Dù nhóm nghiên cứu từ trường Đại học Y Dược, ĐHQG Hà Nội đã có trong tay nhiều giải pháp điều chế hỗn hợp cao chiết từ các loại dược liệu thiên nhiên để hỗ trợ điều trị bệnh nhưng để thương mại hóa các giải pháp đó còn cả một chặng đường dài phía trước.

PGS. TS Bùi Thanh Tùng.
PGS. TS Bùi Thanh Tùng.

Dân gian Việt Nam đã sử dụng nhiều bài thuốc từ các cây dược liệu để chữa bệnh. Ví dụ theo Đông y, cây dây gắm (Gnetum montanum) được cho là có thể giải trừ bệnh thống phong hay còn gọi là bệnh gout. Nguyên nhân của bệnh này là do thận bị rối loạn chuyển hóa, không thể lọc axit uric trong máu khiến những tinh thể axit uric tập trung lại ở khớp, gây sưng tấy và đau đớn cho bệnh nhân. Để trị bệnh, người ta thường thái nhỏ phần rễ gắm và đun nước uống. Cũng có khi, người ta trộn thêm với một vài loại cây khác để tăng hiệu quả, theo nguyên tắc “quân (vị chủ), thần (vị hỗ trợ), tá (bổ trợ hoặc điều chỉnh), sứ (vị thuốc dẫn)”.

Tuy nhiên, theo PGS. TS Bùi Thanh Tùng (Phó trưởng Khoa Dược, Trưởng bộ môn Dược lý, trường Đại học Y Dược, ĐHQG Hà Nội), tác dụng của việc đun nước uống có thể hạn chế vì “nhiều hoạt chất có tác dụng lại không tan trong nước nên không tách ra được”. Còn nguyên tắc kết hợp nhiều vị của dân gian thường chỉ dựa trên cảm nhận và kinh nghiệm dân gian, không có đánh giá khoa học, nên “chưa đảm bảo chiết tối ưu các thành phần hoạt chất”.

Ngày nay đã có những phương pháp để điều chế dược liệu, không chỉ tận dụng kho tàng các vị thuốc dân gian mà còn tinh chỉnh chúng. Với bài thuốc điều trị bệnh gout nói trên, PGS. TS Bùi Thanh Tùng phối trộn thêm cây nở ngày đất (Gomphrena celosiodes) có khả năng hạ axit uric trong máu, đồng thời có một số thành phần khác như flavonoid và saponin giúp giảm đau. Thay vì đun nước uống, phương pháp bào chế của PGS. TS Bùi Thanh Tùng tạo ra một dạng cao chiết – về cơ bản là sử dụng một loại dung môi để ngâm rồi lọc và sấy để thu hồi được các hoạt chất có lợi của dược liệu. Công thức điều chế cao chiết từ dây gắm và nở ngày đất của PGS. TS Bùi Thanh Tùng đã thử nghiệm và chứng minh hiệu quả trên chuột và đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng giải pháp hữu ích vào năm 2023.

Đây mới chỉ là một trong nhiều giải pháp từ bài thuốc dân gian của PGS. TS Bùi Thanh Tùng. Trong sáu năm qua, anh cùng nhiều cộng sự đã tham gia điều chế thành công tám hỗn hợp cao chiết được bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó nhiều giải pháp điều trị các bệnh mãn tính phổ biến ở Việt Nam. Chẳng hạn, anh có ba chế phẩm đều có tác dụng điều trị bệnh đái tháo đường là hỗn hợp bào chế thuốc từ lá mít, lá ổi, lá xoài, cao chiết từ chè đắng, mướp đắng và lá cây xấu hổ, cây giảo cổ lam và cây sen. Riêng hỗn hợp lá mít, lá ổi, lá xoài còn có thêm chức năng kiểm soát lipit máu.

Cây dây gắm được cho là có thể giải trừ bệnh gout.
Cây dây gắm được cho là có thể giải trừ bệnh gout.

Các chế phẩm này đã được thử nghiệm và đánh giá hiệu quả trên chuột và cho thấy hiệu quả điều trị tốt. Một trong những điểm khó nhất trong khi điều chế các sản phẩm này đó là lựa chọn dung môi để tách chiết. Cồn ethanol là một dung môi rất phân cực, mặc dù lí tưởng để “rút kiệt” các hoạt chất trong dược liệu, nhưng có nhược điểm là hòa tan những chất mang độc tính nên nhóm của PGS. TS Bùi Thanh Tùng thường phải có thêm nhiều bước đánh giá độ an toàn của sản phẩm trên động vật trong phòng thí nghiệm.

PGS. TS. Bùi Thanh Tùng kỳ vọng các hỗn hợp cao chiết này có thể góp phần phát triển các nguồn dược liệu ở Việt Nam và mang lại thu nhập tốt hơn cho người trồng. Nhưng để các chế phẩm này có thể trở thành sản phẩm trên thị trường còn là một chặng đường dài phía trước.

Thông thường, có hai cách để những bài thuốc đã được “chuẩn hóa” đến tay người dùng, đó là trở thành thực phẩm chức năng và thuốc. Nhóm của PGS. TS Bùi Thanh Tùng mong muốn đưa các nghiên cứu của mình trở thành thuốc, nhưng điều đó hiện vẫn là mục tiêu khá xa vời. Đó là bởi con đường này đòi hỏi quá trình thử nghiệm lâm sàng trên người, kéo dài bốn pha, liên quan tới hàng trăm, có khi đến hàng nghìn người tình nguyện tham gia để kiểm tra mức độ an toàn và hiệu quả. Quá trình này có thể kéo dài hàng năm, trải qua nhiều bước đánh giá và thủ tục hành chính từ nhiều cơ quan trong Bộ Y tế và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia. Nó không chỉ đòi hỏi khoản đầu tư lớn mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và phức tạp khi bất kì sự cố bất lợi nào cũng có thể khiến Bộ Y tế trì hoãn hoặc dừng quá trình cấp phép giữa chừng. Lựa chọn làm thực phẩm chức năng có phần khả thi hơn, và nhiều nơi coi đây như một “bước đệm” trước khi có thể đăng ký thuốc, nhưng vẫn là một bài toán khó về chi phí sản xuất hay kênh phân phối sản phẩm.

Để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu Lý tưởng nhất, dĩ nhiên là tìm được doanh nghiệp đồng hành với nhóm nghiên cứu. Nhưng, theo PGS. TS Bùi Thanh Tùng, mặc dù ĐHQG Hà Nội cũng rất quan tâm và hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trong trường thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu thông qua Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, nhưng việc kết nối được với các doanh nghiệp cũng không dễ dàng. Có một khoảng trống giữa khối doanh nghiệp và hàn lâm, khiến khối doanh nghiệp thường dựa vào bộ phận R&D trong công ty để phát triển sản phẩm theo đúng nhu cầu của họ mà ít khi tìm đến các viện, trường. Vướng mắc này khiến đa số giải pháp của PGS. TS. Bùi Thanh Tùng và các cộng sự mới chỉ dừng ở mức “cho thấy tiềm năng sử dụng làm nguyên liệu bào chế thuốc điều trị”.

Để chuyển hóa tiềm năng thành sản phẩm, PGS. TS Bùi Thanh Tùng đề xuất “giải pháp tốt nhất” là đẩy mạnh cơ chế trường đại học nhận đơn đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể đặt hàng nhóm nghiên cứu những đề tài nghiên cứu rất cụ thể, sau khi nhóm nghiên cứu phát triển được giải pháp và chứng minh tính hiệu quả thì doanh nghiệp sẽ bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất hàng loạt.

Bài đăng KH&PT số 1321 (số 49/2024)