Kết quả thử nghiệm lâm sàng của GS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec và đồng sự được công bố hôm 09/09 trên tạp chí Stem Cells Translational Medicine [1] cho thấy kết hợp liệu pháp tế bào gốc và can thiệp giáo dục có thể giúp cải thiện đáng kể chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) ở trẻ em.

GS. Nguyễn Thanh Liêm trao đổi với trẻ điều trị tại Vinmec. Ảnh: Vinmec
GS. Nguyễn Thanh Liêm trao đổi với trẻ điều trị tại Vinmec. Ảnh: Vinmec

Chứng rối loạn phổ tự kỷ khá phổ biến, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ thì mỗi 1000 trẻ em trên 8 tuổi thì sẽ có 18 em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, với một loạt các rối loạn phức tạp đặc trưng như thiếu hụt giao tiếp và tương tác xã hội, hành vi bằng lời nói và không lời lặp đi lặp lại. Trẻ bị chứng rối loạn phổ tự kỷ cũng thường bị rối loạn giấc ngủ, co giật và khó tiêu hóa. Cho đến hiện nay, nguyên nhân của chứng bệnh này vẫn chưa được xác định rõ ràng, mà các nhà khoa học đã xác định có thể có nhiều yếu tố tác động, bao gồm đột biến di truyền, rối loạn điều hòa miễn dịch, giảm lưu lượng máu trong não, tiếp xúc với kháng thể của mẹ khi mang thai và kết nối chức năng yếu giữa các vùng não có thể tác động tới chứng rối loạn phổ tự kỷ.

Để giảm triệu chứng bệnh này, cần có nhiều phương pháp tiếp cận bao gồm liệu pháp hành vi, liệu pháp vận động, liệu pháp ngôn ngữ và thuốc để cải thiện các triệu chứng bệnh. Trong đó, các can thiệp về giáo dục và hành vi được đánh giá là rất quan trọng, vì các nghiên cứu đã chỉ ra bằng chứng cho thấy trẻ nhỏ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ có thể cải thiện tình trạng bệnh khi được can thiệp tập trung vào tương tác xã hội, giao tiếp và hành vi.

Tuy nhiên, nhiều trẻ em được can thiệp giáo dục nhưng vẫn bị tăng nặng. “Để tìm ra những giải pháp tốt hơn đối với chứng rối loạn phổ tự kỷ, các phương pháp điều trị thay thế và bổ sung đang được nghiên cứu,” GS Nguyễn Thanh Liêm nói trong thông cáo báo chí về công bố trên tờ Stem cells Translational Medicine [2]. Và liệu pháp tế bào gốc đã được nghĩ tới, “vì liệu pháp này đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong các thử nghiệm lâm sàng, điều trị một số loại bệnh thần kinh khác nhau như bại não, chấn thương não, tổn thương tủy sống nên các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng nó cũng có thể hữu ích trong việc điều trị chứng rối loạn phổ tự kỷ,” ông nói.

Các nghiên cứu gần đây về hiệu quả của liệu pháp tế bào gốc trên dòng chuột được lai tạo để có các triệu chứng giống tự kỷ cho thấy rằng: việc cấy ghép tế bào gốc trung mô dẫn đến giảm các hành vi khuôn mẫu, giảm độ cứng nhận thức và cải thiện hành vi xã hội. Các nghiên cứu trên động vật khác đã chứng minh sự an toàn của liệu pháp, cũng như đã mở đường cho các thử nghiệm tiếp theo ở trẻ em.

Trên thế giới, các nghiên cứu áp dụng liệu pháp tế bào gốc để điều trị cho bệnh nhân mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ đã bắt đầu được tiến hành nhưng chưa nhiều, hiện mới có 14 thử nghiệm (so với khoảng 70 thử nghiệm liệu pháp tế bào gốc chữa bệnh bại não) [3]. Nhìn chung, sử dụng liệu pháp tế bào gốc để chữa trị chứng tự kỷ vẫn là một phương pháp điều trị thử nghiệm đang được nghiên cứu, theo dõi. Tuy một số nghiên cứu đó đã cho thấy tính hiệu quả bước đầu nhưng vẫn còn những vấn đề cần phải tiếp tục đánh giá như nguồn tế bào, quá trình xử lý, liều lượng và đường truyền tế bào.

Do vậy, mục đích của nghiên cứu này của nhóm GS. Nguyễn Thanh Liêm là để kiểm tra tính an toàn và kết quả lâm sàng của liều lượng ghép tế bào đơn nhân tủy xương tự thân (BMMNC) kết hợp can thiệp giáo dục lên trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.

Ba mươi trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 7 tuổi, được chẩn đoán tự kỷ ở mức độ “nghiêm trọng” – được xác định bằng thang điểm đánh giá tự kỷ CARS (Childhood Autism Rating Scale) trên 37 đã được chọn cho thử nghiệm nhãn công khai (Open label: người nghiên cứu và người tham gia nghiên cứu trong một thử nghiệm ngẫu nhiên được biết rằng họ đang nhận loại điều trị gì), không nhóm đối chứng. Nghiên cứu thực hiện trong hai năm, từ tháng 7/2017 – 8/2019 tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tại Hà Nội.

Mỗi trẻ được truyền tế bào gốc tự thân qua đường tiêm vào khoảng giữa đốt sống thắt lưng thứ tư và thứ năm. Các tế bào đơn nhân được phân lập bằng gradient Ficoll, sau đó được truyền lại vào cơ thể trẻ. Sau sáu tháng, bệnh nhân được bổ sung thêm một liều tiêm tiếp theo.

Sau lần ghép đầu tiên, tất cả các bệnh nhân đều trải qua tám tuần can thiệp giáo dục dựa trên Mô hình Denver Early Start, một chương trình dựa trên trò chơi được áp dụng rộng rãi nhằm kết hợp các nguyên tắc hành vi và phát triển. Sau đó, bệnh nhân được đánh giá trong khoảng thời gian 6, 12 và 18 tháng, so sánh điểm CARS và VABS (đo lường hành vi thích ứng) của trẻ để so sánh với điểm số lúc ban đầu. Mức độ nghiêm trọng của rối loạn phổ tự kỷ đã giảm đáng kể, với điểm CARS trung bình giảm từ 50 (phạm vi 40-55,5) xuống 46,5 (phạm vi 33,5-53,5) (P <0.05). Năng lực thích ứng tăng lên, với điểm trung bình của Thang đo hành vi thích ứng của Vineland tăng từ 53,5 lên 60,5.

Giao tiếp xã hội, ngôn ngữ và các kỹ năng hằng ngày được cải thiện rõ rệt trong vòng 18 tháng sau khi cấy ghép. Ngược lại, các hành vi lặp đi lặp lại và chứng tăng động giảm rõ rệt. Điều dễ quan sát thấy là “những thay đổi tích cực trong giao tiếp xã hội, giao tiếp bằng mắt, ngôn ngữ, hành vi và các kỹ năng hằng ngày, khả năng học tập cũng được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là sau 18 tháng. Tỷ lệ trẻ bị rối loạn tăng động giảm 50% và số trẻ có thể đi học mà không cần hỗ trợ ngày càng tăng lên”, GS. Nguyễn Thanh Liêm nói trong thông cáo báo chí. Số lượng bệnh nhân cần hỗ trợ giảm rất đáng kể, từ 28 trẻ xuống còn 18. Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy tế bào đơn nhân tủy xương tự thân kết hợp với can thiệp hành vi là an toàn và dung nạp tốt ở trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (Đăng ký thử nghiệm: ClinicalTrials.gov identifier: NCT03225651). Trong thời gian này, nhóm nghiên cứu theo dõi và không thấy có dấu hiệu của bất kỳ tác dụng phụ bất lợi nào.

Đặc biệt trong đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy những bệnh nhân lúc ban đầu có điểm đo lường hành vi thích ứng CARS dưới 49 có sự cải thiện tốt hơn những người có điểm CARS trên 49 điểm. “Điều này có nghĩa là những bệnh nhân nhẹ hơn sẽ có hiệu quả sau cấy ghép tốt hơn. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng thời gian theo dõi càng dài, mức độ rối loạn phổ tự kỷ càng giảm và trẻ càng hoạt động tốt hơn”, GS. Nguyễn Thanh Liêm nói. Theo dõi bước đầu của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, điều trị càng lâu thì càng có hiệu quả hơn.

Đánh giá về nghiên cứu này, Anthony Atala, Tổng biên tập của Stem Cells Translational Medicine và là giám đốc của Viện Y học Tái sinh Wake Forest cho biết: “Phát hiện lâm sàng cho thấy việc điều trị bằng liệu pháp tế bào làm giảm chứng rối loạn phổ tự kỷ nghiêm trọng ở trẻ em một cách an toàn. Những phát hiện đầy hứa hẹn và mở ra cơ hội cho sự phát triển của phương pháp tiếp cận y học chuyển đổi (Translational medicine) có thể giúp đỡ những trẻ em bị ảnh hưởng.”

Chứng rối loạn phổ tự kỷ là những rối loạn phát triển thần kinh mà cộng đồng y tế và khoa học rất quan tâm, vì bệnh nhân chứng rối loạn phổ tự kỷ biểu hiện các nhóm rối loạn rất đa dạng với nhiều biến đổi về triệu chứng, mức độ trí tuệ, mức độ nghiêm trọng và khuyết tật chức năng. Chứng rối loạn phổ tự kỷ bắt đầu từ giai đoạn đầu tiên của phôi thai với sự gián đoạn của quá trình tăng sinh và biệt hóa tế bào, dẫn đến một loạt các sự kiện liên tiếp như ảnh hưởng thần kinh, vô tổ chức lớp, thay đổi sự trưởng thành của tế bào thần kinh, phát triển tế bào thần kinh, các vấn đề về hình thành khớp thần kinh và giảm chức năng mạng lưới thần kinh.

Chú thích:

[1] https://stemcellsjournals.onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/sctm.20-0102

[2] Nguồn: Thông cáo báo chí về nghiên cứu: https://stemcellsportal.com/press-releases/adding-stem-cells-educational-intervention-can-significantly-help-kids-autism

[3] https://parentsguidecordblood.org/en/news/everything-parents-should-know-about-stem-cell-therapy-autism