Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa đánh giá về khả năng chống chịu bất ổn tài chính của Việt Nam dựa trên bảy dấu hiệu rủi ro đặc trưng của một cuộc khủng hoảng tài chính.

Năm 2020, hệ thống tài chính Việt Nam phải chống chịu với những rủi ro toàn cầu | Ảnh: https://doanhnhansaigon.vn/
Năm 2020, hệ thống tài chính Việt Nam phải chống chịu với những rủi ro toàn cầu | Ảnh: Doanhnhansaigon

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết, xu hướng vay nợ nhiều do lãi suất thấp thời gian qua cộng với suy thoái kinh tế toàn cầu do tác động bởi đại dịch Covid-19 khiến Chính phủ các nước phải bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế, dẫn đến các rủi ro tài chính toàn cầu - nhất là bong bóng nợ và bong bóng tài sản - đang tăng lên.

Mặc dù nhận diện được điều này nhưng chính phủ các nước buộc phải tiếp tục cung cấp các gói hỗ trợ và chấp nhận những nguy cơ do thâm hụt ngân sách, nợ công và nợ xấu tăng. WB, IMF đánh giá bất ổn tài chính toàn cầu năm 2020 là “khác biệt nhất so với các cuộc khủng hoảng tài chính lịch sử” với mức độ không chắc chắn cao nhất, phạm vi diễn ra rộng và khả năng kéo dài chưa biết được hồi kết.

Do hiện nay quy mô thị trường tài chính của Việt Nam tương đương 366,3% GDP, tác động của các rủi ro tài chính toàn cầu đối với Việt Nam là không nhỏ. Đối chiếu với 7 dấu hiệu rủi ro đặc trưng chung của gần 400 cuộc khủng hoảng tài chính trong giai đoạn 1970-2007, các nhà nghiên cứu ở Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (BTRI) đã cố gắng đánh giá mức độ nguy hiểm mà hệ thống tài chính Việt Nam phải đối mặt.

Nguy cơ “bom nợ”: cấp độ 3/6

Báo cáo cho rằng rủi ro nợ công và thâm hụt ngân sách của Việt Nam tăng nhanh, song thấp hơn nhiều so với các nước mới nổi và trong tầm kiểm soát. Hai con số này ước tính lần lượt khoảng 55 – 57% và 5% so với GDP chưa đánh giá lại; còn so với mức GDP mới điều chỉnh, các con số này có thể giảm khoảng 10 điểm phần trăm - theo TS. Cấn Văn Lực.

Tuy nhiên, ông cảnh báo, áp lực trả nợ của Việt Nam ngày càng tăng (từ 23% lên 25% so với thu ngân sách) trong điều kiện tăng trưởng GDP và các nguồn thu ngân sách có xu hướng giảm.

Nguy cơ đảo chiều vốn ngoại: cấp độ 2/6

Mặc dù khoảng 808 triệu USD vốn đầu tư gián tiếp đã rút khỏi thị trường chứng khoáng Việt Nam trong năm qua và xu hướng này có thể còn tiếp diễn, song mức rủi ro không đáng lo ngại như mức rút 2-30 tỷ USD ở các thị trường mới nổi thuộc các nước Châu Á, Châu Mỹ La tinh và Châu Phi khác.

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và triển vọng tích cực của nền kinh tế, Việt Nam đang có lợi thế để thu hút đầu tư mới một cách có chọn lọc.

Rủi ro biến động thị trường chứng khoán và bất động sản: cấp độ 3/6

Mặc dù thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự sụt giảm khá mạnh (tháng 3, 7 và 8/2020 so với đầu năm) song gần đây đã phục hồi mạnh: VNIndex và tăng 14,4% so với đầu năm, HNXIndex thậm chí tăng 77,5%. Thị trường bất động sản cũng giảm mạnh nhưng mức độ sụt giảm không lớn như giai đoạn 2008-2009.

Nhóm nghiên cứu nhận định, mặc dù chu kì phục hồi của các thị trường này có thể kéo dài hơn dự kiến trong 2 năm tới, nhưng sẽ tăng trưởng bền vững hơn trong trung – dài hạn. Với những bước tiến về thể chế, công nghệ, quy mô thị trường, mức độ chuyên nghiệp, năng lực hệ thống quản lý - giám sát, họ kì vọng các thị trường này sẽ bứt phá vào giai đoạn 2022-2025.

Rủi ro giảm giá nội tệ: cấp độ 2/6

Áp lực giảm giá VND không lớn như nhiều thị trường mới nổi. Nhìn chung trên thế giới, do đồng USD có xu hướng yếu đi nên nhiều loại tiền tệ khác ít bị ảnh hưởng, chủ yếu chỉ ảnh hưởng mạnh với một số đồng tiền châu Mỹ La tinh.

Dự báo mức giảm giá VND so với USD sẽ không quá 0,2% cả năm 2020 và khoảng 1-1,5% năm 2021. Rủi ro mất giá sẽ không lớn như những năm 2008, 2011 với mức mất giá gần 10%. Tuy nhiên, báo cáo vẫn khuyến nghị tiếp tục tăng cường dự trữ ngoại hối và nâng cao năng lực điều hành tỷ giá để góp phần ổn định vĩ mô.

Rủi ro nợ xấu: cấp độ 3/6, có thể tăng lên cấp độ 4/6

Trong khi thế giới đang ở mức rủi ro cao thì nợ xấu của hệ thống tài chính của Việt Nam đang ở mức trung bình khá và có nguy cơ tăng lên mức khá.

Nếu hạch toán đầy đủ các khoản giảm thu từ lãi và các khoản hỗ trợ do cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng rủi ro khi Thông tư 01 hết hiệu lực, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3% cuối năm 2020 (so với mức 1,89% cuối năm 2019) và nợ xấu gộp lên tới khoảng 5% cuối năm 2020 (so với mức 4,65% cuối năm 2019). Con số này có thể tiếp tục duy trì trong năm 2021.

Thu nhập của các ngân hàng thương mại có thể bị giảm 15-20% trong 2020-2021. Tuy sức chống chịu của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tốt hơn khi càng nhiều ngân hàng đáp ứng được tiêu chuẩn Basel II, nhưng nó cũng cần phải cải thiện hơn nữa trong quá trình số hóa diễn ra trong vòng một vài năm tới để đạt ngưỡng an toàn tốt hơn.

Rủi ro thể chế không theo kịp sự phát triển của thị trường tài chính: cấp độ 2/6

Các chuyên gia đánh giá rằng những bước tiến về thể chế đã góp phần nâng cao sức chịu đựng của nền kinh tế và hệ thống tài chính Việt Nam, nổi bật là hệ thống luật chuyên ngành đang được chuẩn hóa, hoàn thiện theo thông lệ quốc tế; hình thành được mạng lưới an toàn tài chính và nâng cao năng lực quản trị rủi ro theo hướng chủ động.

Trong bối cảnh Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, TS. Cấn Văn Lực bày tỏ hi vọng trong thời gian ngắn tới, các hành lang pháp lý khác như Luật Ngân hàng nhà nước, Luật Tổ chức tín dụng và các quy định thử nghiệm Sandbox cho Fintech sẽ sớm được sửa đổi hoặc hoàn thiện.

Rủi ro tội phạm tài chính ngân hàng: cấp độ 3/6

Báo cáo nhận định rằng đây là vấn đề “khá thách thức”. Theo Báo cáo, 8 tháng đầu năm 2020 của công ty an ninh mạng Viettel, 90% trong số 3 triệu vụ cảnh báo tấn công mạng mà họ quản lý là nhắm đến hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam.

Mặc dù triển khai nhiều giải pháp và dần làm chủ được tới 90% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn an ninh mạng, nhưng các thách thức về thể chế, năng lực tổ chức quản lý; lỗ hổng bảo mật; lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng dự báo còn sẽ tiếp tục tăng.

Đánh giá mức độ rủi ro bất ổn tài chính 2020 | Dữ liệu từ báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV | Biểu đồ: KHPT
Đánh giá mức độ rủi ro bất ổn tài chính 2020 | Dữ liệu từ báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV | Biểu đồ: KH&PT

Về tổng thể, hệ thống tài chính tiền tệ của Việt Nam hiện ở cấp độ rủi ro trung bình khá 3/6, tức có thể biến động từ 10-30% so với thông thường.

Tham khảo báo cáo phân tích đầy đủ về rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu và Việt Nam năm 2020 tại đây.