COVID-19 ảnh hưởng đến nam giới và nữ giới theo những cách khác nhau. Vậy tại sao nhiều thử nghiệm lâm sàng đến nay thiếu các dữ liệu về giới?
COVID-19 ảnh hưởng không đồng đều đến nam giới và nữ giới. Trên toàn cầu,
cứ 10 trường hợp phụ nữ phải được chăm sóc đặc biệt do COVID-19 thì có 18 trường hợp nam giới; cứ 10 phụ nữ chết vì COVID-19 thì có 15 nam giới tử vong. Tại Mỹ, khoảng cách giới đang gia tăng trong tỷ lệ tiêm chủng, tỷ lệ phụ nữ cao hơn 6% so với nam giới, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ. Và trong khi nam giới trên 50 tuổi có xu hướng mắc các triệu chứng cấp tính nhất của Covid-19, thì
phụ nữ thường gặp phải các di chứng Covid kéo dài nhiều hơn nam giới gấp 4 lần.
Ngoài ra, các tác dụng phụ hiếm gặp từ vaccine AstraZeneca dường như xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ, trong khi những tác dụng phụ từ vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna thường ảnh hưởng đến nam giới trẻ tuổi.
Nhưng trong số 45 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng về COVID-19 đã được công bố tính đến tháng 12/2020, chỉ có 8 thử nghiệm báo cáo tác động của giới tính, theo một nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Communications. Các dữ liệu gần đây hơn còn cho thấy ở nhiều nơi, những dữ liệu đơn giản như số ca bệnh hoặc số người tiêm chủng không ghi nhận giới tính.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của một em bé ở một ngôi làng
thuộc ngoại ô Ahmedabad, Ấn Độ
Tác giả của công bố mới, Sabine Oertelt-Prigione, nhà nghiên cứu về giới và sức khỏe tại Trung tâm Y tế Đại học Radboud, đã rất thất vọng khi phát hiện kết quả này. “Tôi đã giả định rằng giới tính sẽ được tính đến trong các thử nghiệm, đơn giản vì đó là một phần hiển nhiên của vấn đề”, Oertelt-Prigione nói. Cô cho rằng việc bỏ qua giới tính có thể gây nguy hiểm trong các cuộc thử nghiệm thuốc - các sản phẩm như vậy có thể ảnh hưởng đến nam giới và phụ nữ theo những cách khác nhau do sự khác biệt về sinh lý. Susan Phillips, nhà dịch tễ học tại Đại học Queen, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết thêm, việc bỏ qua giới tính cũng sẽ bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu về cơ chế lây truyền của Covid-19.
Martin Landray, nhà dịch tễ học và nhà khoa học dữ liệu tại Đại học Oxford, cũng ngạc nhiên trước việc giới nghiên cứu thiếu chú ý đến các hiệu ứng giới tính. Landray là người trước đây đứng đầu cuộc thử nghiệm Recovery của Vương quốc Anh, thử nghiệm thuốc chống viêm tocilizumab trong điều trị COVID-19. Thử nghiệm này nhằm tìm hiểu xem liệu tocilizumab có tác dụng khác nhau theo giới tính hay không (và kết quả không tìm thấy khác biệt nào). "Tôi chỉ nghĩ rằng ai cũng làm như vậy", Landray nói. Tuy nhiên trên thực tế, Phillips lưu ý, các nhà nghiên cứu thường bỏ qua các phân tích giới tính trong nghiên cứu lâm sàng được công bố trong hơn 30 năm qua. “Vấn đề vẫn tiếp diễn với COVID-19, và điều này làm cho kết quả báo cáo mới trở nên quan trọng", bà nói.
Nhóm của Oertelt-Prigione đã tìm trên PubMed tất cả các bài báo về COVID-19 được xuất bản trước ngày 15/12/2020. Tất cả trong số 45 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với các phương pháp điều trị và vaccine tiềm năng đều báo cáo số lượng nam và nữ tham gia, nhưng chỉ có 8 thử nghiệm kiểm tra liệu kết quả có khác nhau giữa nam giới và phụ nữ hay không, nhóm Oertelt-Prigione nhận thấy.
Ngay cả những thử nghiệm COVID-19 lớn nhất đôi khi cũng bỏ qua việc phân tích theo giới tính. Ví dụ, các thử nghiệm khổng lồ với vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna đã khám phá hiệu quả của vaccine có khác nhau theo giới tính hay không, và kết quả cả hai có hiệu quả hơn 90% đối với cả nam và nữ. Nhưng không có thử nghiệm nào của Pfizer-BioNTech hay Moderna xem xét tác dụng khác nhau đối với hai giới, như nhà nghiên cứu về sức khỏe và giới của Đại học Liên hợp quốc Lavanya Vijayasingham và các đồng nghiệp đã lưu ý trong một bài viết trên tờ The Lancet vào tháng Ba.
Phát hiện của bài báo mới nhất quán với các nghiên cứu khác. Một nghiên cứu gần đây, nhỏ hơn - khảo sát 30 thử nghiệm về COVID-19, được công bố trên EClinicalMedicine, không tìm thấy thử nghiệm nào tính đến việc liệu kết quả có bị ảnh hưởng bởi giới tính hay không.
Và một bài báo trên BMJ Global Health hồi tháng Tư đã kiểm tra một loạt các bài báo về COVID-19, bao gồm cả các nghiên cứu quan sát, và chỉ tìm thấy 14 trong số 121 bài có phân tích liệu giới tính có ảnh hưởng đến kết quả hay không.
Đôi khi có thể có lý do để không báo cáo dữ liệu phân tích theo giới tính. Nghiên cứu của nhóm Landray về tocilizumab cho thấy một sự khác biệt về giới tính có ý nghĩa thống kê: Ở những bệnh nhân chưa thở máy tại thời điểm bắt đầu thử nghiệm, về tổng thể, tocilizumab làm giảm nguy cơ tử vong hoặc cần thở máy; nhưng phân tích theo giới tính cho thấy tác động như vậy chỉ xuất hiện ở nam giới, không phải ở phụ nữ. Nhưng đối với các kết quả khác, chẳng hạn như tỷ lệ xuất viện trong vòng một tháng, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai giới. Do đó, nhóm nghiên cứu kết luận, không có “bằng chứng thuyết phục về hiệu ứng giới” - và vì thế đã không báo cáo khác biệt về tác động thuốc đối với hai giới trong bài báo, Landray nói.
Landray cũng lưu ý, việc cố tìm ra sự khác biệt giới tính nếu chúng không tồn tại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nghiên cứu. Ví dụ, các thử nghiệm với cỡ mẫu nhỏ cho thấy aspirin không ngăn ngừa cơn đau tim và đột quỵ ở phụ nữ, nhưng việc hạn chế sử dụng thuốc dựa trên bằng chứng yếu như vậy sẽ tước đi một loại thuốc có lợi cho phụ nữ, Landray lập luận.
Emily Smith, nhà dịch tễ học tại Đại học George Washington, cho biết, hiện tại, việc có nên đưa giới tính vào phân tích của mình hay không tùy thuộc vào sự cân nhắc của từng nhà nghiên cứu. Nhưng “một số can thiệp cấp hệ thống có thể giúp giải quyết vấn đề này,” theo Smith. Nếu các cơ quan tài trợ hoặc cơ quan đăng ký thử nghiệm yêu cầu báo cáo có tính đến yếu tố giới tính, điều này có thể thúc đẩy các nhà nghiên cứu đưa giới tính vào thử nghiệm của họ.
Việc thiếu dữ liệu giới tính còn vượt ra ngoài các thử nghiệm lâm sàng: Trong số 198 quốc gia trong cơ sở dữ liệu Giới tính và COVID-19 do Tổ chức phi lợi nhuận Global Health 50/50 thu thập, chỉ 37% báo cáo dữ liệu tử vong có tính đến giới tính và chỉ 18% báo cáo dữ liệu tiêm chủng theo giới tính.
Nguồn: