Một thử nghiệm mới cho thấy huyết tương giàu kháng thể từ những bệnh nhân đã hồi phục, có thể giúp giảm nguy cơ nhập viện nếu bệnh nhân COVID-19 được truyền sớm từ khi mới nhiễm bệnh.

Tháng 8/2020, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) dưới thời Tổng thống Donald Trump đã ban hành giấy phép sử dụng khẩn cấp huyết tương dưỡng bệnh để điều trị COVID-19 nặng. Quyết định này bị chỉ trích là có động cơ chính trị và không được khoa học ủng hộ. FDA sau đó đã sửa đổi giấy phép vào tháng 2/2021, chỉ cho phép dùng huyết tương có lượng kháng thể chống SARS-CoV-2 cao và chỉ dùngtrong giai đoạn đầu của bệnh hoặc dùng cho những người không thể tạo đủ kháng thể chống lại virus.

Trong khi đó, các bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng đến nay không nhất quán. Một thử nghiệm trên 160 bệnh nhân lớn tuổi ở Argentina cho thấy huyết tương dưỡng bệnh giúp giảm 48% nguy cơ bệnh nặng. Tuy nhiên, một thử nghiệm lớn hơn ở những bệnh nhân có nguy cơ cao do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) tài trợ đã bị tạm dừng không lâu sau khi phát hiện huyết tương không ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh - được đo lường bằng số lần cấp cứu, nhập viện hoặc tử vong. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu ở Đại học Johns Hopkins (JHU) do Arturo Casadevall dẫn đầu, chỉ trích thử nghiệm của NIH với lý do một số bệnh nhân nhập viện vào cùng ngày họ được tuyển tham gia thử nghiệm, và không có đủ thời gian để hưởng lợi từ huyết tương.

Huyết tương dưỡng bệnh “đã bị bỏ qua” do không cho thấy hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng trước đây, Frederick Korley, bác sĩ cấp cứu tại Đại học Y Michigan, cho biết. Các phương pháp được sử dụng phổ biến hơn hiện nay là kháng thể đơn dòng hay thuốc kháng virus.

Nhưng một thử nghiệm lâm sàng mới, đăng dưới dạng bản thảo trên medRxiv và do nhóm JHU, trong đó có Casadevall, thực hiện, cho thấy: ở những bệnh nhân COVID-19 được điều trị bằng huyết tương ở giai đoạn đầu của bệnh, tỷ lệ nhập viện giảm khoảng một nửa - từ 6,3% xuống 2,9%.

Huyết tương được hiến tặng bởi những bệnh nhân đã khỏi COVID-19 có thể làm giảm nguy cơ nhập viện nếu được truyền sớm trong giai đoạn đầu của bệnh, theo một thử nghiệm mới của JHU.

Cụ thể, đây là một thử nghiệm ngoại trú, trước thời điểm xuất hiện biến thể Omicron, với sự tham gia của 1.181 người Mỹ được chọn ngẫu nhiên và đang trong vòng 8 ngày kể từ khi bắt đầu có các triệu chứng COVID-19. Họ được truyền huyết tương dưỡng bệnh với nồng độ kháng thể chống SARS-CoV-2 cao hoặc dung dịch giả dược. Trong vòng 28 ngày sau đó, 17 trong số 592 người trong nhóm dùng huyết tương đã phải nhập viện, so với 37 trong số 589 người trong nhóm dùng giả dược.

“Có sự khác biệt rõ ràng,” nghiên cứu viên chính của thử nghiệm, nhà miễn dịch học David Sullivan, cho biết trong một cuộc họp báo ngày 21/12. Theo Sullivan, nhóm JHU đã chia sẻ kết quả này với WHO và FDA, và FDA đang xem xét sử dụng cho bệnh nhân ngoại trú.

Bởi vì huyết tương dưỡng bệnh đến từ những bệnh nhân vừa mới hồi phục, phương pháp này có thể bắt kịp với các biến thể virus luôn thay đổi, nhóm JHU nhấn mạnh. Đặc biệt trong bối cảnh biến thể Omicron làm giảm hiệu quả của một số kháng thể đơn dòng, huyết tương dưỡng bệnh càng trở thành một lựa chọn đáng lưu ý. Và việc thu thập, lưu trữ và truyền huyết tương dưỡng bệnh có giá rẻ và khả thi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong khi kháng thể đơn dòng nhắm mục tiêu SARS-CoV-2 thì không.

Korley đồng ý rằng “một trong những điểm hấp dẫn nhất của huyết tương dưỡng bệnh” là tính khả dụng rộng rãi của nó. Nhưng câu hỏi lớn là: ai nên được điều trị bằng huyết tương? Mặc dù phương pháp điều trị này tương đối an toàn và đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng nó có nguy cơ gây ra các phản ứng liên quan đến truyền máu, có thể dẫn đến phải nhập viện và điều trị bằng steroid, Korley lưu ý.

Thử nghiệm NIH trước đây, trong đó Korley là nghiên cứu viên, bác bỏ hiệu quả của huyết tương dưỡng bệnh đối với các bệnh nhân COVID-19 lớn tuổi và bệnh nặng hơn những bệnh nhân trong thử nghiệm mới của JHU. “Có lẽ nên dùng phương pháp điều trị cho những người bệnh nhẹ hơn, nhưng nếu vậy thì câu hỏi là: kể cả khi không điều trị cho những người này, điều gì sẽ xảy ra?” Korley nói. Trong nghiên cứu cuả nhóm JHU, gần 94% bệnh nhân không được truyền huyết tương vẫn hồi phục mà không phải nhập viện. (Những người chưa tiêm chủng chiếm 81% số người tham gia thử nghiệm JHU, và 53/54 người nhập viện là người chưa tiêm chủng.)

Chúng ta phải hiểu nhóm bệnh nhân COVID nào sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ phương pháp điều trị này, và nếu nhóm đó chỉ gồm những người chưa được tiêm chủng thì giải pháp đơn giản hơn là cải thiện tiêm chủng, theo Korley.

Nguồn: