Đến với các salon làm móng, các khách hàng không còn xa lạ với mùi phát ra từ sơn và chất tẩy móng. Trong khi khách hàng chỉ phải chịu đựng mùi này trong thời gian ngắn thì các thợ làm móng phải tiếp xúc với các hóa chất bay hơi này trong nhiều giờ liên tục và đánh cược sức khỏe của mình.
Những mùi đặc trưng này đến từ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs). Những chất đã được chứng minh có liên quan tới các vấn đề về sức khỏe như gây đau đầu, cản trở hô hấp, rối loạn chức năng sinh sản và thậm chí gây ung thư. Trong môi trường nhiệt độ phòng thông thường, con người sẽ dễ dàng hít phải hơi chứa các chất VOCs độc hại này.
Hình minh họa. Nguồn:Angie Chung / Flickr
Một nghiên cứu thực hiện bởi Đại học Bang Colorado và Liên hiệp Bảo vệ Sức khỏe người lao động các salon làm móng tại California đã đánh giá mức độ phơi nhiễm hóa chất tại sáu tiệm làm móng ở Colorado và phát hiện các thợ làm móng ở đây phải tiếp xúc với các chất VOCs nồng độ cao. Trong số những người thợ tham gia khảo sát, có thời gian làm việc tại các salon lên đến 19 năm, cho biết bản thân gặp phải các triệu chứng như đâu đầu và kích ứng vùng da, tóc.
Sự có mặt của các chất đã được xếp vào mục chất gây ung thư ở người như benzen và formaldehyde đã làm tăng nguy cơ gây ung thư cho người lao động ở mức một trên một triệu người. Song nhiều cơ quan tại Mỹ vẫn chấp nhận tỉ lệ này.
Thợ làm móng ở thành phố New York biểu tình yêu cầu cải thiện môi trường làm việc an toàn hơn.
Nhận diện mối nguy hại với sức khỏe
Theo một số nghiên cứu trước đây, các thợ làm móng phải tiếp xúc với lượng hóa chất VOC với mức độ cao hơn mức trung bình so với các nghề nghiệp khác và môi trường đô thị nói chung. Do đó, họ thường xuyên gặp phải các vấn đề về sức khỏe.
Trong số 20 thợ móng trả lời khảo sát về sức khỏe cá nhân, có đến 70% khẳng định gặp phải một số vấn đề sức khỏe ngắn hạn và 40% cùng lúc mắc phải nhiều triệu chứng liên quan đến nhau.
Môi trường làm việc độc hại không khác gì nhà máy lọc dầu
Trong quan điểm của nhiều người, ngành thẩm mỹ được coi là một ngành nghề khá an toàn. Song thực tế lại không như vậy. Nhóm nghiên cứu phát hiện độ phơi nhiễm các hydrocacbon thơm như benzen, toluene, ethylbenzene và xylenes - gọi chung là BTEX - của người lao động trong ngành thẩm mỹ là ngang bằng với những công nhân tại nhà máy lọc dầu hay kĩ thuật viên tại các cơ sở sửa chữa ô tô.
Tuy nhiên, các quy định pháp lý về điều kiện làm việc tại các cơ sở làm đẹp lại chưa theo kịp các bằng chứng khoa học. Nhiều quy định về giới hạn phơi nhiễm an toàn và sức khỏe lao động tại Mỹ đã không được cập nhật trong gần 50 năm qua, dẫn tới lỗi thời và không đủ đảm bảo an toàn lao động cho các thợ làm móng. Bên cạnh đó, sự thiếu sót trong chính sách quản lý và gắn nhãn các sản phẩm mỹ phẩm cũng gây phân vân về độ an toàn thực sự của sản phẩm. Một nghiên cứu do Cơ quan Bảo vệ Môi trường California thực hiện năm 2012 cũng phát hiện các sản phẩm làm móng được gắn nhãn “không chứa toluen” hay “không chứa chất độc hại” bao gồm ba chất gây rối loạn nội tiết dibutyl phthalate (DBP), toluen và formaldehyde thực ra có nồng độ các chất trên cao hơn hẳn các sản phẩm không gắn nhãn.
Giải quyết bài toán an toàn lao động
Hầu hết người lao động được khảo sát trong nghiên cứu đều cho biết có nhận thức ở một mức độ nhất định về vấn đề sức khỏe họ đang gặp phải và có mong muốn cải thiện tình hình, song không phải ai cũng biết cách để thực hiện.
Mặc dù Cơ quan Bảo vệ Môi trường, Viện Bảo hộ an toàn Lao động Quốc gia và Cơ quan An toàn và Sức khỏe Lao động Mỹ đều ban hành các hướng dẫn an toàn lao động với các salon làm móng, song các chủ cơ sở làm đẹp tham gia nghiên cứu đều chưa biết đến những nội dung này. Một phần lý do có lẽ bởi các hướng dẫn đều bằng tiếng Anh, trong khi nhiều thợ làm tại salon thường là người nhập cư từ châu Á hoặc các nước Latin có vốn tiếng Anh hạn chế.
Ngoài ra, vẫn có một số tổ chức cộng đồng cấp cơ sở cũng đã xuất bản các hướng dẫn cải thiện chất lượng không khí tại tiệm làm móng bằng tiếng Việt và tiếng Trung. Các tài liệu này đề cập đến việc cải thiện chất lượng thông khí bằng bể cacbon hoạt tính lọc khí VOCs và sử dụng các thiết bị bảo hộ cá nhân như găng tay cao su và khẩu trang than hoạt tính - những yếu tố tối quan trọng giúp giảm thiểu phơi nhiễm hóa chất tại nơi làm việc.
Một phạm trù khác cần lưu ý chính là giáo dục và hướng dẫn kiến thức an toàn lao động trong các chương trình đào tạo nghề thẩm mỹ và lan rộng hơn tới các nhóm lao động thiểu số.
Bà Lan Anh Trương, chủ một salon làm móng tại hạt Alameda, California, được vinh danh vì những nỗ lực tổ chức các chiến dịch cấp cơ sở vận động cải thiện điều kiện lao động cho công nhân. Ảnh: Eric Risberg/AP
Năm 2018, bang California đã ban hành một đạo luật yêu cầu các nhà sản xuất mỹ phẩm cung cấp bảng thành phần cho tất cả sản phẩm sản xuất sau ngày 1/7/2020. Đây là thành quả của các nhóm ủng hộ an toàn lao động, trong đó có Liên hiệp Bảo vệ Sức khỏe người lao động các salon làm móng tại California. Những động thái thiết thực này có tác động lớn giúp cải thiện môi trường làm việc cho cộng đồng những người lao động ít có tiếng nói nhưng phải gánh chịu môi trường làm việc độc hại hàng ngày.
Nguồn: https://theconversation.com/nail-salon-workers-suffer-chemical-exposures-that-can-be-like-working-at-a-garage-or-a-refinery-118152