Hơn một năm qua, nồng độ khí nhà kính, đặc biệt là CO2 trong bầu khí quyển của Trái Đất đã đạt mức kỷ lục và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo Quartz, nồng độ CO2, metan và oxit nitơ tăng cao trong bầu khí quyển đã và đang là nguyên nhân gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Một báo cáo mới đây của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) thuộc Liên Hợp Quốc chỉ ra, nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển đang đạt mức đỉnh điểm.
Ba loại khí này là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Nhưng điều đáng buồn là chúng ngày một gia tăng và không có dấu hiệu đảo ngược. Hệ quả tương lai sẽ là băng ở hai cực tan dần do Trái Đất nóng lên khiến nước biển dâng lên. Hiệu ứng nhà kính cũng là nguyên nhân gián tiếp làm axit hóa đại dương và kèm theo đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Ông Petteri Taalas, tổng thư ký WMO chia sẻ: "Lần cuối Trái Đất trải qua tình trạng CO2 tương đương hiện nay đó là khoảng 3-5 triệu năm trước, khi nhiệt độ Trái Đất cao hơn 2-3 độ C và mực nước biển cao hơn từ 10-20 mét so với bây giờ".
Lượng CO2 trong khí quyển đã tăng lên mức kỷ lục là 405,5ppm (phần triệu) hồi 2017, tăng nhẹ từ mức 403,3ppm hồi năm 2016 và 400ppm vào năm 2015. Cũng trong giai đoạn 2015-2016, lượng CO2 tăng vọt vì hiện tượng El Nino khiến khu vực nhiệt đới bị hạn hán nghiêm trọng, dẫn tới cháy rừng và phát thải CO2, trong khi thảm thực vật và rừng tại các vùng đất khác không đủ sức hấp thụ số CO2 phát thải ra.
Nồng độ khí metan trong khí quyển hiện đã cao hơn gấp 2,5 lần so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, còn khí oxit nitơ, một trong những chất khí nguy hiểm làm Trái Đất nóng lên và phá hủy tầng ozon cũng đã cao hơn 20%.
Một số khí nguy hiểm khác như CFC-11 cũng đang bị phát thải trộm và có thể ảnh hưởng rất lớn tới khả năng phục hồi của tầng ozon trong tương lai. WMO cho biết, tác động hiệu ứng nhà kính đã tăng 41% kể từ năm 1990. Trong đó, CO2 chiếm tới 82% lượng khí nhà kính.
Taalas khẳng đinh: "Nếu không có sự chung tay và nỗ lực cắt giảm triệt để lượng CO2 và khí nhà kính khác, biến đổi khí hậu sẽ ngày một khủng khiếp và không thể đảo ngược được. Lúc đó sự sống trên Trái Đất sẽ bị đe dọa. Cánh cửa cơ hội cho mọi hành động gần như đã sắp đóng lại".
Báo cáo của WMO chỉ là một phần trong rất nhiều tiếng nói của các nhà khoa học gửi tới lãnh đạo các nước. Hồi năm ngoái, ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) đã đưa ra cảnh báo hết sức quyết liệt rằng, thế giới phải chuyển mình mạnh mẽ theo cách chưa từng có thì mới có thể giúp giữ nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học cảnh báo, thế giới phải cố giữ được mục tiêu 1,5 độ C càng sớm càng tốt ngay từ năm 2040. Nếu để vượt qua mốc 2 độ C, hậu quả sẽ rất thảm khốc.
CO2 và các loại khí nhà kính khác sẽ tích lũy trong khí quyền hàng trăm năm và trong đại dương thậm chí còn lâu hơn. Do đó ưu tiên hàng đầu là cắt giảm CO2.
Tổng thư lý WMO Elena Manaenkova khẳng định, không có "cây đũa thần" nào đủ sức phù phép biến tất cả lượng CO2 tồn dư thoát ra khỏi bầu khí quyển. Nhưng nếu có cách nào để giảm lượng CO2 và hạ xuống ngưỡng an toàn thì con người có thể làm được. Hiện có rất nhiều công ty công nghệ trên thế giới đang nghiên cứu cách hút và giữ CO2 trong khí quyển.
Giới lãnh đạo thế giới sẽ cùng gặp nhau tai Ba Lan vào tháng 12 tại hội nghị COP24. Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc sẽ là nơi để các chính trị gia, nhà hoạt động môi trường nói lên tiếng nói công tâm nhất cho sự tồn vong của Trái Đất. Sự kiện sắp tới cũng sẽ là nơi trao đổi các nội dung xoay quanh Hiệp định khí hậu Paris và tìm kiếm những giải pháp cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ khí hậu.
Mỹ hiện là cường quốc phát thải khí nhà kính duy nhất đơn phương rút khỏi Hiệp định Paris vì cho rằng, các điều khoản có thể phương hại đến lợi ích kinh tế của nước Mỹ.