Jacoba Ballard được thụ tinh trong một cao ốc tại thành phố Indianapolis, bang Indiana (Mỹ) và bác sĩ hỗ trợ sinh sản Donald Cline cấy tinh trùng của chính mình cho mẹ chị, thay vì tinh trùng của người hiến như đã hứa.
Với Ballard, hành động này chẳng khác gì hãm hiếp, khi bác sĩ Cline lặp lại hành vi tương tự với 50 phụ nữ khác. Nhưng theo luật ở Indiana, cũng như ở hầu hết các bang khác tại Mỹ, lại không hề ghi nhận tội đó. Vì vậy, Cline chỉ bị buộc tội làm trái pháp luật, quảng cáo sai sự thật và thực hiện hành vi vô đạo đức trong việc cung cấp dịch vụ. Ông bị tước giấy phép hành nghề, phải nộp phạt 500 USD và chịu một năm thử thách.
"Mẹ tôi đã bị xâm phạm. Ông ta lợi dụng mẹ tôi trong khoảnh khắc yếu đuối nhất trong đời", Ballard nói. Chị cho rằng, hình phạt với người đàn ông này là quá nhẹ.
Ballard, 38 tuổi, hiện là thành viên trong một phong trào đang phát triển nhằm bảo vệ mạnh mẽ hơn những người sử dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản và thúc đẩy hình phạt nghiêm khắc hơn khi có sai phạm xảy ra. Được dẫn dắt bởi những người từng phát hiện sự tồn tại của mình là kết quả của sự lừa bịp hay sai sót trong quá trình thụ tinh bằng tinh trùng hiến, phong trào này dấy lên những câu hỏi khó về trách nhiệm của ngành công nghiệp thụ tinh mà hệ thống pháp lý chưa đủ năng lực trả lời.
Chẳng hạn, ở Ottawa, Canada, con cái những người nhận tinh trùng đang vận động hành lang cho lệnh cấm bán tinh trùng, trứng của những người giấu tên sau khi lộ ra vụ việc một bác sĩ hỗ trợ sinh sản ở đó sử dụng tinh trùng của mình để thụ tinh cho 11 phụ nữ.
Tại Utah, cơ quan lập pháp đã mở rộng định nghĩa về loạn luân bao gồm việc một người cố tình cung cấp tinh trùng hay trứng của mình cho người có mối quan hệ họ hàng để thụ tinh nhân tạo.
Và ở Indiana, chị Ballard và nhiều "đứa con bất đắc dĩ" khác của bác sĩ Cline cũng đang vận động các nhà lập pháp tạo ra danh mục tội phạm mới gọi là tội phạm hỗ trợ sinh sản và cần bị phạt tới 2,5 năm tù nếu cố ý sử dụng tinh trùng, trứng sai mục đích.
Trong khi đó, Sean Tipton, giám đốc chính sách của Hiệp Hội sinh sản y khoa Mỹ, cho biết, các tội, lỗi trong ngành này rất hiếm, và dễ dàng giải quyết bằng các luật đã có. Các bệnh viện vẫn duy trì các phương thức nghiêm ngặt, đảm bảo chuyển đúng các vật liệu di truyền, và những người hiến cũng được sàng lọc kỹ bởi các nhân viên y tế được đào tạo bài bản, có tiêu chuẩn cao về đạo đức.
"Rõ ràng là quá kinh khủng khi một bác sĩ lại tráo tinh trùng của mình với tinh trùng người hiến. Nhưng theo tôi, những biện pháp pháp lý hiện hành có thể xử lý tình trạng này", ông Sean Tipton nói.
Tuy nhiên, nhiều gia đình có con thông qua hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là sử dụng tinh trùng hay trứng hiến - đã rất chật vật mới có thể phục hồi sau những sai sót nghiêm trọng, như tráo phôi, trẻ bị thụ tinh "nhầm" bố, trẻ bị nhiễm các bệnh nghiêm trọng mà không được tiết lộ.
Công lý thật khó tìm hay thậm chí khó định nghĩa, trong những tình huống kiểu này. Các công tố viên và tòa án thường do dự trong việc đưa ra ý kiến, đặc biệt khi trẻ vẫn khỏe mạnh. Trong khi đó, nhiều trẻ, phải chống chọi với sang chấn trọn đời, khi biết rằng sự tồn tại của mình không hề như ý định của bố mẹ họ.
"Đây là những trường hợp quá kinh khủng và không may là luật thực sự chưa phù hợp với mức độ trầm trọng của vấn đề", Ron Norman, luật sư được một gia đình ở Santa Barbara, California (Mỹ), thuê để hỗ trợ pháp lý khi biết con gái mình, Brittany, được tạo ra từ tinh trùng có gene bệnh.
Brittany Johnson lên 6 tuổi vào năm 1995 khi bố mẹ cô bé lần đầu phát hiện trong nước tiểu của con có máu. Sau khi tư vấn nhiều chuyên gia, họ biết cô bé bị bệnh về thận. Đây là bệnh di truyền và khá nghiêm trọng, thường gây đau bụng, huyết áp cao và thậm chí suy thận. Sau khi mẹ Brittany xét nghiệm với kết quả không hề có gene gây bệnh này, các bác sĩ mới nhắm tới tinh trùng hiến.
Người hiến tinh trùng, mã số 276, được rao là khỏe mạnh. Nhưng sau một thời gian Johnson chào đời, bố mẹ cô bé yêu cầu mua thêm tinh trùng để sinh bé thứ 2 thì ngân hàng California Cryobank nói rằng, họ ngừng bán tinh trùng của người hiến lần trước vì phát hiện cô ruột anh ta có vấn đề về thận.
Khi tình trạng bệnh tật của Johnson xấu đi, bố mẹ cô bé kiện ngân hàng tinh trùng đã không cung cấp đầy đủ thông tin. Trường hợp này cuối cùng được đưa ra tòa và người hiến tinh trùng đồng ý đưa lời khai. Gia đình Johnson nói rằng họ biết một số họ hàng của người hiến tinh trùng có bệnh thận nhưng anh ta từ chối trả lời các câu hỏi chi tiết hơn về sức khỏe của chính mình.
Ngân hàng tinh trùng California Cryobank không nhận lỗi và người đại diện từ chối bình luận về trường hợp này, đồng thời trích dẫn các điều khoản đã thỏa thuận với gia đình Johnson. Người phát ngôn nói rằng ngân hàng tinh trùng đảm bảo quá trình sàng lọc nghiêm ngặt bao gồm các xét nghiệm gene mở rộng, đánh giá chính thức của chuyên gia tâm lý và kiểm tra tiền án tiền sự.
Johnson hiện 29 tuổi và sức khỏe đã ổn định. Nhưng cô lo rằng sau này mình có thể tái phát vì nhiều người bị bệnh như cô đã gặp tình trạng đó. Nhìn lại tuổi thơ, cô vẫn giận dữ vì tất cả những gì gia đình mình phải gánh chịu. "Tôi không hề cảm thấy biết rõ cơ thể mình và luôn có nhiều câu hỏi mà chẳng thể trả lời nổi", cô nói.
Cô rất ghét khi người ta bảo cô rằng phải biết ơn vì đã có mặt trên đời. "Thật lố bịch. Nếu tôi không ở đây, bố mẹ tôi vẫn sẽ có một em bé khỏe mạnh, hạnh phúc", cô nói.
Tinh trùng bị lấy cắp
Mãi tới năm 41 tuổi, Sarah Lin mới biết nguồn gốc của mình. Trong một lần ngẫu hứng, bà mẹ ở Washington (Mỹ) đã gửi mẫu niêm mạc miệng tới trang phả hệ Ancestry.com để phân tích ADN của mình.
Lúc 25 tuổi, Lin nghe bố mẹ kể rằng mình được thụ tinh nhờ tinh trùng hiến. Chị không để ý tới chuyện này, cho tới sau khi sinh hai con.
Bố chị là đại tá trong quân đội Mỹ, từng đóng quân ở khu Fort Knox (Kentucky) khi hai vợ chồng tìm đến bệnh viện địa phương để nhờ hỗ trợ sinh sản. Các bác sĩ khuyên họ dùng tinh trùng hiến và nói rằng đã tìm được một người hiến có các đặc điểm tính cách và vẻ ngoài giống người cha. Thông tin duy nhất họ biết về người hiến là anh ta có gốc gác ở vùng Virginia. Bố mẹ Lin vô cùng vui sướng và 9 tháng sau, chị chào đời.
Sau khi nhận kết quả ADN vào hè năm 2017, Lin cùng vài người bạn lên mạng tìm kiếm cha ruột. Sau vài cuộc thăm dò, họ xác định được thông tin của ông. Lin gửi thư điện tử nhưng người đàn ông này đáp rằng mình chưa bao giờ hiến tinh trùng. Tuy nhiên, ông ta và vợ từng đến phòng khám hỗ trợ sinh sản vào mùa hè Lin được tạo thành. Lin và người đàn ông đó trò chuyện qua điện thoại và nhanh chóng tìm hiểu được sự thật: Mẫu tinh trùng ông lấy khi đi khám đã được sử dụng cho mẹ Lin.
"Ông ấy khá sốc, đồng thời cũng rất tò mò về tôi", chị nhớ lại. "Nhưng ông cũng cảm thấy mình bị xâm phạm nghiêm trọng".
Cả Lin lẫn người hiến tinh trùng cùng đưa sự việc ra công lý. Đại diện bệnh viện hỗ trợ sinh sản từ chối bình luận về sự việc và nói rằng "không có hồ sơ lưu giữ về vì đã quá lâu".
Mặc dù hào hứng vì tìm được cha ruột, chị Lin cũng rất tức giận trước tình cảnh trớ trêu. Cha con chị không trò chuyện gì với nhau từ đó. "Tôi chẳng bao giờ muốn chọn được thụ thai từ tinh trùng bị đánh cắp. Tôi biết ơn vì mình được sống trên đời nhưng những gì xảy ra với ông ấy thì thật kinh khủng", chị nói.
Dùng nhầm tinh trùng
Payton Zinkon lên 3 tuổi khi tên cô bé xuất hiện ở khắp các mặt báo trên thế giới. Bởi một sự bất cẩn trong phòng thí nghiệm, cô bé được thụ thai bằng tinh trùng của một người Mỹ gốc Phi, mang số hiệu 330, thay vì người da trắng có mã số 380 ở ngân hàng tinh trùng Midwest tại bang IIllinois, Mỹ.
Câu chuyện của cô bé được đưa ra ánh sáng năm 2014, khi người mẹ, Jennifer Cramblett, và bạn đời, kiện ngân hàng tinh trùng đã dùng nhầm mẫu, và nói rằng dù rất yêu con gái mình, họ chật vật khi nuôi dạy một đứa trẻ lai giữa hai chủng tộc.
Trong đơn kiện, Crambett, người phụ nữ lớn lên ở môi trường toàn người da trắng, mô tả mình gặp vô số thách thức và áp lực liên quan tới xung đột với bố mẹ vì có đứa con mang chủng tộc không mong muốn. Vụ việc này đã thu hút nhiều bình luận về tình cảnh của những đứa trẻ được thụ thai trong ống nghiệm, thành kiến ở Mỹ cũng như những xung đột trong gia đình.
"Sinh con không giống như đặt mua một chiếc quần jean - bạn không thể trả lại nếu nó không hợp hay bạn không thích. Bất cứ ai nghĩ rằng mình có quyền có được một đứa trẻ chính xác như những gì đã hình dung - và sẽ kiện nếu không nhận được như thế - thì không xứng làm bố mẹ", nhà bình luận Jeff Jacoby viết trên Boston Globe.
Ngân hàng tinh trùng Midwest từ chối đưa ý kiến về trường hợp này. Công ty đã hoàn lại cho gia đình Cramblett khoản tiền mua 6 mẫu tinh trùng và một lá thư xin lỗi vào năm 2011, trong khi Cramblett đang mang thai Payton.
Hiện Payton, 6 tuổi, được cả nhà yêu thương, chiều chuộng. Cô bé chơi bóng mềm và trở thành gương mặt quen thuộc ở một thị trấn nhỏ, hầu hết là người da trắng, nơi mẹ mình lớn lên và bà mình vẫn sống ở đó. Cô bé không hề biết gì về những lùm xùm của người lớn và gia đình hy vọng có thể che giấu việc này càng lâu càng tốt.
Chị Cramblett nói rằng chị rất thất vọng khi trong vụ việc này, người ta chỉ tập trung vào sự kỳ thị chủng tộc hơn là những thất bại của ngành hỗ trợ sinh sản. "Tôi chỉ muốn họ phải chịu trách nhiệm. Họ đã mắc sai lầm và từ chối nhận lỗi", chị nói.
Những vụ tai tiếng khắp thế giới
Việc truy tố Cline - bác sĩ hỗ trợ sinh sản ở Indiana, là một trong loạt bê bối gần đây liên quan tới chuyện các bác sĩ sử dụng tinh trùng của chính mình để thụ tinh cho bệnh nhân.
Ở Idaho Falls (Mỹ), Gerald Mortimer, một bác sĩ sản phụ khoa, đã ra tòa hồi tháng 8 để trả lời các cáo buộc về sơ xuất y tế, gây tổn hại về tinh thần khi sử dụng tinh trùng của chính mình để thụ thai cho bệnh nhân.
Tại Ottawa (Canada), 11 bệnh nhân tố cáo xét nghiệm ADN cho thấy con cái họ có liên quan tới Norman Barwin, bác sĩ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và kiện ông này hồi tháng 4.
Còn ở thành phố Rotterdam (Hà Lan), năm ngoái, 12 nam giới và phụ nữ, được thụ tinh từ tinh trùng tại một trung tâm chữa vô sinh hiếm muộn, đều cáo buộc chính giám đốc trung tâm là cha họ.
Chị Ballard, một nhân viên y tế làm việc tại phòng cấp cứu, bắt đầu nghi ngờ Cline là cha ruột mình vào năm 2015 sau khi xét nghiệm ADN cho thấy một số người thân của ông này cũng có quan hệ họ hàng với chị. Nỗi băn khoăn càng tăng lên khi chị phát hiện một số anh chị em cùng cha khác mẹ của mình trên mạng.
"Chúng tôi nhận ra có gì đó không ổn. Tất cả chúng tôi bắt đầu trò chuyện và phát hiện ra rằng bố mẹ mình đều đến cùng một trung tâm y tế để chữa vô sinh", chị nhớ lại.
Một ngày, cả nhóm đối chất với bác sĩ Cline tại một nhà hàng gần khu ông sống. Ông ta đến với một khẩu súng giấu dưới áo len và mang theo một mẩu giấy với lời trong kinh thánh: "Trước khi tạo nên các ngươi trong bụng mẹ, ta đã biết rõ các ngươi rồi; trước khi ngươi sinh ra, ta đã khiến cho ngươi thật khác biệt".
Chị Ballard, vốn theo công giáo, cắt lời ông: "Đừng viện tới chúa để biện minh cho hành động của mình". "Có rất nhiều nước mắt đã rơi, nhưng không phải vì được gặp ông ấy, mà chỉ vì tình cảnh của chúng tôi", chị kể lại nói.
Cùng với một số chị em cùng cha khác mẹ, Ballard sau đó đã gửi đơn khiếu nại tới công tố viên quận và Tổng chưởng lý bang Indiana. Chị đã tìm được gần 50 người sinh từ năm 1974 tới năm 1987 tin rằng Cline là cha mình.
Một trong số đó là Matthew White, 35 tuổi, một nhà tư vấn môi trường. Anh White biết mình được thụ tinh từ tinh trùng hiến năm 15 tuổi. Lớn lên, anh và mẹ thường xuyên đi qua tòa nhà nơi có bệnh viện của Cline và bà kể với anh rằng mình đã hạnh phúc thế nào khi có thai.
Vì cả bố mẹ mình đều luôn cảm thấy rất viên mãn, anh White chưa bao giờ tìm kiếm thông tin về người hiến tinh trùng. Nhưng sau đó, khi lướt mạng vào năm 2016, anh đọc được thông tin về Cline và thấy bức ảnh vị bác sĩ trông giống hệt mình.
"Tôi đã nghĩ ‘Cái gì thế này, đây không thể là sự thật’", anh nhớ lại và nói thêm rằng, phát hiện mới đã khiến những ký ức tuổi thơ hạnh phúc trong anh bị hoen ố bởi một "vết sẹo đen" của sự lừa dối.
White cùng Ballard và những anh chị em khác đã vận động hành lang các thành viên của Thượng viện bang Indiana để đưa các sai phạm về hỗ trợ sinh sản ra. Việc này đã bị bác bỏ trong hội nghị đầu năm nay nhưng nhóm vẫn tiếp tục tạo áp lực với các nhà lập pháp để tiếp tục đưa vấn đề trong hội nghị diễn ra vào tháng giêng tới.
“Cline biết rõ những việc ông ta đã làm. Điều này này cần được tính tới. Chúng ta không thể để việc này tiếp tục xảy ra", White nói.
Giáo sư luật Jody Lyneé Madeira, đồng giám đốc của Trung tâm luật, văn hóa và xã hội tại Đại học Indiana tại Bloomington, cho biết, trường hợp này đại diện cho "xung đột lợi ích sâu sắc trong mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân". Trong khi có nhiều lý do về pháp lý khiến Cline không bị buộc tội cưỡng hiếp - giáo sư Madeira cho rằng - có một lý lẽ đạo đức thuyết phục nhằm thay đổi luật để trừng phạt hành động của Cline.
"Bản năng mách bảo chúng ta điều gì là sai trái trong trường hợp này. Ông ta cố tình đưa dòng giống gia đình mình vào bệnh nhân mà không được sự đồng thuận của họ. Luật hiện hành chưa xử lý được các trường hợp như thế này, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể thiết lập các quy định mới", Madeira nói.
Nguồn: