Sự “hồi sinh” của tòa nhà Vietnam House và biệt thự Phương Nam không chỉ cho thấy sự khéo léo của các chuyên gia phục chế Ý mà còn là những ví dụ rõ ràng về vai trò của khoa học trong việc bảo tồn các di sản văn hóa.


Tiệm "Café and Bar l’Impérial" vào năm 1962. Ảnh:Barry M’s Gallery

Tọa lạc ở góc ngã tư đường Đồng Khởi và Mạc Thị Bưởi (Quận 1, TP.HCM), tòa nhà Vietnam House với lối kiến trúc thời thuộc địa từng là tiệm "Café and Bar l’Impérial" nổi tiếng và cũng là nơi giới doanh nhân tiếng tăm lui tới vào những năm đầu 1900. Tuy nhiên, sau nhiều năm, tòa nhà đã xuống cấp và có một khoảng thời gian bị bỏ không.

Tại sự kiện trực tuyến thuộc khuôn khổ “Ngày thiết kế Ý” do Đại sứ quán Ý tại Việt Nam tổ chức vào cuối tuần trước, ông Massimo Roj, giám đốc điều hành Progetto CMR tại Milan – công ty phụ trách cải tạo Vietnam House – đã chia sẻ về quá trình biến đổi Vietnam House: “Khi được giao cải tạo tòa nhà cổ này, chúng tôi đã quyết định sẽ biến nơi này thành một tòa nhà có công năng tốt hơn, mang lại một diện mạo mới cho nó. Chúng tôi vẫn giữ những yếu tố truyền thống của tòa nhà, nhưng đồng thời cũng mang đến các thiết kế hiện đại, thanh thoát, nhẹ nhàng và phù hợp với bối cảnh xung quanh”, ông mô tả. Giờ đây, Vietnam House đã trở thành một nhà hàng trang nhã giữa con phố sầm uất sau quá trình nỗ lực cải tạo của các chuyên gia Ý.

Trong quá trình thực hiện, nhóm của ông Roj coi khoa học là cơ sở để đưa ra các thiết kế phù hợp. Nhóm đã nghiên cứu những điều kiện tự nhiên, môi trường ở Việt Nam và nhận ra độ ẩm và đặc điểm khí hậu ở Việt Nam sẽ khiến các tòa nhà nhanh chóng xuống cấp. Chính vì vậy, nhóm đã kích hoạt cơ chế thông gió tự nhiên, thiết kế ánh sáng phù hợp, tạo ra những không gian mở để tòa nhà trở nên thoáng hơn.

Cũng là người có kinh nghiệm tham gia trùng tu một công trình kiến trúc ở TP. HCM, chuyên gia phục chế Ý Giacomo Dini, giám đốc kỹ thuật trong dự án trùng tu biệt thự Phương Nam (đường Võ Văn Tần, Quận 3), đồng ý với quan điểm của ông Roj rằng khoa học đóng vai trò quan trọng trong quá trình sửa chữa những tòa nhà.

Biệt thự Phương Nam được xây cách đây hơn 100 năm, và từng thuộc sở hữu của vài đại phú hộ. Trải qua một thời gian dài, biệt thự đã dần xuống cấp. “Khi tôi đến biệt thự Phương Nam lần đầu, nó đã bị hư hỏng rất nhiều. Tuy vậy, ta vẫn có thể nhìn thấy vẻ đẹp pha trộn giữa trường phái Tân Nghệ thuật (Art Nouveau) và nghệ thuật trang trí (Art Deco) từ đầu thế kỷ XX”, ông Dini kể lại ấn tượng đầu tiên của ông khi đến khảo sát tòa nhà.

Theo ông, mục tiêu của nhóm là khôi phục các bức bích họa lâu đời theo trường phái Tân Nghệ thuật đã được bao phủ bởi những lớp thạch cao dày và lớp sơn vecni. Ngay từ khi bắt đầu, ông và các chuyên gia đã thống nhất rằng “khoa học là yếu tố quan trọng để trao lại sức sống cho những tác phẩm này.”

Lớp vôi vữa phủ lên hệ thống tranh tường ở biệt thự Phương Nam. Ảnh: plo

Nhóm đã quyết định áp dụng phương pháp Ferroni – Dini để không gây tổn hại cho các chi tiết trang trí. “Trong giai đoạn đầu của dự án, chúng tôi đã loại bỏ lớp sơn phủ dày bằng cả phương pháp cơ học và hóa học. Ở giai đoạn thứ hai, chúng tôi bắt đầu tiến hành củng cố các lớp sơn gốc ở bên dưới sau khi đã loại bỏ lớp phủ”, ông Dini mô tả. Ngoài ra, ông cũng sử dụng công nghệ laser để làm sạch bề mặt tác phẩm một cách có chọn lọc – quyết định đâu là yếu tố có hại cần loại bỏ, đâu là yếu tố cần được đảm bảo nguyên trạng ban đầu.

Hiện tại, nhóm chuyên gia đang ở giai đoạn ba của dự án, bao gồm tái tạo các chi tiết và lớp màu sắc ban đầu. “Các chi tiết của bức bích họa đang dần thành hình, điều này cho thấy chúng tôi đã đúng khi quyết định áp dụng khoa học vào việc phục chế tòa nhà Phương Nam nói riêng và trong các dự án bảo tồn nói chung”.

Kết nối mạng lưới bảo tồn di sản ở Việt Nam – Ý

Vietnam House và biệt thự Phương Nam không phải là những trường hợp duy nhất - từ lâu, các chuyên gia phục chế Ý đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều dự án bảo tồn di sản khác. Có mặt tại Hội thảo, bà Trần Thị Thu Hương – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ KH&CN, cho biết. có thể kể đến dự án nghiên cứu, khoanh vùng và quản lý Thánh địa Mỹ Sơn hay những khóa học nâng cao về công nghệ kiến trúc của ĐH Bách Khoa Torino dành cho các kiến trúc sư trẻ của Đại học Kiến trúc Hà Nội. Bên cạnh đó, còn có chương trình hợp tác giữa Đại học Ancona và Đại học Khoa học Huế nhằm bảo tồn di sản văn hóa của thành phố; dự án công nghệ khám phá không xâm phạm Hoàng thành Thăng Long do Đại học Bách Khoa Milan và Viện hàn lâm KH&CNViệt Nam phối hợp thực hiện.

Có thể thấy, “hợp tác song phương trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung, bảo tồn di sản và văn hóa nói riêng đã thúc đẩy các bên như trường đại học, học viện, các cơ sở nghiên cứu… cùng nhau tham gia tìm kiếm các giải pháp. Điều này đã tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu Việt Nam, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ, làm việc với các chuyên gia, kiến trúc sư hàng đầu của Ý; từ đó họ có thể nâng cao kỹ năng chuyên môn, rút ra kinh nghiệm để thực hiện các nghiên cứu ngoài thực tế chuyên nghiệp hơn nữa”, bà Hương nói.

Nhà hàng Vietnam House sau khi đã được cải tạo. Ảnh: Vietnam House

Theo bà, chương trình cũng mở ra mạng lưới kết nối giữa các chuyên gia, viện nghiên cứu và đại học hàng đầu của Ý và Việt Nam, và điều này sẽ tiếp tục dẫn đến những cơ hội hợp tác mới đầy tiềm năng trong tương lai. Đơn cử như trong giai đoạn hợp tác KH&CN giữa Ý và Việt Nam 2021 – 2023, sẽ có một dự án nghiên cứu giữa Đại học Bách khoa Marche và Đại học Huế nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Quảng Bình, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. “Cùng với Đại sứ quán Ý tại Hà Nội, chúng tôi sẽ đưa ra các sáng kiến mới để thúc đẩy ứng dụng KH&CN vào bảo tồn di sản trong những năm tới”, bà kết luận.

Đây cũng là mong muốn của Đại sứ Ý tại Việt Nam Antonio Alessandro. Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cách đây hai tháng, ông nhiều lần nhấn mạnh, lĩnh vực bảo tồn di sản chính là thế mạnh của Ý: “Chúng tôi có rất nhiều công nghệ bảo tồn di sản, chẳng hạn như công nghệ bảo tồn, công nghệ phục hồi, công nghệ định giá giá trị kinh tế cũng như giá trị du lịch… Tôi mong rằng bảo tồn di sản sẽ là lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác song phương giữa Ý và Việt Nam.”