TS Phạm Hiệp (Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia) vừa cùng các cộng sự xuất bản cuốn “Từng bước nhập môn nghiên cứu khoa học xã hội” với những thử nghiệm mới trong viết và thiết kế sách.

Anh có cuộc trò chuyện ngắn với báo Khoa học và Phát triển về những thử nghiệm này cũng như về vấn đề đào tạo phương pháp nghiên cứu ở trường đại học Việt Nam.

TS Phạm Hiệp ký tặng cuốn sách do Nhà xuất bản ĐH Quốc gia Hà Nội ấn hành. Ảnh: NVCC

Anh và các cộng sự đặt ra những mục tiêu nào cho cuốn sách?

Với môn học phương pháp nghiên cứu, một số trường đại học đã ra được giáo trình, tập bài giảng riêng và một số trường dùng luôn sách của nước ngoài. Nhưng tôi nhận thấy mảng sách và giáo trình này có một số vấn đề. Thứ nhất, nếu là sách nguyên bản tiếng Anh thì khó tiếp cận đối với những bạn tiếng Anh không tốt. Thứ hai, nhiều cuốn sách tiếng Anh được viết dài dòng và những ví dụ được đưa ra không gần gũi với người Việt. Trong khi đó, các cuốn giáo trình hoặc tập bài giảng bằng tiếng Việt lại không được thiết kế để đo lường và đánh giá tiến độ của người học; đồng thời thiếu các ví dụ từ các nghiên cứu mới nhất trên thế giới. Đó là chưa kể, có những nội dung thiết thân với sinh viên - chẳng hạn như thế nào là truy cập mở, thế nào là quy trình xuất bản một bài báo, tra cứu tài liệu trên google scholar ra sao - lại chưa được đưa vào giáo trình với lý do mặc định sinh viên phải biết.

Khi viết cuốn sách này, chúng tôi đặt ra yêu cầu là phải có tính hội nhập quốc tế cao; cụ thể, sách có những hợp phần giới thiệu cách đọc bài báo quốc tế hay giới thiệu hệ thống xuất bản quốc tế.

Chúng tôi cũng đặt mục tiêu phải thiết kế sách sao cho người dạy theo dõi được tiến độ và quá trình phát triển của người học; và người học tự nhìn nhận, đánh giá được tiến trình học của mình.

Thực tế, sách và giáo trình về phương pháp nghiên cứu đã có nhiều - chỉ một mảng thư viện nơi tôi thường đến ngồi khi còn học ở Đài Loan đã có đến hơn 500 đầu sách về phương pháp nghiên cứu từ thấp đến cao - nhưng chúng tôi vẫn muốn thử nghiệm làm một cuốn sách phù hợp nhất có thể với những người mới bước vào con đường học thuật ở Việt Nam.

Vậy cụ thể nhóm các anh đã thử nghiệm những gì với cuốn sách này?

fgfgfhg
“Hành trình nghiên cứu cũng giống như hành trình leo núi, khi mình ở chân núi thì cùng lắm chỉ thấy 2-3 đỉnh núi trước mặt, nhưng càng leo lên sẽ càng nhìn thấy nhiều đỉnh núi cao hơn,” TS Hiệp Phạm nói về ý tưởng bìa sách do cả nhóm tác giả cùng nhau xây dựng. Ảnh: TAĐ

Với cuốn sách này, chúng tôi muốn thử nghiệm một cách làm sách hiện đại từ khâu thiết kế sách, viết sách, đến làm bìa…

Phương pháp nghiên cứu là một môn học quan trọng nhưng khó và khô khan nên chúng tôi quyết định chọn cách làm giống như sách hướng dẫn nấu ăn cookbook để mỗi bài giảng đều gọn nhẹ chỉ 3-4 trang, súc tích, dễ tiếp cận. Các bài học đều xác định mục tiêu, mức độ khó và bài học tiên quyết phải nắm được trước đó.

Thiết kế này cũng phù hợp cho việc phát triển cuốn sách thành một chương trình đào tạo online để mở rộng đối tượng người học. Một phần rất quan trọng mà chúng tôi chưa đưa vào cuốn sách là phần kiểm tra sau mỗi bài học. Phần này chúng tôi đã hoàn thành và dự định đưa vào khóa học online.

Cách đây 10 năm, khi bắt đầu chương trình học tiến sĩ ở nước ngoài, tôi đã ý thức được rằng, so với bạn bè quốc tế, nền tảng về phương pháp nghiên cứu của tôi khá yếu, cần sớm được bù đắp. Từ đó, tôi thường suy nghĩ về sự cần thiết của các khóa đào tạo phương pháp nghiên cứu cho những người mới bắt đầu. Ý tưởng về cuốn sách này đã luôn song hành cùng với ý tưởng về khóa học. Đến khi Chương trình đào tạo Reseach Coach của tôi ra đời cách đây 5 năm thì cuốn sách thật sự lớn lên cùng với nó. Khoảng 70% nội dung cuốn sách đã được thực nghiệm với gần một ngàn học viên Research Coach, để từ phản hồi của họ, chúng tôi có cơ sở thiết kế cuốn sách cho hợp lý.

Cuốn sách sẽ mở đầu cho tủ sách Research Coach trong khoa học xã hội của chúng tôi với 3 cuốn tiếp theo về các cột trụ cơ bản hoặc phần nâng cao của các phương pháp nghiên cứu, tất cả đều đang được chấp bút rồi.

Qua gần 1.000 học viên mà Research Coach đã đào tạo, anh nhận thấy họ gặp các vấn đề gì về phương pháp nghiên cứu?

Hiện nay, tất cả các trường đại học đều đã giảng dạy môn học về phương pháp nghiên cứu nhưng thực trạng khá đa dạng ở chỗ một số chương trình tiên tiến, chương trình liên kết quốc tế dạy môn này khá tốt, nhưng cũng có những trường chỉ dạy một cách sơ sài.

Người làm nghiên cứu cần nắm chắc các nguyên lý, nguyên tắc, và các bước cơ bản - từ hệ hình cho đến các cách tiếp cận định tính, định lượng, quy nạp, diễn dịch…; quy trình lấy dữ liệu, cách thức diễn giải, ưu nhược điểm của từng phương pháp… Phương pháp nghiên cứu như cái lõi của nghề. Nói vậy nhưng không đơn giản, tôi vẫn gặp không ít trường hợp làm khảo sát nhưng lại sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu kiểu định tính; làm nghiên cứu quy nạp nhưng lại tư duy theo kiểu diễn dịch; hay cứ nhất định phải nêu giả thuyết trong khi nó không phải là thứ bắt buộc phải có trong mỗi bài báo.

Việc đào tạo về phương pháp nghiên cứu ở các trường đại học Việt Nam vẫn còn những bất cập và nguyên nhân rõ ràng là vì chưa có những cuốn sách hướng dẫn, những chương trình đào tạo tốt; người dạy chưa chắc là những người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu; và hơn hết, hoạt động nghiên cứu chưa phải là trọng tâm của trường đại học.

Những người tìm đến Research Coach cũng từng gặp nhiều lúng túng về phương pháp nghiên cứu, chủ yếu do không được đào tạo đầy đủ; còn sau khi được đào tạo, được nhúng vào môi trường rồi các bạn đều phát triển rất tốt. Có những bạn có cả chục công bố, từ đó tiếp tục xin được học bổng thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài, trong đó có những bạn trúng học bổng ở những trường tốt nhất Anh, Pháp, Úc, Mỹ, Đức, Canada mà trước đây bản thân tôi không dám mơ. Với những bạn này, tôi thường nói vui “học bổng xin các bạn chứ không phải các bạn xin học bổng”. Có những bạn đầu vào không có học bổng nhưng sau một năm công bố tốt quá, nhà trường tự khắc gọi lên trao học bổng.

Theo anh, những ai đang có nhu cầu được đào tạo về phương pháp nghiên cứu khoa học?

Qua các khóa Research Coach, tôi nhận thấy đông nhất là những bạn đang tìm kiếm học bổng thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài; và những giảng viên, nghiên cứu viên trẻ chưa có công bố quốc tế. Hai nhóm này mỗi nhóm chiếm khoảng 40%.

Một số bạn ở doanh nghiệp, tổ chức chính phủ, phi chính phủ cũng theo học với mong muốn phát triển nghề nghiệp hoặc chuyển đổi nghề nghiệp – nhóm này chiếm khoảng 20%.

Cá biệt, có những người đi học chỉ để trang bị cho mình thêm một kỹ năng, và tôi thật sự thấy họ rất gần với khái niệm science citizen (công dân khoa học) đã bắt đầu phổ biến ở các nước phát triển - đó là những người học khoa học không nhất thiết để làm nghiên cứu mà đơn giản để có tư duy khoa học tốt hơn, có kiến thức, kỹ năng khoa học để áp dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Cảm ơn anh đã chia sẻ ý kiến.

* Điều tôi thấy thú vị là độc giả có thể tình cờ ‘lạc vào’ một bài và có thể đọc hiểu phần lớn mà không đòi hỏi phải tra cứu tất bật ngược xuôi. Làm được điều này không hề dễ dàng.

Tuy vậy, cuốn sách cũng có một số điểm có thể cải thiện. Việc giữ nguyên tắc ngắn gọn dù rất có ích, nhưng “thế nào là gọn” cũng nên điều chỉnh cho các phần khác nhau. Chẳng hạn, các phần nhiều tính kỹ thuật hơn thì yêu cầu gọn có thể được nới lỏng hơn. Cũng lưu ý rằng, một khi độc giả đặt niềm tin vào nội dung truyền tải, thì những tài liệu tham khảo sử dụng trong cuốn sách nên được chọn lựa hết sức kỹ lưỡng, có tính mẫu mực và tốt nhất là nên có giá trị tra cứu lâu dài.

TS. Vương Quân Hoàng, Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành, Trường ĐH Phenikaa

* Đây là cuốn sách phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội đặc biệt nhất mà tôi từng biết. Bạn có thể đọc nó trong lúc tranh thủ nghỉ giải lao giữa 2 tiết học, vài phút trước khi đi ngủ hoặc trước bữa ăn. Bởi mỗi bài học của nó đều được viết bằng lối văn kể chuyện và đủ ngắn để chỉ cần hoàn thành trong vòng 5-10 phút với những “đầu ra” rất cụ thể, rõ ràng.

TS. Trần Quang Tuyến, Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội