Dưới đây là hướng dẫn của tác giả - kỹ sư Chu Văn Tiệp và tiến sỹ Nguyễn Văn Biếu - Giám đốc Trung tâm tư vấn, đào tạo và chuyển giao tiến bộ khoa học nông nghiệp.
Hàng sông lớn có tác dụng làm xuất hiện hiệu ứng hàng biên tối ưu cho mọi khóm lúa; còn hàng sông nhỏ làm tối ưu hoá khả năng đẻ nhánh, tạo số bông hợp lý trên mỗi khóm. Các khóm lúa nếu được gieo cấy thưa sẽ tận dụng được nhiều ánh sáng hơn. Bởi khi chiếu thẳng, ánh sáng vẫn lọt xuống thân lá tầng dưới; còn khi chiếu xiên, ánh sáng vẫn chiếu vào thân lá dưới gốc. Nhờ vậy, mỗi cá thể và quần thể lúa đều quang hợp tốt, vận chuyển và tích lũy các chất hiệu quả hơn hẳn so với với lúa cấy theo các phương pháp khác.
Hình mô tả quần thể lúa giống bắc thơm cấy theo quy luật hiệu ứng hàng biên
(nhìn từ đầu các hàng lúa).
Công thức khoảng cách, mật độ gieo cấy cho mỗi giống lúa được tính toán dựa vào đặc điểm của giống: Chiều cao cây, khả năng đẻ nhánh, đặc điểm đất và mức độ thâm canh, mùa vụ... Giống lúa có chiều cao càng lớn, mật độ cấy càng thấp để đảm bảo thời gian cả khóm lúa nhận được ánh sáng trong ngày nhiều nhất.
Cụ thể, với giống lúa có chiều cao trung bình, đẻ nhánh khỏe như lúa lai, BC15... cần áp dụng mật độ cấy 12,6 khóm/m2, khoảng cách hàng sông lớn 43-45cm, hàng sông nhỏ 20-21cm, khoảng cách giữa các cây là 23-24cm để 3 khóm lúa gần nhau tạo thành hình tam giác đều.
Với các giống có chiều cao thấp hơn, mật độ cấy trung bình khoảng 16 khóm/m2, khoảng cách hàng sông lớn là 40cm, hàng sông nhỏ từ 18-20cm, khoảng cách giữa các cây là 20-21cm. Nhìn chung, khi cấy hiệu ứng hàng biên, mỗi mét vuông chỉ cần từ 8-16 khóm, lượng giống cần sử dụng từ 0,3-0,5kg/sào.
Lưu ý về phân bón và cách bón phân
Cần chuẩn bị 2-3 tạ phân hữu cơ (nếu có) để bón lót. Với phân hóa học, ưu tiên phân NPK chuyên dùng cho lúa. Với phân vô cơ, NPK, nên bón thúc đẻ nhánh 15-20kg/sào và thúc hoá đòng 12-15kg/sào. Về bón lót, cần bón sâu toàn bộ lượng phân hữu cơ (nếu có) trước khi bừa lần cuối.
Về bón thúc, trong các phương pháp cấy thường, bà con hay rải đều trên mặt ruộng; nhưng với cấy hàng biên, cần bón tập trung vào hàng sông nhỏ để cây sử dụng dinh dưỡng tốt hơn (đi dọc hàng sông lớn để bón hai bên theo hàng sông nhỏ). Có thể chia thành 2 lần bón thúc: Khi lúa bén rễ, hồi xanh (sau cấy từ 3-5 ngày, bón 2/3 lượng phân NPK chuyên thúc) và khi lúa đứng cái (bón hết lượng NPK chuyên thúc còn lại).
Ngoài ra, cần lưu ý trừ ốc bươu vàng để tránh khuyết mật độ (bắt thủ công nếu ít hoặc dùng thuốc nếu nhiều). Do cấy thưa, ánh sáng nhiều nên cỏ dại phát triển mạnh trên hàng sông rộng, cần trừ bằng cào cỏ (chỉ nên dùng thuốc trừ cỏ khi ruộng có lịch sử nhiều cỏ) để vừa hạn chế cỏ cạnh tranh dinh dưỡng với lúa vừa tạo môi trường đất thông thoáng giúp vi sinh vật có ích và bộ rễ phát triển mạnh.
Bạn đọc có thể liên hệ với KS Chu Văn Tiệp theo số điện thoại 0914381540 hoặc TS Nguyễn Văn Biếu, số điện thoại 0915580136.