Kính thiên văn Aperture Spherical. (Nguồn: shanghaiist.com). Khi đến thăm kính thiên văn lớn nhất thế giới, các du khách phải hết sức cần thận do mức độ cảm nhận thông tin nhạy bén của các bộ máy.
Du khách được yêu cầu gửi lại các thiết bị điện tử trước khi bước vào đài quan sát.
Kính thiên văn FAST được xây dựng ở khu vực vùng núi hẻo lánh của tỉnh Quý Châu (Trung Quốc).
Công trình này giúp tăng cường hiểu biết của con người về nguồn gốc vũ trụ, tìm kiếm sự sống ngoài trái đất và có thể mang về cho Trung Quốc một giải thưởng Nobel nào đó.
Truyền thông địa phương cho biết việc tăng kích thước của lòng chào lên càng rộng càng giúp cho kính thiên văn này bắt được các tín hiệu yếu từ vũ trụ xa xôi.
FAST có thể thu được tín hiệu trong khoảng cách 11 tỷ năm ánh sáng và trong vòng 1 năm vận hành, công trình này đã giúp con người biết thêm gấp đôi số lượng sao xung trước đó.
Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn không hy vọng FAST có thể tạo ra được đột phá về lĩnh vực thiên văn trong vài năm tới vì vẫn phải kiểm tra và sửa lỗi liên quan tới những thiết bị phức tạp.
Dự án FAST được giới thiệu lần đầu vào năm 2007 và bắt đầu xây dựng vào năm 2011. Tháng 7/2015, FAST bắt đầu được lắp đặt 4.450 tấm kính phản chiếu. Toàn bộ công trình này tiêu tốn khoảng 1,2 tỷ nhân dân tệ.
Để tiến hành xây dựng, chính quyền Quý Châu đã phải di dời 10.000 dân sống trong bán kính 50km.
Kế hoạch tái định cư này từng nhận nhiều chỉ trích vì tiêu tốn chi phí nhân công cũng như mức bồi thường ít ỏi cho người dân, 12.000 nhân dân tệ mỗi người, chỉ bằng một nửa thu nhập bình quân hàng năm của người dân Trung Quốc.
Người dân địa phương cũng phàn nàn khu nhà tái định cư mà chính quyền xây dựng gần đó có chất lượng yếu kém.
Không chỉ vậy, khi FAST đi vào hoạt động hồi tháng Chín năm ngoái, một quy định mới đã được áp dụng nhằm giữ yên tĩnh quanh khu vực kính thiên văn bao gồm cấm xây dựng, săn bắt, khai thác, định cư.
Người vi phạm có thể bị phạt 100.000 nhân dân tệ.