Câu nói này được PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, trích dẫn từ Học giả Bleiste trong Lễ Trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016 đã phần nào nói lên tính cách của nhà khoa học này.

Với khoa học: Mọi người có cơ hội như nhau

Nét nổi bật đầu tiên của giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016là khác với các năm trước đây, cả hai giải thưởng chính đều thuộc các nhà khoa học có tuổi đời còn trẻ. Điều này một lần nữa khẳng định rằng cơ hội được nhận giải thưởng chính là như nhau đối với các nhà khoa học “lão làng” đã có bề dày trong nghiên cứu khoa học và các nhà khoa học trẻ.

Dù trẻ về tuổi đời, các nhà khoa học nhận giải năm nay đã chứng tỏ được bản lĩnh nghiên cứu cũng như truyền cảm hứng yêu khoa học không chỉ cho những người làm khoa học chuyên nghiệp, mà cả những bạn trẻ đang và sẽ tiếp bước con đường nghiên cứu này.

Và PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh vớiGiải thưởng Tạ Quang Bửu 2016 đã minh chứng cho điều đó. Ở cái tuổi 37, PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh đã vô cùng xúc động khi biết mình là một trong 3 nhà khoa học nhận được giải thưởng Tạ Quang Bửu vô cùng danh giá.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh trong lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016
PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh trong lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016

Tin vui báo đến nhà khoa học này khi anh đang công tác tại Mỹ vớichương trình trao đổi học giả Fulbright diễn ra trong 9 tháng.

Chọn cho mình hướng nghiên cứu là rơm rạ và dòng tuần hoàn dinh dưỡng trong đất trồng lúa, ngay từ khi ra trường, PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh đã gắn bó với Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh
PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh

Lý giải về sự lựa chọn này, PGS Minh cho biết: Hằng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu kali để sản xuất phân bón hóa học, trong khi rơm rạ, nguồn “tài nguyên” chứa một lượng kali đáng kể lại bị bỏ phí một cách đáng tiếc.

Cây lúa hút thu một lượng đáng kể nguyên tố kali trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Lượng kali hút thu có thể được tích lũy trong các mô bào thân cây và lá lúa và sau khi thu hoạch thì kali nằm chủ yếu trong phần rơm rạ. Tuy nhiên, hiện có rất ít thông tin nghiên cứu về dạng tồn tại cũng như khả năng tái sử dụng lượng kali này.

Đánh thức tiềm năng rơm rạ

Nhận thấy tiềm năng dồi dào của “mỏ” khoáng kali này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh và nhóm nghiên cứu đã thực hiện công trình: “Nghiên cứu sự giải phóng kali đi kèm với quá trình hòa tan phytolith trong rơm rạ.

Công trình đã tiến hành xác định thành phần và cấu trúc của rơm rạ nhằm đánh giá khả năng tách chiết và tái sử dụng kali từ rơm rạ cho cây trồng. Công trình được đăng tải trên tạp chí Chemosphere, có chỉ số IF là 3,340.

Đánh giá về công trình, GS.TSKH Đinh Dũng, Phó chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016 nhận định: Điểm nổi bật của công trình khoa học đó là nó có ý nghĩa thực tiễn và khả năng ứng dụng rất lớn.

Công trình khoa học của PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh thuộc lĩnh vực Khoa học Thổ nhưỡng và Đất, nghiên cứu được cấu trúc phytolith được hình thành trong quá trình kết tủa silic ở thân cây lúa, từ đó đề xuất ra quy trình xử lý rơm rạ tránh ô nhiễm môi trường và tăng độ phì cho đất trồng trọt có thể áp dụng được trên quy mô đại trà trên các vùng đồng bằng trồng lúa.

Kỳ vọng những nội dung nghiên cứu sẽ trở thành cơ sở khoa học cho các biện pháp quản lý và tận dụng tối đa lợi ích mang lại từ nguồn “tài nguyên” rơm rạ vô cùng dồi dào ở nước ta.

Tâm sự về công việc nghiên cứu của mình, Nguyễn Ngọc Minh không ngần ngại cho cho biết, mình khá may mắn vì có sự hỗ trợ của các cộng sự tại Bộ môn Thổ nhưỡng và Môi trường đất, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các chuyên gia nước ngoài đến từ Viện Khoa học đất Hannover (CHLB Đức) và Trường đại học Indiana (Hoa Kỳ) để thực hiện công trình trong suốt 5 năm (từ năm 2011 đến 2015).

Song, không phải ai cũng may mắn như vậy. Bởi thực tế hiện nay khó khăn nhất của các nhà khoa học hiện nay chính là sự thiếu gắn kết giữa các nhà khoa học.

Sự thiếu gắn kết trong nghiên cứu một mặt làm giảm sức mạnh tổng hợp về kiến thức cũng như kinh nghiệm của tập thể, mặt khác làm cho việc tận dụng trang thiết bị hay huy động các nguồn lực phục vụ nghiên cứu trở nên khó khăn hơn.

Thiếu gắn kết thậm chí có thể dẫn đến những hiệu ứng tiêu cực, bài trừ và kìm hãm lẫn nhau trong nghiên cứu khoa học.

Mong muốn lớn nhất hiện tại của nhóm nghiên cứu là cảnh tỉnh việc xuất khẩu rơm rạ hoặc lấy đi sử dụng cho các mục đích khác vì đây có thể là vấn đề lợi bất cập hại.

Lợi ích người dân thu được từ bán rơm rạ có thể nhỏ hơn rất nhiều so với thiệt hại khi mất đi lợi ích “ẩn chứa” trong rơm rạ (đó là chất dinh dưỡng). Do đó, lấy rơm rạ khỏi đồng ruộng có thể dẫn đến hậu quả người nông dân phải trả giá bằng việc tăng cường đầu tư phân bón hóa học để duy trì năng suất.

Tác động của việc không hoàn trả lại rơm rạ cho đồng ruộng khó có thể nhận ra trong ngày một ngày hai, nhưng sẽ cần rất nhiều thời gian để khắc phục hậu quả. Có lẽ bài toán “lợi nhuận từ xuất khẩu rơm” và “thiệt hại mùa màng do không trả rơm lại đồng ruộng” cần đến sự quan tâm vào cuộc sâu sát hơn của các nhà khoa học.