Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 8/2020, các nhà khoa học tại Học viện Khoa học Trung Quốc phát hiện một hợp chất pheromone do châu chấu tiết ra gọi là 4-vinylanisole (4VA) có khả năng ảnh hưởng đến hành vi của những cá thể khác cùng loài, khiến chúng tụ tập thành đàn lớn và tàn phá nền nông nghiệp của nhiều quốc gia.

Ảnh: AP.
Ảnh: AP.

Khi phân tích loài châu chấu di cư phổ biến nhất thế giới Locusta migratoria, nhóm nghiên cứu nhận thấy 4VA chủ yếu được giải phóng từ chân sau của châu chấu. Những con châu chấu khác phát hiện hợp chất này thông qua các thụ thể cảm nhận mùi trên râu.

Chỉ cần 4 đến 5 cá thể châu chấu xuất hiện cùng nhau, chúng sẽ tiết ra 4VA và bắt đầu tụ tập lại thành đàn lớn. Đàn châu chấu tiếp tục sinh sản, dẫn đến sự phát triển nhanh chóng về số lượng [có thể lên đến hàng tỷ con].

Kết quả nghiên cứu là tiền đề cho các phương pháp kiểm soát dịch châu chấu mới, ví dụ như phát triển một loại hóa chất có khả năng ngăn chặn các tác động của 4VA, sử dụng hợp chất pheromone để bẫy côn trùng, hoặc tạo ra những con châu chấu biến đổi gene không phản ứng với 4VA và thả chúng ra môi trường để thiết lập các quần thể hoang dã không bầy đàn.