Theo nghiên cứu công bố trên Chuyên san nghiên cứu địa vật lý, sở dĩ diện tích băng tại các vùng biển Nam Cực năm 2016 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm là do sự kết hợp giữa hai yếu tố thời tiết bất thường.
Thứ nhất, trong năm 2015, hoạt động của hiện tượng El Nino diễn ra rất mạnh tại vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương hay còn gọi là "Godzilla El Nino", khiến nhiệt độ nước biển tại các vùng biển Ross, Amundsen và Bellingshausen ở phía Đông của Nam Cực tăng bất thường. Tuy nhiên, trong năm sau đó, hiện tượng La Nina - hiện tượng đối kháng với El Nino, khiến nhiệt độ nước biển giảm sâu - lại diễn ra không mạnh lắm.
Ảnh minh họa.
Điều này khiến cho nhiệt độ tại các vùng nước bề mặt trên các vùng biển ở Nam Cực duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn thông thường và ảnh hưởng tới quá trình đóng băng nước biển trong mùa sau.
Thêm vào đó, cũng trong năm 2016, sức gió hoạt động tại khu vực Nam Cực cũng yếu bất thường, nên các mảng băng ở vùng duyên hải không bị đẩy ra xa, không tạo chỗ trống cho các khoảng băng mới hình thành. Những yếu tố này kết hợp đã tạo nên một "điều kiện lý tưởng" khiến diện tích băng bị thu hẹp đáng kể.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học đã phải thiết lập mô hình khí hậu giả định cho khoảng thời gian lên tới 13.000 năm. Hai điều kiện nêu trên lý giải cho gần 70% hiện tượng diện tích băng giảm mạnh năm 2016. Các yếu tố còn lại có thể là do những cơn bão lớn bất thường khiến các tảng băng bị chia tách và tan chảy hoặc trôi đi.
Theo nghiên cứu, hiện tượng diện tích băng trên biển thu hẹp ở mức kỷ lục như vậy có thể xảy ra ngẫu nhiên theo chu kỳ 300 năm một lần, nhưng giới khoa học không thể dự đoán được thời điểm chính xác sự kiện này sẽ diễn ra.
Trên thực tế, diện tích băng trên các vùng biển Nam Cực năm 2016 đã thu hẹp tới mức các tàu thuyền có thể đi vào khu vực mà không cần sự trợ giúp của tàu phá băng.
Tính đến cuối năm 2016, diện tích băng trên vùng biển Nam Cực chỉ còn khoảng 2 triệu km2, thấp hơn cả mức trung bình mà các hình ảnh vệ tinh ghi lại trong những năm trước đó.