Một số người tin Trái Đất có dạng phẳng, còn ảnh vệ tinh Trái Đất hình cầu là âm mưu của NASA và các cơ quan chính phủ khác.
|
Mô hình Trái Đất phẳng, với Bắc Cực ở trung tâm và Nam Cực bao xung quanh. Ảnh:Creative Commons 1.0 Generic/Trekky0623
|
Kể từ khi được thành lập từ năm 2009 tại Mỹ, Hội "Trái Đất Phẳng" (Flat Earth Society) cho biết số thành viên của họ tăng đều đặn 200 người mỗi năm tới nay, theo Live Science.
Thành viên hội này cho rằng Trái Đất có dạng đĩa, với vòng Bắc Cực ở trung tâm và Nam Cực là một bức tường băng cao 45 mét bao quanh đĩa Trái Đất. Họ tin rằng Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang canh gác bức tường này để đảm bảo không ai trèo qua và rơi ra khỏi "đĩa".
Chu kỳ ngày đêm của Trái Đất được họ giải thích là do Mặt Trời và Mặt Trăng di chuyển theo vòng tròn ở khoảng cách 4.828 km so với mặt phẳng Trái Đất. Các ngôi sao thì ở khoảng cách 4.988 km. Giống như đèn sân khấu, những quả cầu này chiếu sáng các phần khác nhau của hành tinh trong một chu kỳ 24 giờ. Họ cũng tin rằng có một "phản Mặt Trăng" che khuất Mặt Trăng những khi xảy ra nguyệt thực.
Ngoài ra, họ cho rằng trọng lực Trái Đất chỉ là ảo giác. Các vật thể không bị hút xuống, mà là bị đẩy lên với gia tốc 9,8m/s2, nhờ năng lượng tối bí ẩn. Nội bộ hội Trái Đất phẳng đang tranh cãi về thuyết tương đối của Einstein có cho phép Trái Đất phẳng tăng tốc lên vô hạn nhưng không vượt qua tốc độ ánh sánghay không. Trong mô hình của họ, các định luật Einstein vẫn được công nhận.
Hội này cho rằng những bức ảnh vệ tinh chụp Trái Đất hình cầu chỉ là sản phẩm của Photoshop do NASA và chính phủ các nước tung ra. Các thiết bị GPS cũng được thiết kế để phi công tin rằng họ đang bay theo đường thẳng trên một mặt cầu, thay vì thực tế bay vòng tròn quanh đĩa.
Lý thuyết về Trái Đất phẳng bắt nguồn từ một phương pháp tư duy gọi là "phương pháp Zetetic", do những người theo thuyết Trái Đất phẳng phát triển vào thế kỷ 19, trong đó coi trọng quan sát cảm quan hơn bằng chứng thực nghiệm. Trong thiên văn học Zetetic, nhận thức về Trái Đất bằng phẳng dẫn đến suy luận rằng nó phải thực sự phẳng: phản Mặt Trăng, âm mưu của NASA và tất cả những giả thuyết tương tự để hợp lý hóa kết luận đó.
Theo các nhà khoa học, những chi tiết này làm cho lý thuyết của những người theo thuyết Trái Đất phẳng trở nên ngớ ngẩn và phức tạp như một trò đùa, nhưng những người ủng hộ vẫn coi đó là một mô hình thiên văn hợp lý hơn so với những gì được dạy trong sách giáo khoa.
Theo VNExpress