Ngược lại, bà hào phóng chia sẻ thành quả nghiên cứu của mình với các bạn đồng nghiệp, đồng thời công khai quy trình sản xuất Radium với những công ty quan tâm.
Trong thời kỳ "bùng nổ Radium" sau đó, các nhà máy sản xuất tại Mỹ đã cung cấp Radium không chỉ cho cộng đồng khoa học mà còn cho rất nhiều người tiêu dùng. Nguyên tố phóng xạ phát sáng màu xanh lá cây này xuất hiện trong hầu hết các sản phẩm, từ kem đánh răng đến thuốc tăng cường sinh lý.
Nữ khoa học gia Marie Curie.
Trong thập niên 1920, một gram nguyên tố Radium có giá khoảng 100.000 USD – số tiền lớn đến mức bản thân Marie Curie cũng không đủ khả năng mua chính thứ mà mình khám phá ra để tiếp tục nghiên cứu. Nhưng Marie Curie không hề cảm thấy hối tiếc, bà nói với nhà báo Missy Maloney trong một chuyến đi tới Mỹ vào năm 1921: “Radium là một nguyên tố hóa học. Nó thuộc về tất cả mọi người. Radium không phải để làm giàu cho bất kỳ ai”.
Ngày nay, ngay cả người dân bình thường cũng nhận thức được rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc tiếp xúc với các nguyên tố phóng xạ. Nhưng trước thập niên 1940, chưa ai hiểu rõ tác động nguy hiểm của nguyên tố phóng xạ đến sức khỏe con người về ngắn hạn lẫn dài hạn như thế nào. Marie Curie thậm chí còn để một mẫu Radium phát sáng trên giường vào ban đêm để làm đèn ngủ.
Những năm tháng miệt mài làm việc và nghiên cứu các chất phóng xạ trong phòng thí nghiệm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của Marie Curie. Nhà khoa học nữ đầu tiên và duy nhất nhận giải thưởng Nobel ở cả hai lĩnh vực Vật lý và Hóa học thường mệt mỏi, đôi tay run rẩy, ngón tay nứt nẻ. Bà qua đời ngày 4/7/1934 với chẩn đoán bị thiếu máu và ung thư bạch cầu, có thể do tiếp xúc với bức xạ trong thời gian dài.
Cho đến nay, nhiều giấy tờ và vật dụng cá nhân của vợ chồng bà vẫn còn nhiễm phóng xạ ở mức cao, đến mức chúng ta không thể lấy ra để xem hoặc nghiên cứu một cách an toàn.