Cuốn tiểu thuyết Nghiên cứu sinh của Tố Linh với trải nghiệm thực tế ở những trường đại học Mỹ bắt đầu với những giằng co như vậy trong tâm trí của Ngân, nữ nhân vật chính.
Bối cảnh buồn tẻ của môi trường đại học, lại chỉ quanh quẩn ở một phòng thí nghiệm ngành sinh hóa, dường như đòi hỏi người làm nghiên cứu luôn sống cứng rắn, rành mạch mọi sự. Ngân, một cô gái đến từ Việt Nam, một xã hội vô cùng khác biệt với nước Mỹ, phải chế ngự được những cảm xúc bản thể để biến mình thành một con ốc vít trong cỗ máy nghiên cứu hoành tráng. Nhưng ở đâu cũng cần cảm xúc, kể cả làm khoa học ở nơi nhiều áp lực như phòng thí nghiệm.
Một cách tự nhiên, Ngân - cô gái nghiên cứu sinh - đã tìm thấy niềm vui hằng đêm, khi có một ai đó ân cần viết những mẩu giấy dặn dò chỉ bảo về các công thức thí nghiệm, rồi lại có một bóng hình “quá đẹp để tin là có thật” lướt qua. Đằng sau những mộng mơ hồng phấn là cả những đua tranh khắc nghiệt, những toan tính ở nơi tưởng như chỉ có sự công bằng và tuyệt đối đúng đắn của khoa học soi sáng. Ngân sẽ khẳng định mình thế nào, như một cô nàng ưa tiểu thuyết diễm tình hay cứng rắn chế ngự hoàn cảnh nhiều khắc khoải cô đơn?
Nhưng Tố Linh mượn cái vỏ một câu chuyện tình xảy ra ở phòng thí nghiệm để nói về những câu chuyện khác… Đó là sự vô hạn của nghiên cứu, sự hữu hạn của khả năng con người để vượt qua những rào cản trong chính tư duy của mình, vượt qua cả những định kiến về cái gọi là chân lý trong khoa học.
Tác giả Tố Linh trong buổi giao lưu về du học với sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, 8/11/2018. Ảnh: Trương Quý
Câu chuyện bắt đầu với những mộng mơ, hiểu lầm khi Ngân tưởng rằng chàng trai đẹp hấp dẫn gặp tình cờ trong lab chính là người bí ẩn biệt danh Cú Đêm đã bí mật giúp cô làm thí nghiệm… để rồi cô nàng bối rối giữa hai chàng trai, cũng như bối rối giữa hai dòng nước, tiếp tục nghiên cứu trong vô vọng hay thoát ra khỏi sự chật hẹp của cuộc đời nghiên cứu giữa bốn bức tường? Tiểu thuyết lôi cuốn với không khí đua tranh khoa học và những hé mở về đời sống nghiên cứu hàn lâm của những nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước Mỹ, vốn là niềm ước mơ chinh phục đỉnh cao học vấn của biết bao chàng trai cô gái Việt Nam.
Tố Linh trong nhiều trả lời đã nói nhân vật chính không phải là mình, cho dù thừa nhận lấy chất liệu đời sống của mình khi làm nghiên cứu sinh tại Đại học Missouri. Linh nói, “mình không phải là nhân vật vì khi viết về nhân vật, mình có xu hướng cải biến và đứng khách quan nhìn vào nhân vật ấy”.
Với ý thức như vậy, Linh chọn cách viết chân phương, có chút dí dỏm, bộc lộ một sự thông minh trong làm chủ ngôn ngữ. Đọc Nghiên cứu sinh (Nxb Trẻ 2018), không khó nhận ra Tố Linh đang mượn câu chuyện này để kể về hội chứng Marfan - một rối loạn di truyền hiếm của mô liên kết có ảnh hưởng đến xương, tim mạch, và mắt - từ góc nhìn trong cuộc của người nghiên cứu, cho tới cuộc sống của người bệnh và gia đình họ. Những khoảnh khắc hài hước và cảm động cân bằng lẫn nhau, để câu chuyện về khoa học và bệnh tật không trở nên nặng nề, khô khan.
Viết về đời sống du học nước ngoài, nếu nhắm tới giới trẻ, thường có xu hướng gây ấn tượng về một đời sống thần kỳ với hoa thơm cỏ lạ hấp dẫn, hoặc ngược lại, khai thác những sự u uất căng thẳng và sự cô độc khi trải qua đằng đẵng nhiều năm xa nhà. Nghiên cứu sinh của Tố Linh không sa vào hai hướng đó.
Cuốn tiểu thuyết đem lại một cảm giác về sự chấp nhận thực tại như vốn có, bình tĩnh ôn tồn nếm trải những thách thức, như việc chẳng biết nghiên cứu có đi đến đâu, hay sự gian dối của một vài vị giáo sư hám danh, việc là một người từ một nước kém phát triển có quyền được bình đẳng trong phát ngôn khoa học không... Tất cả khiến cho cuốn sách sinh động với sức hấp dẫn của thành quả văn chương đầu tay.
Không thần thánh hóa công việc nghiên cứu hàn lâm, nhưng cũng không dễ dãi thuần túy kể một vài tình huống thú vị, cuốn sách gợi mở về sự chuẩn bị cho cuộc sống, nhất là với những bạn trẻ muốn dấn thân vào con đường khoa học.