Báo Khoa học và phát triển đã có cuộc trao đổi với chị về triển vọng thị trường khởi nghiệp của Việt Nam.
Nhà đầu tư ngoại tin vào Chính phủ
Một trong những điểm “gây sốc” mà báo cáo đưa ra là tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019. Vậy theo chị, sự suy giảm của dòng vốn đầu tư nói lên điều gì?
Năm 2008, tổng số tiền đầu tư vào các công ty công nghệ Việt Nam chỉ khoảng 50 triệu USD. Khi ấy, Việt Nam là nền kinh tế mới nên nhà đầu tư chủ yếu rót vốn nhỏ để thăm dò. Những thành công ban đầu cùng với sự chín muồi của thị trường và hệ sinh thái đã khiến lượng vốn rót vào ngày một nhiều hơn. Điều này được thể hiện qua các con số tăng lên qua từng năm, năm 2018, tổng số tiền đầu tư khoảng 400-500 triệu USD và tăng lên hơn 800 triệu USD vào năm 2019. Đà tăng có thể sẽ còn tiếp tục nếu không có Covid-19.
Do đó, câu chuyện xảy ra với thị trường khởi nghiệp Việt Nam năm 2020 là điều dễ hiểu bởi Việt Nam vẫn là thị trường mới và nhiều rủi ro với nhà đầu tư, nên khi có bất trắc, chúng ta thuộc nhóm đầu tiên bị ảnh hưởng. Điều tích cực là nguồn vốn giảm gần 50% nhưng số lượng deal (các thỏa thuận rót vốn) chỉ giảm 17%. Như vậy, các thương vụ có giá trị cao giảm còn nhà đầu tư vẫn triển khai thương vụ giá trị nhỏ. Số liệu này cho thấy, nhà đầu tư đang có cái nhìn tích cực trong tầm nhìn dài hạn về thị trường Việt Nam vì thế họ vẫn tiếp tục đầu tư để thăm dò.
Trong bối cảnh dịch bệnh, theo chị, điều gì tạo sức hút cho thị trường khởi nghiệp Việt Nam?
Năm 2020, Việt Nam đã chống dịch rất tốt, và có mức tăng trưởng dương, điều này tạo thêm niềm tin của nhà đầu tư vào năng lực quản trị của Việt Nam.
Thực tế, vào thời điểm ban đầu, các nhà đầu tư đến từ châu Âu hay Mỹ vẫn chưa thực sự hiểu về Việt Nam và nhìn chúng ta “đầy lo lắng”. Họ e ngại những rủi ro về mặt chính sách cùng với rào cản về mặt ngôn ngữ và khác biệt về mặt văn hóa. Nhưng thời gian qua, tư duy cởi mở, tinh thần sẵn sàng đối thoại của Chính phủ với khối tư nhân và doanh nghiệp FDI là điểm cộng. Đơn cử như trong các sự kiện TechFest của Bộ KH&CN, Vietnam Ventures Summit của Bộ Kế hoạch và Đầu tư... đều thu hút 100-200 nhà đầu tư đến gặp gỡ tiếp xúc và tìm hiểu thị trường.
Trong báo cáo, chúng tôi cũng chỉ ra những nỗ lực như việc thử nghiệm cơ chế sandbox – một bằng chứng cho thấy Chính phủ Việt Nam muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Quỹ nội thể hiện vai trò then chốt
Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2020 đánh giá thế nào về vai trò của quỹ nội đối với startup?
Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài không thể đến Việt Nam, quỹ nội đóng vai trò đầu tư vào statup nhỏ, rủi ro cao. Do có sự thấu hiểu về văn hóa nên quỹ nội có sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn và sẵn sàng đồng hành với startup so với quỹ ngoại. Ngoài ra, quỹ nội cũng đóng vai trò cầu nối, phối hợp thực hiện việc thẩm định, phỏng vấn đội ngũ sáng lập, điều tra thị trường… để chia sẻ tài liệu cho quỹ ngoại ra quyết định đầu tư. Vai trò này hoàn toàn mới trong đại dịch và cho thấy vị trí không thể thay thế.
Vấn đề của quỹ nội là nguồn tiền không mạnh nên số vốn đầu tư cho startup không nhiều. Theo chị bao giờ quỹ nội Việt được như các quỹ tương tự của Indonesia?
Đây là vấn đề của thời gian và thị trường, nghĩa là khi thị trường đủ lớn và đủ số lượng startup tự nhiên quỹ nội sẽ có đủ lượng tiền cho việc đầu tư. Tuy nhiên, về từng thương vụ cụ thể, quỹ nội không cần tăng lượng vốn đầu tư, vì hầu hết quỹ nội chỉ đầu tư ở vòng đầu (Seed round) nên lượng tiền cho một vòng chỉ rơi khoảng trên dưới nửa triệu USD.
Nhưng nếu có nhiều tiền hơn thì hẳn sẽ tốt hơn khi họ có thể đầu tư được nhiều thương vụ hơn, thúc đẩy cho nhiều ý tưởng đột phá ra đời hơn. Đơn cử, nếu có hai startup tiềm năng như nhau mà chỉ có tiền cho một startup thì họ sẽ phải chọn một trong hai.
Tất nhiên cũng phải nhìn nhận công bằng rằng ở Việt Nam có không ít quỹ sở hữu tiềm lực lớn nhưng chỉ đầu tư bất động sản. Về hệ sinh thái công nghệ, chúng ta vẫn đi sau các nước như Indonesia, Singapore từ 5-10 năm. Khi thị trường bất động sản trở nên khó khăn thì các nhà đầu tư sẽ buộc phải dùng nguồn tiền để đầu tư sang các mảng khác.
Ở bề nổi của thị trường khởi nghiệp, người ta dường như chỉ thấy đầu tư rót vào các startup Fintech, EdTech, MedTech…, các thương vụ lớn nhất cả trăm triệu USD cũng thuộc lĩnh vực Fintech như Momo. Phải chăng thị trường đầu tư chưa thực sự đa dạng?
Mỗi quỹ đầu tư có một khẩu vị khác nhau, ví dụ như Mekong Capital thích đầu tư cho ngành bán lẻ, logistics, … Dù không bao giờ đầu tư vào nhà hàng F&B, nhưng mới đây họ lại đầu tư vào Cloud Kitchen – những nhà hàng không sở hữu mặt bằng, chỉ phục vụ online thông qua các nền tảng thương mại điện tử…
Nhìn rộng ra hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển. Nghĩa là, thị trường sẽ tập trung vào hai mảng chính là thương mại điện tử và thanh toán – lĩnh vực sẽ có nhiều người sử dụng nhất. Khi các ngành lõi trưởng thành sẽ tạo ra hạ tầng tốt như thanh toán, giao vận, người dùng biết cách sử dụng thanh toán trực tuyến thành thạo rồi kéo các ngành khác phát triển theo. Đơn cử như ở Mỹ, Amazon là startup phát triển nhanh nhất và kéo theo sự phát triển của PayPal. Trung quốc cũng như vậy, đi đầu là Alibaba, rồi kéo theo sự ra đời của AliPay.
Các quỹ cũng đầu tư khá đa dạng nhưng do ít nên chưa được biết đến nhiều. Tương lai, khi thị trường chín muồi, cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực nóng cạnh tranh gay gắt hơn, nhà đầu tư sẽ nhìn rộng ra lĩnh vực mới và chịu mức rủi ro cao hơn.
Theo chị, các nhà khởi nghiệp cần quan tâm đến những vấn đề gì để có thể phát triển trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn ra hết sức phức tạp?
Mọi người nên chú ý vào hai xu hướng quan trọng để không bỏ lỡ cơ hội từ đại dịch.
Một là nếu startup nằm trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề thì cũng không hẳn các bạn không có cơ hội gọi vốn. Trong một thị trường quá tốt, ai cũng làm giống nhau thì bạn phải trở thành người tốt nhất để vượt lên. Nhưng khi ngành bị ảnh hưởng, sẽ có nhiều đối thủ rút lui, lúc này, nếu về đó vẫn là ngành có tiềm năng, startup đi đúng hướng và biết cách chống chọi với mùa dịch thì hãy cho nhà đầu tư thấy tiềm năng trong dài hạn.
Hai là những ngành không bị ảnh hưởng hoặc có lợi thế. Đây là thời cơ nghìn năm có một cho sự tăng trưởng vượt bậc, như cách Alibaba đã làm vào năm 2003 khi dịch SARS hoành hành ở Trung Quốc. Sau đó, Alibaba đã làm thương mại điện tử bùng nổ và thay đổi toàn bộ hành vi mua sắm của khách hàng.
Điều quan trọng là các startup phải xác định được ngành của mình thuộc nhóm nào, và có chiến lược sống sót qua đại dịch, tìm cơ hội ở thị trường ngách. Nếu startup thuộc nhóm đang hưởng lợi phải thừa thắng xông lên chiếm thị phần.
Lưu ý, khi gặp nhà đầu tư, startup phải hiểu nội lực hiện tại: đã có gì, cần kêu gọi đầu tư thêm những phần nào, quy hoạch chiến lược phát triển, phương án xấu nhất do ảnh hưởng của Covid-19…