Các nhà khoa học thuộc Đại học Wits, Johannesburg, Nam Phi đã thành công trong việc nối trực tiếp não người với mạng internet. Dữ liệu thu thập được từ dự án này sẽ được dùng cho giao diện não - máy tính cũng như dùng cho học máy.

Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Medical Express, trong dự án có tên Brainternet, lần đầu tiên các nhà khoa học tìm ra được cách kết nối não người với internet theo thời gian thực, biến não “thành một cực của Internet krets nối vạn vật trong thế giới World Wide Web” bằng cách sử dụng tín hiệu sóng não được thu thập bằng thiết bị đo sóng não Emotiv EEG - sản phẩm của nhà khoa học gốc Việt Lê Thị Thái Tần - để chuyển nó tới một máy tính Raspberry Pi - nơi sẽ chuyển dòng dữ liệu tới một giao diện lập trình ứng dụng (cho phép kết nối với các chương trình phần mềm) và hiển thị dữ liệu trên một trang website mở (có vai trò như một cổng dữ liệu).


Đánh giá hệ thống này, Adam Pantanowitz – giảng viên tại Đại học Điện tử và Kỹ sư thông tin thuộc Wits cho biết: “Brainternet là một dạng mới trong hệ thống các giao diện não - máy tính từng tồn tại. Tới giờ chúng ta vẫn chưa có cách nào để đơn giản hóa dữ liệu về cách não người hoạt động và xử lý thông tin. Brainternet tìm cách đơn giản hóa hiểu biết của con người về chính bộ não của họ và người khác bằng cách liên tục theo dõi hoạt động của não cũng như tạo ra một vài tương tác với não”.

Pantanowitz cho rằng đây mới chỉ là kết quả bước đầu của dự án. Trong tương lai nhóm nghiên cứu sẽ tạo ra nhiều trải nghiệm tương tác giữa người dùng và não bộ của họ. Hiện tính năng này đã được xây dựng trên trang web nhưng còn khá hẹp – mới chỉ kích thích não để cử động cánh tay.

“Brainteret có thể được nâng cấp theo hướng phân loại các dữ liệu ghi lại thông qua một ứng dụng điện thoại – nơi dữ liệu được cung cấp cho một thuật toán máy học. Trong tương lai, thông tin có thể được truyền tải ở cả 2 chiều: đầu vào và đầu ra trên não” – Pantanowitz nói.