Các nhà khoa học Trung Quốc đang tiến hành biến đổi gen để cho ra đời chú lợn siêu nhỏ làm thú cưng trong gia đình. Dự tính một chú lợn này có giá bán tới 1.600 USD (khoảng 35,5 triệu đồng).

Ảnh minh họa

Viện nghiên cứu cấu trúc gen BGI ở thành phố Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc đang tạo ra các chú lợn mini nhờ việc sử dụng kỹ thuật biến đổi gen giống lợn Bama – giống lợn khá nhỏ. Các nhà nghiên cứu của BGI đã dùng enzym TALENT để vô hiệu hóa một trong hai bản sao của gen thụ cảm hoóc môn tăng trưởng ở các tế bào phôi thai lợn Bama.

Sau đó, BGI đã nhân bản vô tính các con lợn từ bào thai. Một nửa số lợn con chào đời thế hệ sau này là lợn siêu nhỏ. Không giống các chú lợn Bama thông thường, nặng khoảng 45 kg, những chú lợn tí hon được tạo ra trong phòng thí nghiệm chỉ đạt được trọng lượng tối đa 13,6 kg khi thưởng thành.

Theo tạp chí Nature, lợn mini được sử dụng như các động vật thí nghiệm phục vụ nghiên cứu các căn bệnh ở người. Các chú lợn, nhất là những giống nhỏ thường được sử dụng như sinh vật mẫu trong nghiên cứu y học vì các nhà khoa học cho rằng chúng gần giống người về đặc điểm giải phẫu học, sinh lý học và di truyền học.

Giống lợn Bama trong một buổi cuộc trưng bày ở thành phố Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc

Giám đốc kỹ thuật của BGI, Yong li cho rằng BGI không quan sát thấy bất cứ vấn đề sức khỏe nào liên quan tới việc nhân bản vô tính các con lợn biến đổi gen. Trong tương lai, viện BGI sẽ cho ra mắt những con lợn mini nhiều màu sắc và hoa văn lông khác nhau thông qua việc biến đổi gen.

Trong khi BGI tỏ ra lạc quan thì một số chuyên gia khác tỏ sự nghi ngờ và dự án của BGI gặp phải những ý kiến trái chiều.

Yusuff Abdu, một nhà nghiên cứu đến từ trường Y, Đại học New York, Mỹ nói: “Rõ ràng, việc làm này cần được kiểm soát. Bạn không thể để những hành động biến đổi trong phòng thí nghiệm đến với công chúng. Có thể chúng có nguy cơ cao xâm nhập vào tự nhiên và chiếm lĩnh hệ sinh thái nếu chúng tình cờ sở hữu một đặc điểm ưu thế hơn. Chuột thí nghiệm cũng bị cấm bán vì lí do này”.