Khuôn mẫu phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” ngày nay còn được duy trì hay thay đổi tới mức nào, là một trong những vấn đề mà nghiên cứu của nhóm tác giả Phạm Quỳnh Phương, Lê Quang Bình, Nguyễn Minh Huyền tìm cách lý giải.
Trong nghiên cứu song ngữ Việt – Anh Khuôn mẫu giới và việc làm: một nghiên cứu về giới trẻ Việt Nam đương đại qua các thảo luận trên báo chí và mạng xã hội (Gender norms and employment: a study on contemporary Vietnamese young throught social media and online newspaper discussion analysis), ba tác giả hiểu thuật ngữ “khuôn mẫu giới” (gender norms) là những quy tắc tập thể, không thành văn, được chia sẻ trong xã hội, gắn liền với hệ thống giới. Khuôn mẫu giới, dưới tham chiếu từ hai nhà nghiên cứu Beniamino Cislaghi và Lori Heise, gồm bốn đặc điểm cốt yếu. Nó có tính xã hội, bắt đầu được các cá nhân thu nhận từ gia đình. Nó đồng thời có tính hệ thống, và thường phản chiếu tương quan quyền lực mà phần bất công có xu hướng rơi vào giới nữ. Từ đó, nó được sinh thành và tái sản xuất thông qua những thiết chế xã hội. Vì hệ thống khuôn mẫu giới được tái sản xuất thông qua những tương tác liên tục giữa người với người ở cấp độ cá nhân rồi thiết chế, từ đó quay trở lại chi phối thế giới quan của các cá nhân, cho nên nó không tồn tại bẩm sinh nơi loài người, nhưng biến đổi qua tiến trình lịch sử của một xã hội cụ thể.
Theo nghiên cứu, khả năng lựa chọn nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến của các giới trong mỗi thời đại không giống nhau. Trong thời phong kiến, quân chủ, giới nữ bị quan điểm Nho giáo của thiểu số có học đặt thấp hơn đàn ông, dù họ vừa giữ chức năng chăm sóc chủ yếu trong gia đình, vừa có khả năng buôn bán hàng xén mang lại nguồn lợi tức chính của cả nhà.
Từ thời cách mạng dân tộc và xây dựng đất nước đi lên Chủ nghĩa Xã hội cho tới nay, phụ nữ mở rộng khả năng lựa chọn và thăng tiến trong nghề nghiệp, nhưng vẫn chịu chức phận chăm sóc chủ yếu trong gia đình như thời trước. Đó cũng là hoàn cảnh sinh thành khuôn mẫu phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, một quy chiếu để nhóm tác giả tìm hiểu liệu khuôn mẫu ấy ngày nay còn được duy trì hay thay đổi tới mức nào. Câu trả lời được nghiên cứu đưa ra dựa trên dữ liệu khảo sát hai hệ thống truyền thông là báo/trang tin điện tử và mạng xã hội, trong hai năm, từ tháng 8/2018 tới tháng 8/2020.
Cụ thể, chín tờ báo/trang tin điện tử được chọn (Kênh 14, Zing, Tuổi trẻ, VNExpress, Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ TPHCM, Cafeland, Cafebiz, CafeF) có lượng bài liên quan thấp, nội dung xuyên suốt là hô hào phụ nữ cố gắng để nắm lấy quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp cho mình và thăng tiến công việc, thông qua việc nêu lên những khẩu hiệu, tấm gương, phát biểu có trọng lượng của các cá nhân giữ chức vụ cao.
Trong khi đó, bốn mạng xã hội được chọn (VOZ.vn, Webtretho.com, Beatvn, NEU Confession), ngược lại, có lượng bài thảo luận lớn liên quan, dựa trên trải nghiệm của từng cá nhân để khái quát hóa, gây những tranh cãi thường đi vào bế tắc. Người dùng diễn giải tương quan giữa giới và việc làm theo hai cách chính: sinh học và chức năng cố định của từng giới trong xã hội. Về sinh học, phụ nữ, khác với đàn ông, bị cho là dễ để cảm xúc chi phối, một giá trị không được coi trọng trong công việc. Về chức năng cố định của giới, phụ nữ được tiền định là người nuôi dưỡng, chăm sóc, phù hợp với những công việc tương ứng như y tá, điều dưỡng, giáo viên hay nhân viên chăm sóc khách hàng. Hai cách diễn giải đó là hai lời biện minh giới hạn khả năng của giới nữ so với giới nam trong công việc. Biện minh này có thể xuất phát từ chỗ giới nam cảm nhận giới nữ đang tham gia nhiều vào thị trường sức lao động, làm giảm khả năng thăng tiến và thu nhập của họ, cho nên có thể lung lay vai trò trụ cột gia đình của họ. Điều đó đồng nghĩa với sự đe dọa khuôn mẫu giới đàn ông là trụ cột gia đình, sự nghiệp triển vọng, kiếm tiền giỏi.
Tuy vậy, nghiên cứu chỉ ra, hai hệ thống truyền thông dành cho giới trẻ đương đại đều có một thiếu vắng quan trọng là chưa bàn tới hệ thống khuôn mẫu giới có tính lịch sử và xã hội. Vì thế, ở phần cuối, nghiên cứu nêu ra những đề xuất, trong đó quan trọng nhất là nếu muốn thay đổi khuôn mẫu giới và tương quan của nó với vấn đề việc làm, cần tác động có tính hệ thống nhằm thay đổi ý nghĩa của công việc đối với mỗi cá nhân ở mọi giới. Thay vì khuôn định phụ nữ bằng các đặc điểm sinh lý hoặc chức năng xã hội cố định là chăm sóc người khác, thì mọi giới cần nhìn nhận sự chăm sóc ấy như một loại sức lao động đặc thù, có giá trị như mọi công việc được trả tiền lương. Trên thực tế, đòi hỏi này đã được đặt ra từ năm 1972 trong một chiến dịch làm chấn động các phong trào xã hội cánh tả, Wages for Housework (Tiền công cho Việc nhà), với yếu nhân là nhà nữ quyền nổi tiếng Silvia Federici (sinh năm 1942). Silvia Federici nói gọn quan điểm của chiến dịch: lao động chăm sóc không được trả lương của giới nữ là quá trình bóc lột phổ quát, có tính lịch sử và tính hệ thống. Không thể thảo luận về tự do lựa chọn nghề nghiệp và khả năng thăng tiến của các giới, nếu lờ đi sự bóc lột ấy. Chủ đề đó rất hấp dẫn, khả thi để triển khai, thậm chí cần đặt làm trung tâm cho nghiên cứu này, nhưng đã không xảy ra. Dù sao, với các kết quả đã đạt được cùng gợi ý quan trọng ở phần kết, tác phẩm có thể khơi mào cho những nghiên cứu khác tập trung vào loại sức lao động đặc thù này của giới nữ: lao động chăm sóc (care labor).