Nhìn thấy cơ hội cho các nền tảng sự kiện trực tuyến trong tương lai, Ivenue - một startup mới thành lập năm 2020, đã không ngần ngại bước vào thị trường và nỗ lực tạo ra sự khác biệt.
Bước vào thị trường có sẵn
Trong đại dịch Covid, các công ty khởi nghiệp về nền tảng tổ chức sự kiện trực tuyến đã sinh sôi nảy nở khi mọi hoạt động như học tập, biểu diễn, triển lãm, gặp gỡ, hội thảo đều phải chuyển lên Internet. Giữa các công ty đó, Zoom đã nổi lên như một hiện tượng và phổ biến đến mức “Zoom” trở thành từ đồng nghĩa với “họp trực tuyến”. Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn chỗ cho nhiều công ty khác khai thác. Ivenue, một startup chưa đầy năm tuổi, có trụ sở tại Hà Nội, là một trong số đó.
Nguyễn Thế Bảo, đồng sáng lập Ivenue và là người phụ trách công nghệ của công ty, nói với Khoa học & Phát triển rằng anh hình dung ra con đường của Ivenue khi đang điều hành trung tâm đào tạo công nghệ thông tin 4 năm tuổi của mình. Anh nhận thấy có rất nhiều cơ sở đào tạo tương tự cũng muốn chuyển đổi số nhưng không biết làm thế nào.
“Tôi đã khảo sát trên 80 lãnh đạo, giám đốc marketing ở các trung tâm từ Bắc vào Nam, và thấy rằng vấn đề chung của họ là rất giỏi chuyên môn nhưng không nắm bắt được nhiều về nền tảng công nghệ. Tuy vậy, họ có nhu cầu tạo ra được một website dạy học, trên đó hỗ trợ những tính năng mà một lớp học thông thường cần có – bao gồm dạy trực tiếp hoặc qua video có sẵn, lấy phản hồi của học viên, tạo bài kiểm tra và chấm bài tự động”, Thế Bảo chia sẻ.
Là người làm công nghệ đồng thời cũng làm giáo dục, anh xem xét Zoom trên nhiều khía cạnh để rút kinh nghiệm và học hỏi. Anh nhận thấy việc học thông qua nền tảng này giống như ‘dự thính’ một sự kiện và không dễ để học sinh có thể làm các bài tập. Ivenue nghĩ rằng nền tảng của mình phải tạo ra một không gian học tập có sự tương tác tốt hơn.
Do vậy, bên cạnh khả năng phát video trực tiếp, Ivenue đã thiết lập nhiều tính năng về tương tác người dùng. “Trên màn hình mỗi lớp học sẽ có nhiều ‘cửa sổ’, mỗi ‘cửa sổ’ là một công cụ khác nhau, chẳng hạn như kênh media mà giảng viên đang trình bày, slide thuyết trình của họ, hồ sơ về diễn giả, danh sách tư liệu học tập, bảng khảo sát, câu hỏi trắc nghiệm và mục hỏi đáp”, Nguyễn Thế Bảo mô tả.
Nói một cách khác, nền tảng sẽ biến những tương tác của học viên thành dữ liệu để phản hồi về hiệu quả học tập. Bằng cách này, giảng viên có thể đánh giá được người học của mình và biết từng người đang gặp khó khăn gì. Các luồng thông tin phản hồi này rất quan trọng trong quá trình học online hoặc học hỗn hợp (blended) khi mà người dạy và người học không thể tiếp xúc trực tiếp với nhau.
Mặt khác, nền tảng này cũng rất linh hoạt. Nó tạo điều kiện cho bất cứ ai, từ bất kì vùng miền nào trên tổ quốc cũng có thể tạo ra các lớp học, sự kiện phát trực tiếp với tính tương tác cao. “Về một mặt nào đó, chúng tôi đang góp phần hỗ trợ chuyển đổi số cho giáo dục”, Thế Bảo khẳng định.
Ivenue hiện cho phép lên đến 10.000 người dùng cùng một lúc, với mục tiêu 100.000 người dùng vào cuối năm 2022.
Tích hợp nhiều tính năng trên nền tảng
Ivenue là sản phẩm tâm huyết của một đội ngũ với hơn 10 kỹ sư đã có nhiều kinh nghiệm lập trình và từng làm việc ở những tập đoàn lớn. Do vậy, họ có thể dễ dàng thiết kế được các tính năng và cải tiến sản phẩm theo quy trình chuẩn. Điều đáng ngạc nhiên nhất mặc dù có rất nhiều đối thủ ở trong nước nhưng không đối thủ nào hoàn toàn giống họ.
Thế Bảo chia sẻ rằng “mỗi dòng tính năng của Ivenue đều có một vài đối thủ khác nhau chuyên về mặt đó”, chẳng hạn như Zoom tập trung vào livestream; TicketBox, Kyna chuyên về công cụ tìm kiếm sự kiện; Hachium chuyên về tạo giáo trình e-learning hay Topica chuyên về tổ chức các lớp học. Tuy nhiên, về tổng thể, thị trường Việt Nam chưa có bên nào tích hợp đầy đủ các tính năng tương tác đa dạng như vậy.
Nhìn ra ngoài phạm vi Việt Nam, Nguyễn Thế Bảo thấy hiện tại chỉ có Hopin, một startup kỳ lân có trụ sở tại London và có mô hình kinh doanh gần như tương tự, là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất cần dè chừng. Mặc dù lo ngại, họ cũng muốn nắm bắt thời cơ.
“Hiện nay Hopin đang hoạt động chủ yếu ở châu Âu, và có thể gặp khó khăn nếu muốn bước chân sang thị trường Đông Nam Á hoặc Việt Nam vì cần có thời gian thích nghi với các đặc tính bản địa. Do vậy, chúng tôi muốn nhanh chóng triển khai sản phẩm của mình”, Thế Bảo bộc bạch.
Năm 2021, Ivenue đã bắt đầu thử nghiệm các tính năng với ba trung tâm đào tạo, mỗi trung tâm có từ 60-100 lượt người truy cập mỗi ngày và nhận được phản hồi tích cực. Theo kế hoạch, startup này sẽ triển khai nền tảng ở Hà Nội và TP.HCM trong năm sau và tìm cách mở rộng ra toàn quốc và xâm nhập một nước tại Đông Nam Á vào năm tiếp theo.
Nguyễn Thế Bảo thừa nhận rằng một khi phát triển, Ivenue sẽ rất khó tránh khỏi bị sao chép nền tảng công nghệ. Tuy nhiên họ đã phát triển một hướng đi để tạo bệ đứng vững chắc hơn, đó là xây dựng các đối tác trung thành.
“Trong giáo dục thì việc cạnh tranh chủ yếu sẽ là về nội dung. Ai có các diễn giả, khóa học và tài liệu chất lượng hơn, người đó sẽ thu hút được nhiều học viên hơn. Do vậy, Ivenue đang tìm cách ký kết hợp đồng độc quyền với các trung tâm đào tạo và giảng viên uy tín để họ cam kết chỉ dạy trên nền tảng của mình trong ít nhất một vài năm, từ đó giúp chúng tôi gia tăng lượng người dùng”, Thế Bảo nói.
Nhờ kinh nghiệm điều hành một trung tâm đào tạo, đội ngũ sáng lập của Ivenue có thể tiếp cận đến những trung tâm đào tạo tương tự. Startup này cũng đang tìm cách bắt tay với một số đối tác, bao gồm các viện nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Hà Nội - cái nôi của những giảng viên uy tín về công nghệ kỹ thuật; Minet - nền tảng tiếp thị qua người có ảnh hưởng ở Đông Nam Á Minet và một số chuyên gia về khởi nghiệp để đưa những lớp học liên quan đến lĩnh vực sale, marketing, tài chính, công nghệ và vận hành lên nền tảng. Startup này muốn biến nền tảng của mình thành một kho sự kiện trực tuyến khổng lồ mà mọi người có thể tìm kiếm những khóa học mong muốn.
Để hỗ trợ cho những giảng viên giữ được bản quyền nội dung bài giảng của mình, các nhân sự công nghệ của công ty đã xây dựng một nền tảng bảo mật chống download dựa trên hạ tầng lõi của nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây Microsoft Azure. Họ cũng có kế hoạch xây dựng một nhóm kiểm duyệt viên trong 2 năm tiếp theo để hạn chế việc xâm phạm, lộ thông tin phòng học hoặc lợi dụng nền tảng làm những nội dung phi pháp - điều mà hầu hết các mạng xã hội như Facebook, Tik Tok hay Zoom đã từng phải đối mặt.
Câu hỏi đặt ra cho Ivenue - và tất cả các công ty khởi nghiệp xây dựng các nền tảng lớp học, sự kiện trực tuyến cho thế giới ảo – là liệu xu hướng học online sẽ còn tiếp tục khi đại dịch kết thúc hay mọi người sẽ quay lại với lớp học trực tiếp? Ivenue tỏ ra khá lạc quan. Họ đang đặt cược vào một tương lai nơi hầu hết các sự kiện, lớp học chuyên ngành sẽ ra trực tuyến.
Startup này mới hoàn tất vòng gọi vốn đầu tiên trị giá 24.000 USD từ một nhà đầu tư thiên thần, và dự kiến sẽ liên tục gọi vốn đầu tư 3-6 tháng một lần để đẩy nhanh tốc độ thâm nhập thị trường.
Theo khảo sát của Statista năm 2020, giá trị thị trường sự kiện trực tuyến ở Đông Nam Á ước tính khoảng 46 tỷ USD, trong đó ở Việt Nam là 2 tỷ USD và được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng về nhu cầu học trực tuyến cao, lên tới 36%. |