Trong “Ca tụng bóng tối”, Tanizaki Jun’ichirō đi sâu vào khám phá tầm quan trọng của bóng tối đối với văn hóa Nhật Bản.

Tanizaki Jun’ichirō (1886 - 1965) là nhà văn hiện đại người Nhật Bản, tác giả của nhiều tiểu thuyết đã được dịch sang tiếng Việt như “Tình khờ”, “Chữ Vạn”, “Hai cuốn nhật ký”, “Mong manh hoa tuyết”,… Trong các tác phẩm văn chương, Tanizaki dò sâu vào thế giới tối thẳm của con người, nơi dục vọng khiến người ta thăng hoa và khốn khổ.

Tác phẩm Ca tụng bóng tối. Ảnh: NN

“Ca tụng bóng tối” là một tiểu luận – tản văn nổi tiếng của Tanizaki, nơi ông hướng ngòi bút về hành trình tìm kiếm và phục dựng những vẻ đẹp truyền thống của Nhật Bản. Không phải những nét độc đáo trong truyền thống Nhật Bản mà chúng ta đều ít nhiều biết tới như kịch kabuki, trà đạo, hoa đạo,… trong cuốn sách này, Tanizaki chỉ đi sâu vào khám phá một hiện tượng ít cụ thể hơn, đó là tầm quan trọng của bóng tối đối với văn hóa Nhật Bản.

Mở đầu tiểu luận, tác giả nói về tình thế lưỡng nan khi xây dựng một ngôi nhà Nhật Bản nương theo mỹ học truyền thống nhưng vẫn đảm bảo những tiện nghi cần thiết như quạt điện, bếp gas, lò sưởi, đèn điện,… Trong khi các tiện nghi hiện đại có thể giúp cuộc sống thoải mái hơn, chúng lại thiếu một thứ nhất định - khả năng hòa hợp với những ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản. Tanizaki e sợ khi những vẻ đẹp tinh tế đời thường - như ánh đỏ hồng của than sưởi - bị hủy hoại, đời sống sẽ mất đi nhiều niềm vui và ý nghĩa.

Cái không khí Nhật Bản, tinh thần Nhật Bản, theo Tanizaki, được tạo nên nhờ những vẻ đẹp thầm lặng, sự tôn vinh cái tự nhiên và vẻ đẹp của thiên nhiên, trong đó bóng tối và cảm thức về thời gian là những thành tố quan trọng.

Jun’ichirō Tanizaki. Ảnh: INT

Chẳng hạn, trong kiến trúc, Tanizaki đã chỉ ra cách đối xử với ánh sáng của phương Đông và phương Tây có sự tương phản rõ rệt. Trong kiến trúc nhà thờ Gothic phương Tây, mái vòm được đẩy lên cao tối đa để đón nhận ánh sáng và triệt tiêu bóng tối. Người phương Tây cũng xây nhà theo cách ít tạo bóng tối nhất và có xu hướng phô bày nội thất dưới ánh sáng mặt trời và ánh sáng nhân tạo. Ngược lại, nhà người Nhật là nơi luôn có bóng tối chế ngự. Theo Tanizaki, đó là nguồn cơn của “mỹ học bóng tối” của Nhật Bản. “Tổ tiên chúng ta vì buộc phải sống trong những căn phòng tối sau đó đã khám phá ra vẻ đẹp trong bóng tối, cuối cùng đã hướng bóng tối đến mục đích thẩm mỹ.”

Căn nhà người Nhật được dựng lên không phải để thâu về ánh sáng và xua đi bóng tối mà là để tạo ra những thứ ánh sáng yếu ớt bằng những bức tường giấy tối màu, bằng những mái che để tạo ra sự hài hòa trong nếp sống. “Tổ tiên chúng ta đã cho thế giới của những bóng tối một phẩm chất bí ẩn và chiều sâu vượt hơn hẳn bất cứ một bức tranh sơn tường hay một đồ trang trí nào.” Trong khi đó, người phương Tây, theo Tanizaki, từ bao thế kỷ qua đều băng băng trên hành trình tìm kiếm ánh sáng rực rỡ của mình, từ ngọn nến đến đèn dầu, đèn dầu đến đèn gas, đèn gas đến đèn điện, họ không tiếc công sức xóa bỏ ngay cả những bóng tối nhỏ nhất.

Trong ẩm thực Nhật Bản, đồ sơn mài được quý chuộng vì vẻ đẹp của nó được bộc lộ trong ánh sáng mờ mờ của những nhà hàng truyền thống sử dụng nến để thắp sáng, nơi thực khách có thể nhìn ra “từ lớp nước bóng của đồ sơn mài một vùng sâu và thăm thẳm như một hồ nước lặng lẽ trong bóng tối”. Những vẻ đẹp đầy chiều sâu và bí ẩn của thế giới mơ huyền này sẽ tiêu biến trong môi trường ánh sáng rực rỡ. Trong bóng tối, những khoảnh khắc của bí ẩn được nâng niu và sự chậm trôi của thời gian được cảm nhận rõ. “Nghệ thuật nấu ăn của chúng ta dựa vào bóng tối và không thể tách rời khỏi bóng tối”.

Nhìn chung là chúng ta khó mà cảm thấy như ở nhà mình khi ở cùng với những đồ vật chiếu sáng và lấp lánh. Người phương Tây dùng bộ đồ ăn làm bằng bạc, thép và mạ kền, họ đánh bóng chúng sáng choang nhưng chúng ta không thích cách thức đó. Chúng ta bắt đầu quý trọng những đồ vật này hơn chỉ khi mà nước bóng bên ngoài đã mất đi, khi một lớp gỉ đồng tối màu xám xì bắt đầu xuất hiện.

Giấy vốn là phát minh của người Trung Hoa, Nhật Bản và thế giới phương Tây cũng tạo ra những phiên bản giấy của riêng mình và thể hiện những khác biệt trong “tỷ lệ” ánh sáng và bóng tối:

Giấy Nhật Bản đem đến cảm giác ấp áp, êm đềm và yên tĩnh. Giấy phương Tây phản chiếu lại ánh sáng còn giấy của chúng ta có vẻ như là thẩm thấu ánh sáng một cách dịu dàng, như là bề mặt mịm màng của lớp tuyết rơi đầu tiên.

Tanizaki xem xét các tiêu chuẩn của thẩm mỹ Nhật Bản trong sự tương phản hoàn toàn với các hệ thống giá trị của phương Tây công nghiệp hóa. Ông chứng minh rằng quan niệm của phương Tây về cái đẹp là một lý tưởng hoàn hảo xa rời với thực tại đời sống trong khi đỉnh cao của mỹ học Nhật Bản bắt nguồn sâu xa từ sự bất toàn của thời điểm hiện tại và mối quan hệ của nó với quá khứ. Phương Tây gắn cái đẹp, cái tích cực và tiến bộ với ánh sáng trong khi phương Đông trìu mến và nâng niu bóng tối và những kết hợp bóng tối và ánh sáng.

Không phải là tôi phản đối những tiện nghi của nền văn minh hiện đại, dù là đèn điện hay lò sưởi hay nhà vệ sinh, chỉ là tôi tự hỏi tại sao lúc ấy họ đã không thể thiết kế chúng với một chút cân nhắc đến những thói quen và sở thích của ta. Nhưng nếu ít như chúng ta đã độc lập, sáng chế những phát minh mang tính thực dụng, điều đó hẳn sẽ có ảnh hưởng sâu sắc tới cách sắp đặt cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của thế giới phương Tây đến Nhật Bản ngày càng trở nên mạnh mẽ vào đầu thời Minh Trị, Tanizaki đặt câu hỏi liệu sự tiến bộ có nhất thiết phải tốt hay không, đặc biệt là khi nó được du nhập từ một nền văn hóa khác. Ông muốn người đọc suy nghĩ về việc nên hay không bảo vệ sự khác biệt hay chấp nhận sự “vay mượn” vốn đồng nghĩa với sự bá chủ của thế giới phương Tây trên bình diện văn hóa. Từ đó, tập tiểu luận mang đến một câu hỏi: Làm thế nào để chúng ta cân bằng giữa việc nắm bắt sự phong phú của các nền văn hóa khác với việc duy trì bản sắc riêng?

Người phương Tây đã có thể tiến từng bước theo trật tự, trong khi chúng ta gặp phải một nền văn minh mạnh hơn nhiều lại phải đầu hàng và buộc phải rời con đường chúng ta đã bước hàng ngàn năm.

Rõ ràng, ẩn sâu trong “Ca tụng bóng tối” có một nỗi buồn và niềm thất vọng khi nhận thấy mỹ học Nhật Bản đang mất dần tiếng nói và tầm quan trọng vì lối sống cũ đã qua đi.

Ngày nay xã hội Nhật Bản nói riêng và phương Đông nói chung đã trở nên “Tây hóa” cao độ, chìm đắm quá nhiều vào sáng ánh sáng nhân tạo, vào việc sao chép một cách có hệ thống các nền văn hóa phương Tây từ âm nhạc, thời trang cho đến công nghệ và ngôn ngữ. Chỉ một thế kỷ rưỡi sau khi ánh sáng điện của Edison ra đời, thế giới chúng ta đang sống, cả phương Đông lẫn phương Tây, đều ngập trong ánh sáng của đèn màn hình máy tính, biển quảng cáo, đèn pha công suất lớn và đối mặt với “nạn” ô nhiễm ánh sáng nghiêm trọng. Khi ánh sáng trở nên trùm phủ thái quá, nó không còn lộng lẫy nữa mà là một biểu tượng của sự nông cạn, thiếu vắng lịch sử và chiều sâu. Đâu rồi những bóng tối trong thời đại của Tanizaki? Trong cuốn sách, ông có kể về một buổi ngắm trăng bị hủy hoại bởi ánh đèn điện trang trí và loa phóng thanh với một nỗi buồn thẳm rằng đánh mất “thế giới bóng tối” này là đánh mất một thứ thiết yếu đối với tinh thần người Nhật.