Trong một nghiên cứu công bố ngày 2/8, các nhà khoa học cho biết lượng CO2 trong không khí tăng sẽ làm cho lượng protein trong các loại lương thực thiết yếu như gạo và lúa mì giảm, điều này đe dọa sự phát triển thể chất và giảm tuổi thọ của con người.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Environmental Research Letters, đến năm 2050 sẽ có 150 triệu người trên toàn thế giới có nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu protein liên quan trực tiếp tới sự gia tăng lượng khí CO2 trong khí quyển.
Nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học đến từ Đại học Harvard đứng đầu đã tiến hành nhiều thí nghiệm trên các cánh đồng rộng lớn, trong đó các cây lương thực được đặt trong môi trường có nồng độ CO2 cao hơn bình thường.
Kết quả cho thấy với mức tăng CO2 dự tính từ nay tới năm 2050, thì hàm lượng protein ở lúa mạch giảm 14,6%, ở lúa gạo giảm 7,6 % và ở lúa mì là 7,8% trong khi khoai tây là 6,4%.
Sau đó, các nhà khoa học dựa trên các khuyến cáo của Liên hợp quốc về chế độ dinh dưỡng để tính toán mức độ ảnh hưởng đối với những người có nguy cơ thiếu protein.
Không chỉ ảnh hưởng tới hàm lượng protein, tình trạng gia tăng CO2 trong khí quyển có thể khiến các khoáng chất quan trọng như sắt, kẽm trong các loại lượng thực thiết yếu suy giảm và khiến tình trạng thiếu dinh dưỡng toàn cầu càng trở nên nghiêm trọng hơn, bởi có tới 76% dân số thế giới phụ thuộc vào các loại lương thực này để có đủ lượng protein hàng ngày, đặc biệt là ở các khu vực nghèo đói.
Theo nghiên cứu này, nếu lượng CO2 tăng đúng như tính toán thì tới giữa thế kỷ, dân số của 18 quốc gia trên thế giới sẽ mất hơn 5% lượng protein cần thiết trong thực đơn hàng ngày do lượng protein trong gạo và các lương thực thiết yếu giảm.
Nghiên cứu cũng chỉ ra những khu vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất sẽ là châu Phi hạ Sahara và khu vực Nam Á, nơi gạo và lúa mì là những loại lương thực không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày.
Các phương án khắc phục được đề xuất gồm cắt giảm CO2, đa dạng hóa chế độ ăn hàng ngày, tăng hàm lượng dinh dưỡng của các loại lương thực thiết yếu hoặc trồng các loại cây lương thực ít chịu sự tác động của CO2.
Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá ảnh hưởng của tình trạng ấm lên toàn cầu đối với hàm lượng protein trong các loại lương thực.
Các tác giả cho biết họ vẫn chưa lý giải được vì sao lượng khí thải CO2 lại có thể làm giảm hàm lượng protein hay các thành phần dinh dưỡng khác của các loại lương thực, nhưng hiện tượng này có thể để lại những hậu quả nguy hiểm trên toàn cầu bởi không có protein, quá trình phát triển thể chất sẽ bị ức chế, bệnh tật nhiều hơn và tuổi thọ sẽ giảm đi.
Giả thiết thuyết phục nhất cho tới nay là CO2 khiến lượng tinh bột trong các loại lương thực tăng nên giảm hàm lượng protein và các chất dinh dưỡng.