Tại sao trong các công nghệ mới nổi, họ lại chọn AI? Và tại sao lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs)?
Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, so với hơn nửa thế kỉ kể từ khi nó ra đời, không còn dừng lại ở việc lập trình chi tiết cho máy tính thực hiện những nhiệm vụ của con người, không chỉ tập trung vào một số bài toán như tìm kiếm, nhận dạng hình ảnh, dịch… Nhờ vào sự ra đời của kỹ thuật học máy, AI đã trở thành một khái niệm rộng, chạm đến mọi lĩnh vực và hoạt động của đời sống, đó là làm thế nào để sử dụng dữ liệu một cách có ý nghĩa.
Hầu hết các lĩnh vực đang được quan tâm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đều liên quan đến dữ liệu: Điện toán đám mây là lưu trữ dữ liệu; IoT, Big Data là tạo ra và phân tích những dữ liệu không chỉ lớn về dung lượng mà còn đa dạng và phức tạp về mặt thể loại, nội dung; Blockchain là cách thức để đảm bảo dữ liệu không bị thay đổi và đạt được sự đồng thuận khi giao dịch trên đó.
Tuy nhiên, những công nghệ này phần nào thiên về xử lý dữ liệu, trong khi AI, cụ thể là kỹ thuật học máy, có nhiều điểm chung với ngành khoa học dữ liệu (data science) hướng đến việc xây dựng dữ liệu và sử dụng chúng ngay, không yêu cầu khắt khe về độ lớn và phức tạp. Nếu không tập trung vào AI, có thể chúng ta sẽ bỏ quên công cuộc “chuyển đổi số” trên diện rộng, điều kiện để tất cả các công nghệ mới kia có thể phát huy được tính ưu việt của nó.
Khuyến khích SMEs ứng dụng AI là một bước khởi đầu hợp lí cho một công cuộc “chuyển đổi số” bởi họ luôn chiếm đa số trong các thành phần kinh tế. Nếu nhà nước muốn đưa ra những chính sách, quyết định hoặc quản lý, công cụ kiểm soát ảnh hưởng đến thị trường, sẽ cần phải dựa trên dữ liệu thực tế về họ.
Chẳng hạn, gần đây, Kiểm toán Nhà nước muốn chuyển sang hướng digital policy, trong đó họ muốn tự động hóa một phần công việc của mình. Với số lượng 3500 người, mỗi đợt kiểm toán, cơ quan này chỉ có thể thực hiện ngẫu nhiên trên 10% đơn vị hành chính nhà nước và về nguyên tắc, việc đối sánh giữa những thông tin thu thập được và các tiêu chuẩn cần tuân thủ hoàn toàn có thể ứng dụng AI, có thể giảm thời gian, chi phí của tất cả các bên. Nhưng để làm được điều đó, họ cần dữ liệu từ doanh nghiệp, mà trước hết là những dữ liệu số hóa mẫu để có thể “dạy” máy tính.
GS. Hồ Tú Bảo (phải) đang trao đổi với bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp về việc triển khai khóa đào tạo phân tích kinh doanh cho doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Nhàn
Với quy mô vừa phải và bộ máy linh hoạt hơn các doanh nghiệp và tập đoàn lớn, SMEs có những lợi thế nhất định trong quá trình chuyển đổi số. Không chỉ vì họ vốn là trung tâm của “đổi mới sáng tạo”, nhanh chóng tìm ra những cách thức ứng dụng công nghệ mới trong giai đoạn các từ khóa như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, phân tích kinh doanh (Business Analytics), hệ thống báo cáo quản trị doanh nghiệp (Business Intelligence) đang nổi để tạo ra ưu thế cạnh tranh cho mình. Họ dễ ứng dụng AI hơn vì khối lượng và độ phức tạp của dữ liệu vừa phải, những bài toán của họ không “hóc hiểm”, phù hợp với năng lực và môi trường tính toán đại trà hiện nay của máy tính.
Việc đưa AI vào SMEs có thể đi từ việc phân tích kinh doanh để có cái nhìn toàn cảnh hơn, những quyết định tốt hơn, dựa trên dữ liệu thay vì phụ thuộc vào kinh nghiệm. Gần đây, Viện John Von Neumann, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh có mở ra chương trình Phân tích kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam. Sau một năm nghiên cứu và khảo sát, họ có đưa ra sáu bài toán lớn liên quan đến hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp bao gồm: Tài chính, khách hàng, bán hàng, thị trường, nhân sự, vận hành sản xuất.
Tuy nhiên, với mỗi bài toán này, việc ứng dụng phân tích kinh doanh như thế nào, ở mức độ như thế nào phụ thuộc vào thực trạng của doanh nghiệp: “họ đang gặp khó khăn trước những quyết định gì?”. Chẳng hạn, với bài toán khách hàng, họ đang gặp khúc mắc trước việc phân loại khách hàng? Hay trong việc thu thập phản hồi? Hay luôn trong tình trạng thiếu nhân viên chăm sóc, tư vấn khách hàng?
Hiện nay, một trong những phân tích kinh doanh được ứng dụng phổ biến là trên các website thương mại điện tử, dựa trên hồ sơ khách hàng và lịch sử giao dịch, họ biết được khách hàng nào thường xuyên mua thương hiệu gì, hay mua đồ loại gì, mua bao nhiêu tiền,…để có những gợi ý phù hợp. Vietnamworks, một trang kết nối giữa nhà tuyển dụng và người cần việc, đã tăng hiệu quả tìm việc của người dùng lên 30% nhờ ứng dụng này.
Nhưng điều quan trọng nhất để áp dụng công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh chính là chuẩn bị dữ liệu. “Doanh nghiệp phải hình dung đây là một quá trình rất dài, có khi phải đến 5 năm, 10 năm, từng bước. Đây là một quá trình không quá khó và không quá dễ, nhưng vấn đề là cần phải bắt đầu”- GS. Hồ Tú Bảo chia sẻ trong cuộc hội thảo “Ứng dụng AI trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam” do Báo KH&PT tổ chức tại TP. HCM ngày 22/11.
Mọi hoạt động của doanh nghiệp đều phát sinh ra dữ liệu và đều nên thu thập lại, tốt nhất là bằng cách đặt ra quy trình rõ ràng và chuẩn cho nó. (Kể cả những gì tưởng như khá “vụn vặt” như thư và cuộc gọi trao đổi giữa khách hàng và bộ phận chăm sóc khách hàng.
Đó là nguồn dữ liệu “quý giá” để phân tích trải nghiệm của người dùng và là đầu vào để huấn luyện cho Chatbot, trợ lý ảo mà doanh nghiệp muốn phát triển trong tương lai). GS. Hồ Tú Bảo cho rằng, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, dưới 300 nhân viên, có khi chỉ cần 1-3 kỹ sư Công nghệ thông tin, thậm chí cũng không cần phải là người tốt nghiệp ngành này mà chỉ cần nắm được những công cụ phân tích số liệu để số hóa được các hoạt động doanh nghiệp. Thậm chí, ban đầu cũng không cần những công cụ cao siêu mà chỉ cần Excel cũng đủ, để người đứng đầu doanh nghiệp nhìn ra bức tranh về hoạt động của mình, để rồi từ đó mới cần những phân tích sâu hơn, công nghệ cao hơn.
Vì việc chuyển đối số không chỉ có lợi cho doanh nghiệp, mà còn có ích cho việc hoạch định chính sách và phát triển kinh tế sâu rộng về sau nên bản thân nhà nước cũng cần có những chương trình để thúc đẩy điều này, chứ không thể chỉ trông đợi vào sự tự nguyện từ phía doanh nghiệp.
Gần đây, Viện John Von Neumann được Vietnam Airlines đặt hàng giảng dạy cho các lãnh đạo về những công nghệ mới. Những chương trình như vậy có thể được mở rộng ra cho các tỉnh, khu vực, tổ chức cho các chuyên gia đầu ngành về những công nghệ mới trao đổi cho các CEO của những SMEs để “họ tin rằng đây là những điều họ có thể làm được” (theo lời GS. Hồ Tú Bảo).
(Bài viết có sử dụng nội dung từ bài trình bày của GS. Hồ Tú Bảo tại Hội thảo “Ứng dụng AI trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam” do Báo KH&PT tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 22/11/2018)