Vào thời điểm khủng long đang còn tồn tại, Trái đất quay nhanh hơn và thời gian một ngày ngắn hơn một chút so với 24 giờ mà chúng ta biết ngày nay.
Cụ thể, một ngày chỉ kéo dài 23,5 giờ và một năm có 372 ngày. Nguyên nhân gây ra hiện tượng trên là do lực hấp dẫn của Mặt trăng – thứ gây ra hiện tượng thủy triều và làm chậm dần tốc độ quay của Trái đất quanh trục.
Niels de Winter và các cộng sự tại Đại học Tự do Brussel (Bỉ) phát hiện điều này sau khi phân tích vỏ hóa thạch của loài nghêu cổ đại Torreites sanchezi sống ở cuối kỷ Phấn Trắng, cách đây 70 triệu năm.
Torreites sanchezi có tốc độ phát triển rất nhanh, tạo ra vòng sinh trưởng mới trên lớp vỏ mỗi ngày.
Giống như nghêu hiện đại, màu sắc các vòng trên lớp vỏ của Torreites sanchezi cũng thay đổi theo mùa – mùa đông có màu sẫm hơn mùa hè. Sự thay đổi này cho phép các nhà khoa học tính toán số ngày trong một năm. Họ nhận thấy mẫu vật Torreites sanchezi có tuổi đời hơn 9 năm. Mỗi năm, nó tạo ra 372 vòng sinh trưởng trên vỏ, tương ứng với 372 ngày.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Paleooceanography and Paleoclimatology.
Quốc Hùng (Theo CNN)