Nhện là loài quan trọng của hệ sinh thái, mang đến lợi ích cho con người bằng việc ăn các côn trùng như muỗi và các loài gây hại khác. Tuy nhiên, vẻ ngoài của chúng làm cho nhiều người e sợ, kể cả các loài nhện không gây hại cho con người.

Lợi dụng điện trường, nhện có thể bay

(ảnh: Flickr/andy morton)

Nếu bạn mắc chứng sợ nhện thì có lẽ không nên đọc tiếp nữa. Bởi vì các nhà khoa học đã khám phá ra một khả năng của nhện cho phép chúng “bay” trên không mà không cần gió. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Sinh học Ngày nay, nhện dùng điện trường trong tự nhiên để di chuyển, có khi lên tới hàng trăm dặm.

Bay nhờ điện trường

Hiện tượng nhện bay lơ lửng trên quãng đường dài không phải là mới mẻ đối với khoa học. Người ta từ lâu đã quan sát các con nhện “bay khí cầu” – tức chỉ hành động nhả ra các sợi tơ rồi bay lơ lửng trong không khí. Nhưng các nhà khoa học trước đây vẫn luôn tranh cãi về cơ chế hoạt động của quá trình này.

“Từ thời đầu thế kỷ 19, người ta đã đưa ra ý tưởng rằng nhện dùng điện trường để bay, nhưng khi đó cũng có người nói là dùng gió,” Erica Morley, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. “Và quan điểm dùng gió thắng thể có lẽ bởi vì nó hiển hiện rõ hơn.”

Nhưng nghiên cứu của Morley cho thấy rốt cuộc thì điện vẫn đóng vai trò quan trọng. Họ đã thử nghiệm bằng cách cho các con nhện Linyphiid vào một “đấu trường” có điện trường giống như trong thế giới tự nhiên.

Theo thông cáo báo chí của nghiên cứu, về cơ bản thì các cơn giông tạo ra dòng điện liên tục giữa mặt đất và khí quyển trên cao; dòng điện này có thể mạnh hơn tùy vào thời tiết.

Bởi vì mặt đất tích điện âm, khí quyển tích điện dương, còn tơ của nhện khi tung ra sẽ tích điện âm, các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng tơ có thể giúp nhện bay lên, vì điện tích âm trên đó sẽ đẩy điện tích âm của mặt đất. Hiệu ứng này sẽ mạnh hơn khi nhện càng đứng trên cao.

Morley đã khám phá ra rằng nhện dường như có thể phát hiện các điện trường. Khi họ bật điện trường bên trong đấu trường, có nhiều con nhện bắt đầu bò lên trên cao, nhướn người lên phun tơ để bắt đầu quá trình “bay khí cầu”. Một vài con đã cất cánh thành công, ngay cả khi không có gió trong khu vực.

Nghiên cứu mới này không có nghĩa là gió chẳng đóng vai trò gì trong các chuyến bay xa của nhện, nhưng nó cho thấy nhện có thể bay mà không nhất thiết cần có gió. Ngoài ra, cũng không phải loài nhện nào cũng “bay khí cầu” được.

“Nhiều loại nhện bay khí cầu, nhưng không phải tất cả,” Morley cho biết. Một vài con quá to nên không thể bay bằng cách đó. Vì thế, bạn sẽ không bao giờ phải lo rằng một con nhện tarantula cỡ quả trứng gà có thể lơ lửng trên không và rơi về phía bạn.

“Nhiều nhện con sẽ bay khí cầu trước khi chúng quá lớn,” nhà nghiên cứu cho biết. “Một vài nhện trưởng thành cũng bay, nhưng chúng nhỏ hơn nhiều so với kích cỡ 1 con tarantula trưởng thành.”

Ngoài ra, theo thí nghiệm của kỹ sư Moonsung Cho ở Đại học Berlin, thay vì chỉ phun ra một vài sợi tơ để bay trong gió, 1 số loài nhện phun ra hàng chục sợi tơ nhỏ để đan thành một dạng tam giác “dù lượn” giúp bay hiệu quả hơn.

Theo Huffington Post, New Scientist,