Trải qua 12 lần hóa trị ung thư đại tràng giai đoạn cuối, ông Mạnh vẫn vật lộn với đống phế liệu, miệt mài sáng chế ra máy cào rơm và nhiều máy khác.

Một ngày cuối tháng 11, trong căn nhà tuềnh toàng ở xã Suối Hiệp, Diên Khánh, Khánh Hòa,ông Trần Đức Mạnh (53 tuổi) ngồi tính toán lại số tiền kiếm được từ việc bán máy ép phế liệu. Khoản thu nhập này, ngoài để trang trải cuộc sống, thuốc thang điều trị ung thư, phần còn lại ông dành dụm để mua thêm phế liệu cũ, tiếp tục chế tạo máy khi sức khỏe ổn định hơn.

Sinh ra trong gia đình bần nông, cuộc sống nhiều khó khăn, ông Mạnh bôn ba qua nhiều công việc. Có thời gian đi cày thuê cho chủ, máy bị hỏng, không có kinh phí đưa ra tiệm, ông tự mày mò sửa chữa. Hai năm trước, khi đang cày đất thuê, ông bỗng ngất lịm giữa đồng. Kết quả xét nghiệm phát hiện bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối khiến ông chết lặng. Từ đó, người đàn ông trụ cột chỉ biết nằm ở góc nhà, chịu đựng những cơn đau thể xác do căn bệnh quái ác hành hạ.

lao-nong-chong-choi-benh-ung-thu-bang-dam-me-sang-che

Công việc giúp ôngMạnh quên đi nỗi đau bệnh tật, níu lại cuộc sống đời thường. Ảnh: Xuân Ngọc.

Chứng kiến cha ngày càng tiều tụy, hai người con trai đang là sinh viên muốn bỏ học, đi làm san sẻ gánh nặng chi tiêu với mẹ. Gia sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi, nợ nần chồng chất. Buồn phiền với lời tâm sự của con, hình ảnh người vợ tảo tần đã thôi thúc ông không tuyệt vọng, gắng gượng qua bệnh tật.

Thôn Cư Thạnh có nghề truyền thống làm nấm rơm. Sau mùa vụ, ông Mạnh ráng theo hàng xóm ra đồng lấy rơm nhưng làm không nổi. Cơn đau hành hạ khiến ông nghĩ phải làm gì đó để quên đi bệnh tật. "Lúc đó, trong đầu tôi nung nấu ý tưởng thiết kế và sản xuất máy cào rơm với tiêu chí là giá rẻ, phí vận hành thấp để giải phóng sức người", ông nhớ lại.

Không qua trường lớp đào tạo nên khi bắt tay vào nghiên cứu, lão nông gặp khó khăn không ít,chẳng biết bắt đầu từ đâu. Nhiều người cho rằng ông có "ý tưởng khùng", cơn bệnh hành hạ, khiến ông muốn bỏ cuộc tất cả.

"Cảm giác tồi tệ nhất là khi ở một mình vào ban đêm, trong căn phòng trống. Trong cơn đau giằng xé, tôi nghĩ tới đống phế liệu nằm ngổn ngang ở sân, sáng chế lại nung nấu. Ý nghĩ thôi thúc làm ra máy cào rơm lấn át lo lắng bệnh tật", ông Mạnh chia sẻ.

lao-nong-chong-choi-benh-ung-thu-bang-dam-me-sang-che-1

Máy cào rơm của lão nông. Ảnh: Xuân Ngọc.

Loay hoay hàng tháng trời với những máy móc cũ, thu mua giá rẻ từ các cửa hàng phế liệu, kết quả đã không phụ lòng người. Với thiết kế đơn giản, máy cào rơm của ông chỉ là khung xe khách bỏ đi, kết hợp nhiều phế liệu, sắt vụn và ống thủy lực cũ được lắp ráp lại. Máy chạy bằng động cơ dầu, giúp tăng năng suất và giảm sức lao động.

Ngày ông Mạnh đưa máy xuống đồng, ai cũng ngỡ ngàng, bán tín bán nghi hiệu quả. Chỉ đến khi chứng kiến trong ít phút, từng cọng rơm nằm ngổn ngang trên đồng được gom lại, người dân mới thán phục. "Người trong vùng gọi ông ấy cái tên thân thuộc là "nhà sáng chế nông dân". Công suất làm việc của máy tương đương với 30 công lao động trong 8 giờ so với trước đây. Chúng tôi không ngờ ông ấy làm được", ông Minh, người trong vùng nhận xét.

Nỗi đam mê công việc như giúp ông đẩy lùi những cơn đau ngự trị trước đây. Sau phát minh này, ông tiếp tục sáng chế máy ép phế liệu và được khách đặt mua. Máy hoạt động với mục đích ép phế liệu thành bánh giúp vận chuyển dễ và chi phí thấp hơn.

"Lần vận chuyển phế liệu từ Khánh Hòa vào TP HCM gần 7 triệu một chuyến, thành phẩm chưa được ép phải chia ra nhiều đợt. Từ khi có máy ép ông Mạnh chế chỉ cần chở một chuyến", chủ mua máy phế liệu chia sẻ.

Thường giúp đỡ ông Mạnh trong công việc, anh Phan Trung Kiên (30 tuổi) cho biết, lúc mới phát hiện bị bệnh "nhà sáng chế nông dân" tiều tụy, đôi mắt thụt sâu, người còn 38 kg với da bọc xương nhưng. "Chú Mạnh giờ đã tăng được 16 kg, sức khỏe ổn dần", anh Kiên nói.

lao-nong-chong-choi-benh-ung-thu-bang-dam-me-sang-che-2

Qua 12 lần hóa trị ung thư đại tràng giai đoạn cuối, ông Mạnh vẫn lạc quan với đam mê sáng chế. Ảnh: Xuân Ngọc.

Ông Trần Văn Kính – Chủ tịch UBND xã Suối Hiệp (Diên Khánh) cho biết, địa phươngcó hơn 2.500 hộ, ngoài nuôi trồng nông nghiệp, người dân còn mưu sinh nhờ vào phát triển làm nấm rơm.Máy cào rơm của ông Mạnh là sáng chế đầu tiên ở địa phương, giúp người dân giảm được công sức, tạo hiệu quả cao sản xuất nấm.

"Ông Mạnh khôngthan vãn về căn bệnh mà luôn tỏ ra lạc quan, điều đó đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người ở địa phương cùng cảnh ngộ", ông Kính nhận xét và cho biết sẽ bàn với hợp tác xã có phương án hỗ trợ, ứng dụng rộng những máy sáng chế của ông Mạnh.

Hiện, xung quanh nhà ông Mạnh như một công xưởng, toàn sắt thép phế liệu và những đồ vật cũ kỹ. "Tôi đang nghiên cứu để tạo ra máy sàng cát sạn. Cát ở trên sông hiện nay nhiều sạn, muốn có cát xây phải sàng. Máy hoạt động sẽ giảm được sức lao động, hiệu quả cao hơn", ông Mạnh lên kế hoạch trong thời gian tới.