Mới đây, sau khi rà soát một loạt các tạp chí, Clarivate Analytics đã loại bỏ 33 tạp chí ra khỏi danh sách được chỉ mục do lạm dụng tự trích dẫn các bài trên cùng tạp chí hoặc “siêu trích dẫn”, tức một số tác giả hoặc biên tập viên hợp tác với nhau để tăng trích dẫn các bài báo của mình.

Nạn “lạm” trích dẫn khiến gần 23 tạp chí bị Clarivate loại bỏ khỏi danh sách được chỉ mục mỗi năm. Hình minh họa: Topp_Yimgrimm/iStock/Getty
Nạn “lạm” trích dẫn khiến gần 23 tạp chí bị Clarivate loại bỏ khỏi danh sách được chỉ mục mỗi năm. Hình minh họa: Topp_Yimgrimm/iStock/Getty

Danh sách này bao gồm một số nhà xuất bản lớn và uy tín nhất hiện nay như: 9 tạp chí do Elsevier xuất bản, 7 tạp chí của Springer Nature, 6 tạp chí của Taylor & Francis, và 5 tạp chí của Wiley. Việc những tạp chí danh tiếng đều có mặt trong danh sách một lần nữa ngầm trả lời cho câu hỏi “Liệu chỉ số Hệ số Tác động (Impact Factor - IF) có phải cách tốt nhất để đánh giá nghiên cứu hay không?”

Có thể nói, từ lâu IF như gương mặt thương hiệu của các tạp chí, IF cao thì tạp chí được hiểu là có uy tín. Tại các trường đại học, việc một giảng viên hay một nghiên cứu viên nộp bài vào các tạp chí có IF lớn cũng được ghi nhận và đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, những con số cũng có khả năng nói dối dưới bàn tay của con người. Hiện tượng phân phối trích dẫn sai lệch - hay còn được gọi là 80/20, trong đó 20% bài viết có thể chiếm 80% các trích dẫn - xảy ra trong hầu hết các lĩnh vực.

Không thể phủ nhận sự tồn tại “có ích về mặt kỹ thuật” của IF, nhưng nó không phải là một công cụ hoàn hảo để đo lường chất lượng của một bài báo. Có rất nhiều bài báo dù không được đăng trên các tạp chí có IF cao nhưng vẫn được cộng đồng khoa học đón nhận và chia sẻ. Hơn nữa, vì IF chỉ dựa trên số liệu trích dẫn trung bình trong vòng ba năm nên nếu như IF bị lạm dụng hay trở thành “cuộc chơi số liệu” giữa các tạp chí, nó có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của các ấn phẩm học thuật.

Mặc dù cơ sở dữ liệu Web of Science của Clarivate chỉ mục hóa 21.000 tạp chí, nhưng chỉ có 12.000 tạp chí được công bố IF và có mặt trong Báo cáo Trích dẫn Tạp chí hằng năm (Journal Citation Report). Những tạp chí không được chỉ mục hóa có thể do 2 lý do chính: tự trích dẫn tạp chí hoặc “siêu trích dẫn”, tức một số các tác giả hoặc biên tập viên tạp chí hợp tác với nhau để tăng trích dẫn các bài báo của mình bằng cách nhồi cho bằng được trích dẫn của các thành viên thay vì sử dụng những trích dẫn thích hợp và liên quan. Những hành vi mang tính “hội, nhóm” này vẫn được Báo cáo Trích dẫn Tạp chí hằng năm đếm số lượng trích dẫn nhưng không được phân bố lượng trích dẫn trung bình.


IF chỉ dựa trên số liệu trích dẫn trung bình trong vòng ba năm nên nếu như IF bị lạm dụng hay trở thành “cuộc chơi số liệu” giữa các tạp chí, nó có thể ảnh hưởng đến tính tin cậy của các ấn phẩm học thuật.


Cụ thể, ít nhất 25% tài liệu tham khảo trên tất cả các tạp chí trong danh sách 33 tạp chí vừa bị loại đều thuộc dạng tự trích dẫn. Một số trường hợp nổi bật có thể kể đến như Journal of Environmental and Engineering Geophysics có 71% số trích dẫn là cho các bài báo khác trên cùng tạp chí; hay Journal of Cleaner Production tự trích dẫn 11.000 trên tổng số 47.000 tài liệu tham khảo. Đặc biệt, một bài báo trên Journal of Allergy and Clinical Immunology-In Practice đã trích dẫn các bài báo khác trong cùng tạp chí 191 lần.

Trong đợt rà soát năm nay, Clarivate thẳng tay loại bỏ 5 tạp chí khoa học liên quan đến tim mạch, nổi tiếng nhất phải kể đến JACC: Cardiovascular Imaging - tạp chí có IF>10 và nằm trong số 10 tạp chí hàng đầu của lĩnh vực này. 3 tạp chí tim mạch khác bị loại bỏ cũng đều có IF>5.

Các nhà xuất bản có các tạp chí bị Clarivate loại khỏi danh sách được chỉ mục đang gấp rút xem xét tình hình. Đại diện của nhà xuất bản ấn phẩm khoa học lớn nhất thế giới - Elsevier - cho rằng: “Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực của Clarivate trong việc duy trì và đảm bảo tính liêm chính của những ấn phẩm khoa học. Tuy nhiên, các bài báo tự trích dẫn bất thường có thể phát sinh vì nhiều lý do, ví dụ: tạp chí được trích dẫn có thể là tạp chí có chuyên ngành phù hợp nhất hoặc xuất bản các bài báo có số lượng tự trích dẫn cao mà các bài báo vô tình trích dẫn nhưng không hề biết. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các biên tập viên và các đối tác xã hội của chúng tôi (trong trường hợp tạp chí thuộc sở hữu xã hội) để phân tích mô hình tự trích dẫn cụ thể của từng tạp chí để cải thiện chất lượng cũng như tính liêm chính trong quá trình kiểm tra các tài liệu tham khảo.”

Alison Mitchell, Giám đốc nhà xuất bản Springer Nature, cho biết:“Trước khi xuất bản các ấn phẩm, chúng tôi đã kiểm tra các tạp chí của mình một cách nghiêm túc vì chúng tôi cũng cho rằng Hệ số tác động, mặc dù quan trọng, nhưng không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá tạp chí. Chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng danh sách mà Clarivate đã đưa ra.”

Người phát ngôn của Wiley thì nói: “Chúng tôi đã nhận được Báo cáo Trích dẫn Tạp chí hằng năm một cách bảo mật và không làm rò rỉ bất kỳ thông tin nào trước khi được Clarivate phát hành, vì vậy chúng tôi không thể chia sẻ hoặc xem xét báo cáo với các đối tác của mình. Chúng tôi sẽ thảo luận vấn đề này vào tuần tới, sau khi phân tích sâu hơn về kết quả và có cơ hội giao tiếp với các đối tác của chúng tôi.”

Trước nạn “lạm” trích dẫn, bản thân tổng biên tập Web of Science, Nandita Quaderi đã xem xét trường hợp của 15 tạp chí khác, có số lượng bài báo tuy không nhiều nhưng lại có lượng trích dẫn rất cao trong cùng một tạp chí. “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ để đánh giá lại những tạp chí này và rất có thể họ sẽ không được chỉ mục hóa,” bà cảnh báo. “Chúng tôi đã từng thông báo cho những tạp chí ở ‘trong tầm ngắm’ năm 2018. Sau khi kiểm tra 5 tạp chí trong lĩnh vực về xương, 4 tạp chí trong số đó đã không được chỉ mục hóa năm sau đó. Tất cả 5 tạp chí này đều đang cố gắng để được công bố lại trên Báo cáo Trích dẫn Tạp chí hằng năm”.

Lạm trích dẫn là nguyên nhân chính để Clarivate loại bỏ các tạp chí khỏi danh sách được chỉ mục (bị cấm hẳn một năm). Tính từ năm 2007 đến 2018, trung bình số tạp chí bị Clarivate loại bỏ mỗi năm vì lý do này là 22,9 bài.

Tài liệu tham khảo:

https://retractionwatch.com

Garfield, E. (2006). The history and meaning of the journal impact factor. jama, 295(1), 90-93.