Các nhà khoa học Mỹ vô tình phát hiện loại hoóc môn sinh dục nữ có khả năng giảm thiểu nguy cơ tử vong cho thương binh bị mất nhiều máu.

keo-dai-su-song-cho-thuong-binh-bang-hooc-mon-sinh-duc-nu

Kể từ năm 2001 đến 2011, hơn 80% binh lính Mỹ tử vong do mất máu sau khi bị thương. Ảnh: Armend Nimani.

Theo Huffington Post, các nhà nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của Tiến sỹ Irshad Chaudry, Đại học Alabama ở thành phố Birmingham (UAB), bang Alabama, Mỹ, tình cờ phát hiện loại hoóc môn sinh dục nữ có khả năng kéo dài sự sống cho thương binh bị mất nhiều máu. Mỗi binh lính có thể mang theo một ống tiêm nhỏ chứa hoóc môn này và tự tiêm khi cần.

Năm 1997, khi đang nghiên cứu cơ chế nhiễm trùng gây hoại tử nhiều bộ phận cơ thể dẫn đến tử vong trên chuột, Chaudry và đồng nghiệp nhận được thùng hàng chứa toàn chuột cái, thay vì chuột đực. Ông quyết định thử nghiệm trên chuột cái và kết quả thu được sau 19 năm nghiên cứu thật bất ngờ: một nhóm chuột cái có khả năng tự kháng khuẩn mà không cần điều trị nhờ một loại estrogen do cơ thể chúng tiết ra.

Chaudry và đồng nghiệp nhận thấy một lượng estrogen 17β-estradiol (E2) khi tiêm vào cơ thể chuột đực và cái có thể bảo vệ chúng chống lại nhiễm trùng, dù chúng đang ở giai đoạn nào của chu kỳ động dục. Loại estrogen này tác động đến hệ thống miễn dịch và phản ứng của hệ tim mạch, thường suy giảm mạnh khi bị tổn thương.

Họ tiếp tục thử nghiệm E2 với trường hợp mất máu. Kết quả là, chỉ cần một liều estrogen tổng hợp EE-3-SO­4 cũng giúp kéo dài sự sống thêm ba tiếng đồng hồ mà không cần thuốc hồi sức dạng lỏng, và lâu hơn nều dùng thêm dung dịch này sau ba tiếng đó.

Nghiên cứu này giúp họ chiến thắng cuộc thi do Trung tâm Dự án Nghiên cứu Cao cấp Quốc phòng Mỹ (DARPA) tổ chức năm 2005 nhằm tìm ra loại thuốc có khả năng giúp binh lính cầm cự thêm 6 giờ đồng hồ sau khi mất máu ở mức độ có thể gây tử vong. Đồng thời, họ nhận được hợp đồng trị giá 10 triệu USD từ Bộ Quốc phòng Mỹ để thử nghiệm lâm sàng loại hoóc-môn này.

"Nghiên cứu của tiến sỹ Chaudry và đồng nghiệp cho thấy EE-3-SO­4 cực kỳ hữu hiệu trong việc cải thiện chức năng của hệ tuần hoàn và tăng tỷ lệ sống sót sau khi mất máu nghiêm trọng", Mansoor Saleh, chuyên viên cao cấp ở UAB cho biết.

"Loại thuốc này có thể ứng dụng hiệu quả vào việc điều trị tổn thương do mất máu nghiêm trọng. Chúng tôi rất phấn khích khi sắp được thử nghiệm loại thuốc này trên người".

Theo Saleh, loại thuốc này không ngăn chảy máu nhưng giúp cơ thể phản ứng lại với việc mất máu bằng cách huy động cùng một lúc nhiều cơ chế sinh lý học.

"Một phần thử thách của cúng tôi là phải tìm hiểu xem EE-3-SO­4 phát huy tác dụng kỳ diệu của nó như thế nào", Saleh nói.

"Chúng tôi hình dung ra một liều thuốc có thể được tiêm ngay tại chiến trường, giúp bệnh nhân cầm cự lâu hơn trong khi chờ được vận chuyển đến cở sở y tế để chữa trị. Vấn đề quan trọng là phải duy trì được lượng máu lên não và các bộ phận cơ thể quan trọng khác khi bệnh nhân đang bị mất máu".

Loại thuốc này có ba tác dụng. Nó giúp tim đập nhanh hơn, co bóp tốt hơn để tối đa hóa lượng máu bơm đi khắp cơ thể. Nó cũng giảm tác nhân gây cản trở dòng máu đến các bộ phận quan trọng trong cơ thể và tăng dần huyết áp toàn thân. Đồng thời, nó tập hợp chất dịch từ các mô xung quanh nhằm tăng lượng máu để bù đắp cho lượng máu bị mất đi.

Việc thử nghiệm EE-3-SO­4 lên con người cần nhiều thời gian và không ai có thể chắc chắn rằng nó đem lại kết quả tốt, Saleh nói. Tuy nhiên, nếu kết quả thu được đúng như mong muốn, thì loại thuốc này có thể đem lại thay đổi lớn trong cách chăm sóc bệnh nhân bị chấn thương.

"Loại thuốc như thế này sẽ có tác dụng rất lớn", Jeffrey Kerby, giám đốc Trung tâm Điều trị Chấn thương, Bỏng và Phẫu thuật thuộc UAB, đồng thời là cựu phẫu thuật viên của Không quân Mỹ, nói.

"Nó không chỉ giúp cứu sống binh lính trên chiến trường mà còn là công cụ quan trọng giúp cán bộ y tế kịp thời đối phó với bất kỳ loại tổn thương nào", ông Kerby đánh giá.