Một nghiên cứu mới cho thấy, loài khủng long đã chết trong hỏa hoạn và mưa a-xít sau khi một tiểu hành tinh khổng lồ đâm vào Trái đất, và vụ va chạm vẫn còn ảnh hưởng đến hành tinh này trong nhiều năm sau đó.
Tác động này đã tạo ra hàng tỉ tấn muội than và đẩy thế giới chìm trong bóng tối trong hai năm và tạo ra mức phóng xạ làm tổn hại đến ADN.
Các nhà khoa học đã tái tạo lại sự tuyệt chủng này bằng các chương trình mô phỏng máy tính siêu mạnh để khám phá những gì xảy ra với Trái đất sau khi gần như toàn bộ sự sống đã bị xóa sổ.
Nghiên cứu về sự tuyệt chủng K-Pg xảy ra 66 triệu năm trước cũng đã đặt ra các câu hỏi về những điều có thể xảy đến với Trái đất nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra. Trưởng nhóm nghiên cứu - TS Charles Bardeen tới từ Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ - cho hay “hậu quả trực tiếp của cú va chạm có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của rất nhiều loài động vật có kích thước lớn trên đất liền, còn các động vật sống ở đại dương hoặc những loài sống dưới mặt đất hay có thể tạm thời trốn xuống nước đã có thể sống sót”.
Ảnh minh họa.
Nghiên cứu này đã “dựng lại câu chuyện sau những tác động đầu tiên - các trận động đất, sóng thần và nhiệt độ như thiêu đốt. Nhóm nghiên cứu muốn xem xét các hậu quả lâu dài mà lượng muội than lớn như vậy gây ra, họ cho rằng các hậu quả đó có ý nghĩa rất to lớn đối với những sinh vật còn sống sót”.
Các trận động đất, sóng thần và phun trào núi lửa đã được kích hoạt trên toàn cầu khi một tiểu hành tinh dài 10km rơi xuống ngoài khơi Mexico.
Nó cũng dẫn tới các cơn mưa là những mảnh đá vụn bốc cháy ở khắp nơi trên Trái đất, đốt cháy mọi thứ và có thể giết chết mọi sinh vật sống ngay lập tức.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, bồ hóng do các vụ cháy tạo ra còn có sức tàn phá lớn hơn nhiều so với các mảnh vụn và các hạt a-xít bắn ra sau vụ va chạm.
Một số rất ít thực vật và các động vật nhỏ còn sống sót sau thảm họa đầu tiên lại phải tiếp tục đối mặt với muội than - thứ đã phong tỏa ánh sáng mặt trời trong khoảng 18 tháng.
Nó làm cho nhiệt độ trung bình giảm tới 28 độ C trên mặt đất và 20 độ C ở các đại dương, đồng thời cũng giết chết các thực vật quang hợp còn sống sót.
Bốn năm sau vụ va chạm, lượng ánh sáng mặt trời rọi tới mặt đất chỉ bằng khoảng 10% so với bình thường. Phải mất tới 5 năm để lượng bồ hóng thoát hết ra khỏi bầu khí quyển. Nhưng ngay cả khi đó thì tai họa đối với hành tinh vẫn chưa chấm dứt.
Sau khi kết thúc thời kỳ bóng tối, thì trong một năm tiếp theo đó, bức xạ tia cực tím ở mức độ cao đã phủ khắp bề mặt, gây tổn hại đến tần ô-zôn. Cách mặt đất 50km, nhiệt độ vẫn ở mức hơn 200 độ C.
TS Bardeen cho rằng: Lượng bồ hóng do chiến tranh hạt nhân tạo ra sẽ thấp hơn nhiều so với trong vụ tuyệt chủng K-Pg, tuy nhiên, nó vẫn làm khí hậu thay đổi theo hướng tương tự, làm nhiệt độ bề mặt lạnh đi trong khi bầu khí quyển lại nóng lên và khả năng sẽ gây ra hủy diệt.