Những ngày vừa qua, tác động của El Nino được người dân miền Bắc cảm nhận rõ nét. Dù trời đã sang đông từ lâu nhưng những đợt rét như mọi năm vẫn chưa đến, trời vẫn nắng to. Hiện tượng thời tiết bất thường này đã và đang gây ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân.
Mùa đông không lạnh
Những ngày giữa tháng 11, nhiệt độ tại Hà Nội thường ở mức trên 30 độ C, thậm chí ngày 17/11 nhiệt độ đã lên tới 34 độ C - mức cao kỷ lục của mùa đông. Đây là điều mà nhiều người từng sống ở Hà Nội 10 năm nay cũng chưa từng trải qua. Vì sao lại có hiện tượng lạ này?
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang - Phó trưởng phòng Phòng Dự báo thời tiết trung hạn thuộc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia - lý giải, đây là do tác động của hiện tượng El Nino: “El Nino hoạt động mạnh nên nhiệt độ từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016 trên phạm vi toàn quốc có xu hướng tăng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C. Thậm chí vào những tháng chính đông như tháng 12, tháng 1 và 2/2016, nhiệt độ trung bình vẫn sẽ giữ ở mức cao hơn so với nhiều năm. Với dự đoán về nền nhiệt như trên, có thể nói, năm nay chúng ta sẽ có mùa đông không lạnh”.
Ông Quang cho biết thêm, theo dự báo của nhiều trung tâm dự báo lớn trên thế giới, hiện tượng El Nino sẽ kéo dài tới đầu năm 2016 và nhận định đợt El Nino này có cường độ mạnh ít nhất là tương đương với các năm 1997-1998.
Không chỉ khiến nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm, El Nino hoạt động mạnh còn làm mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, gây ra hiện tượng hạn hán trầm trọng, đặc biệt là ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ - những nơi mà lượng mưa thiếu hụt so với trung bình hằng năm có thể lên từ 30-50%.
Mưa ít, lượng dòng chảy từ sông về khu vực đồng bằng ven biển Nam Bộ thiếu hụt nên khả năng xâm nhập mặn ở vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn, sớm hơn và sâu hơn cùng kỳ mùa khô năm 2014-2015. Ông Quang cảnh báo: “Chúng ta cần chuẩn bị đối phó với nạn hạn hán và xâm nhập mặn do ảnh hưởng của El Nino”.
Tuy nhiên, El Nino không chỉ mang đến những tác động xấu. Một trong những “ưu điểm” hiếm hoi của hiện tượng này là việc số lượng các cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam giảm bất thường.
“Từ giờ đến cuối năm chúng ta có thể chỉ đón nhận thêm 1 cơn bão nữa. Như vậy trong năm nay, tổng lượng bão và áp thấp nhiệt đới thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Đây là một hiện tượng bất thường” - vị cán bộ thủy văn cho hay.
Người dân“méo mặt” vì thời tiết bất thường
Mùa đông không lạnh đã và đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là về mặt sức khỏe.
Theo thạc sĩ - bác sỹ Lương Quốc Chính - khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian qua có không ít người bị say nắng chỉ vì không đội mũ do coi thường cái nắng 30 độ C giữa mùa đông.
“Hiện tượng say nắng bản chất là hiện tượng sốc nhiệt do tiếp xúc quá lâu với nhiệt độ cao kèm theo bị mất nước. Say nắng có thể gây tổn hại tới não và các cơ quan nội tạng khác. Do vậy, đừng nên chủ quan khi đi ra ngoài trời nắng mà không che chắn” - bác sỹ Lương Quốc Chính nói.
Nguy hiểm hơn, hiện tượng thời tiết nắng nóng bất thường giữa đông còn tạo điều kiện khiến nhiều loại dịch bệnh phát triển và kéo dài. Như mọi năm cùng thời điểm này, một số căn bệnh truyền nhiễm - điển hình như bệnh sốt xuất huyết - đã kết thúc. Nhưng năm nay, do thời tiết nắng nóng bất thường, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ gia tăng. Chị Kim Oanh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Quanh khu nhà tôi ở có rất nhiều người đang bị sốt xuất huyết. Thậm chí có nhà cả gia đình đều bị bệnh. Điều này khiến cho mọi người xung quanh cảm thấy rất lo lắng!”.
Về vấn đề này, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho biết: “Ở phía bắc có một số tỉnh xuất hiện bệnh nhân sốt xuất huyết là Hà Nội, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Nghệ An... Trong đó, khu vực Hà Nội tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp tăng hơn so với năm 2014. Nguyên nhân là bởi năm nay mùa đông ấm hơn, thời tiết diễn biến phức tạp hơn, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển nhanh. Vì thế, dịch bệnh cũng kéo dài hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, do làm tốt công tác phòng, chống nên không bùng phát thành dịch”.
Ông Phu cũng lưu ý rằng, với kiểu thời tiết thất thường lúc nắng lúc mưa, khi nóng khi lạnh như thế này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là đối với người già, những người có bệnh tim mạch, hô hấp, khớp, huyết áp cao phải hết sức cẩn thận.
Không chỉ “làm khổ” người già, người bệnh, kiểu thời tiết lúc nắng lúc lạnh còn khiến không ít trẻ nhỏ phải nhập viện. Bác sĩ Thái Bằng Giang - Phó khoa Nhi Bệnh viện Xanh Pôn - cho biết: “Thời tiết như hiện nay khiến nhiều trẻ nhập viện vì các bệnh liên quan tới dị ứng, hô hấp như hen phế quản, tiểu phế quản. Nhiệt độ chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm khiến nhiều bé mắc bệnh về hô hấp. Ngoài ra, trẻ còn dễ mắc một số bệnh như tay - chân - miệng”.
Ông Giang cũng khuyên các bậc phụ huynh cần phải hết sức quan tâm tới chế độ dinh dưỡng cho con, tránh để bé bị nhiễm lạnh và không cho bé tiếp xúc với nguồn lây bệnh.
Dân trồng đào gặp khó
Trao đổi với phóng viên về ảnh hưởng của thời tiết tới vụ đào, quất năm nay, anh Nguyễn Minh Tuân (Nhật Tân, Hà Nội) - một người có khá nhiều kinh nghiệm trồng đào - cho biết: “Thời tiết thay đổi thất thường khiến việc dựa vào kinh nghiệm dân gian để tuốt lá cho đào, đảm bảo cây ra hoa đúng dịp tết trở nên khó khăn. Ngoài ra, đan xen các đợt nóng ấm là những đợt rét đậm, rét hại cũng làm ảnh hưởng tới chất lượng hoa đào. Với tình hình mùa đông nhiều nắng nóng như hiện nay, dân trồng đào chúng tôi hiện rất lo lắng; bởi lẽ nhiệm vụ giữ cho đào không nở trước dịp tết sẽ khó khăn hơn rất nhiều”. |