Vào thế kỷ 16, Đô đốc Yi Sun-sin người Triều Tiên đã thiết kế và chế tạo chiến hạm bọc sắt đầu tiên trên thế giới để sử dụng trong cuộc chiến chống lại quân đội Nhật Bản. Đây là loại tàu chiến mới có hình dạng giống một con rùa. Nó sở hữu nhiều tính năng tuyệt vời và được trang bị các loại vũ khí tối tân thời bấy giờ.

Khi chiến tranh diễn ra trong nhiều thiên niên kỷ, con người đã phát triển các loại vũ khí và trang thiết bị hiện đại để tiêu diệt đối thủ. Điều này đã dẫn đến sự ra đời của một số loại khí giới vô cùng độc đáo, phức tạp. Trong số đó phải kể đến Geobukseon (hoặc Kobukson) – loại tàu chiến mang hình dạng giống như một con rùa của Triều Tiên [gọi tắt là tàu rùa]. Nó có thiết kế hoàn hảo đến mức có thể hoạt động liên tục trong nhiều thế kỷ và thường được mô tả là chiến hạm bọc sắt đầu tiên trên thế giới.

Hình ảnh phác họa về tàu rùa. Ảnh: Korelimited

Đô đốc Yi Sun-sin (Lý Thuấn Thuần) của lực lượng hải quân Triều Tiên là người đã thiết kế và chế tạo tàu rùa. Vào cuối thế kỷ 16 sau Công nguyên, Yi-Sun-sin và các thuộc hạ của ông lo ngại một cuộc xâm lược của Nhật Bản nhiều khả năng sẽ xảy ra, và họ quyết định phát triển một loại tàu chiến mới.


Tượng Đô đốc Yi Sun-sin. Ảnh: Wikipedia

Công việc chế tạo tàu rùa của Yi Sun-sin bắt đầu vào năm 1591. Chưa đầy một năm sau, ông đã hoàn thành chiếc tàu đầu tiên với các khẩu pháo lớn ở hai bên. Yi Sun-sin hạ thủy nó vào ngày 27/3/1592, vừa kịp thời gian để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Nhật Bản – Triều Tiên (1592–1598).

Thiết kế tàu rùa khá đa dạng, nhưng thường có chiều dài từ 33m đến 40m, chiều cao từ 6m trở lên. Về cơ bản, chúng là những tàu chiến panokseon truyền thống với phần thân tàu phía trên được gia cố chắc chắn. Đặc biệt nhất, con tàu có phần mái giống như mai rùa che phủ boong trên cùng. Tàu rùa thường có hai cột buồm và hai cánh buồm. Ngoài ra, nó còn có mái chèo để nâng cao tốc độ. Điều này mang lại lợi thế cho hạm đội tàu của Triều Tiên so với các tàu Nhật Bản chỉ dựa vào gió để di chuyển.

Thủy thủ đoàn của tàu rùa bao gồm từ 50 đến 60 lính thủy đánh bộ, 70 người chèo lái và thuyền trưởng. Tất cả họ đều ở trong hai khoang khép kín. Khoang dưới dành cho những người chèo lái, trong khi khoang phía trên dành cho các xạ thủ và cung thủ.

Vật liệu đóng tàu chủ yếu là gỗ vân sam, thông đỏ hoặc các loại gỗ cứng khác, giúp con tàu có thể mang theo nhiều vũ khí hạng nặng và chịu được độ giật của pháo.

Giới khoa học từng có nhiều tranh luận về việc boong tàu có được bọc sắt toàn bộ hay không. Một số nguồn tài liệu tiết lộ rằng bao phủ xung quanh tàu rùa là các tấm sắt hình lục giác, khiến chúng trở thành những chiến hạm bọc sắt đầu tiên trên thế giới.

Yi Sun-sin cũng trang bị cho boong tàu những chiếc gai kim loại để ngăn chặn nỗ lực leo lên tàu của kẻ thù. Một số ghi chép lịch sử cho biết quân đội Triều Tiên đã ngụy trang gai nhọn bằng cách phủ lên chúng những chiếc bao tải rỗng, chiếu hoặc rơm rạ để đánh lừa lính Nhật Bản.

Tuy nhiên, các nhà sử học hiện đại đã phủ nhận tuyên bố này. Họ tin rằng bao tải, chiếu và rơm rạ là vật liệu dễ bắt lửa, do đó chúng dễ dàng trở thành mục tiêu cho những mũi tên lửa. Hơn nữa, một chiến thuật dùng trên chiến trường thường chỉ mang lại hiệu quả một lần, và quân đội Nhật Bản rất khó mắc bẫy đến lần thứ hai.

Tàu rùa là phương tiện có nhiều tính năng tuyệt vời và các vũ khí tối tân. Vũ khí nhỏ nhất của tàu rùa là Seungja, một loại súng hỏa mai có tầm bắn khoảng 200m. Tầm bắn và sát thương của nó thấp hơn nhiều so với đại bác nhưng lại có độ chính xác cao hơn. Con tàu cũng mang theo nhiều loại đại bác (pháo) bao gồm Cheonja, Jija, Hyeonja và Hwangja. Trong đó, Hwangja có phạm vi bắn lớn, lên tới 1.300m. Khẩu đại bác nặng nhất Cheonja có thể tiêu diệt kẻ thù ở cự ly 600m.

Tùy thuộc từng phiên bản, mỗi tàu rùa thường mang theo từ 24–36 khẩu đại bác. Chúng được bố trí dọc hai bên mạn tàu cũng như ở phần đầu và đuôi tàu, cho phép quân đội Triều Tiên tấn công theo mọi hướng.

Khả năng đặc biệt của tàu rùa là xoay tròn tại chỗ. Điều này cho phép nó bắn một loạt đạn vào kẻ thù sau đó quay đầu và bắn một loạt đạn khác, trong khi dãy súng đại bác đầu tiên đã được nạp đạn trở lại.

Một trong những bộ phận “ngầu” nhất của tàu rùa là chiếc đầu rồng. Trong tiến trình lịch sử, những hình chạm khắc ở đầu mũi tàu thường không có nhiều tác dụng ngoài việc trang trí, gây ấn tượng hoặc đe dọa, nhưng đầu rồng trên tàu rùa là một thiết kế hoàn toàn khác biệt.

Ngoài mục đích hù dọa binh lính Nhật Bản, Yi Sun-sin đã trang bị cho đầu rồng nhiều tính năng vô cùng độc đáo. Nó chứa một ống dẫn có thể phóng ra khói độc hại từ việc trộn lẫn hỗn hợp lưu huỳnh và muối diêm (saltpeter). Đám khói cũng giúp che khuất chuyển động của con tàu, đồng thời khiến kẻ thù nghẹt thở, gây khó khăn cho việc phối hợp của quân đội Nhật Bản trong cuộc chiến tranh Nhật Bản – Triều Tiên.

Miệng của đầu rồng cũng có thể lắp đặt thêm một khẩu đại bác hoặc súng bắn tên về phía trước, giúp tàu rùa có góc tấn công lớn hơn. Cuối cùng, đầu rồng đóng vai trò như một mũi nhọn, có thể đâm thủng tàu chiến của kẻ thù trong những trường hợp cần thiết.

Tàu rùa thực sự là một kiệt tác vào thời điểm đó. Nhờ sự trợ giúp của nó, Đô đốc Yi Sun-sin đã giành chiến thắng trong mọi trận chiến với hải quân Nhật Bản, thắng 16/16 trận. Đây không phải là một kỷ lục tồi. Binh lính Nhật Bản đơn giản là không có biện pháp đối phó với hỏa lực áp đảo mà tàu rùa có thể tạo ra.

Quân đội Triều Tiên sử dụng tàu rùa cho đến thế kỷ 19. Số lượng tàu đạt đỉnh vào năm 1770 với khoảng 40 tàu. Sau năm 1770, con số này bắt đầu giảm xuống, nguyên nhân là do chi phí sản xuất cao, khó bảo trì và cần nhiều thủy thủ để vận hành. Thêm vào đó, thiết kế tàu rùa không còn được ưa chuộng. Các thiết kế tàu hiện đại hơn với khả năng tác chiến tốt hơn đã dần thay thế nó.

Trung tâm Nghiên cứu Geobukseon đã tiến hành tìm hiểu kỹ lưỡng thiết kế ban đầu của tàu rùa và phục dựng lại để dùng cho mục đích thương mại. Các bản sao tàu rùa từng xuất hiện trong bộ phim “Immortal Admiral Yi Sun-sin” (Đô đốc bất tử Yi Sun-sin) được công chiếu vào năm 2004–2005. Bản sao của tàu rùa cũng hiện diện trong nhiều bảo tàng, nơi mọi người có thể đến tham quan và tìm hiểu về chúng.

Theo Ancient Origins, Military History