt xạ hình mỗi năm, riêng PET/CT khoảng 1.000 lượt. Lĩnh vực xạ trị, chẩn đoán hình ảnh, sản xuất và sử dụng đồng vị, dược chất phóng xạ... cũng có nhiều kết quả đáng khích lệ. Tổng lượng cung cấp đồng vị dược chất phóng xạ trong y tế đạt 50% nhu cầu, đáp ứng mục tiêu đề ra. Cụ thể, Việt Nam cần 1.400 Ci/năm, trong đó Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cung cấp 400 Ci/năm, các máy Cyclotron cung cấp khoảng 250 Ci/năm
Để khai thác tối đa tiềm năng của NLNT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, theo ông giải pháp là gì?
Việc nghiên cứu ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ cần sử dụng công nghệ hiện đại, đòi hỏi sự hợp tác liên ngành và sự tham gia của doanh nghiệp. Lĩnh vực này có rất nhiều triển vọng nhưng sự quan tâm, đầu tư của các bộ, ngành còn chưa tương xứng. Đội ngũ cán bộ tuy đông đảo nhưng đang có nguy cơ thiếu chuyên gia.
Cơ chế xã hội hóa đã được áp dụng, đặc biệt là trong y tế, chiếu xạ quy mô công nghiệp và một số loại hình dịch vụ công nghệ hạt nhân. Vì vậy, cần tạo cơ chế huy động đầu tư để NLNT có thể tham gia giải quyết các vấn đề cuộc sống như ngập mặn, hạn hán, đảm bảo an ninh lương thực… Bộ KH&CN đang được giao chủ trì xây dựng Luật NLNT sửa đổi, theo kế hoạch sẽ trình Quốc hội xem xét ban hành vào năm 2018.
Xin trân trọng cảm ơn ông!