Cùng với các tiểu thuyết gia H. G. Wells và Jules Verne, ông thường được gọi là “Cha đẻ của Khoa học viễn tưởng”. Để vinh danh ông, các giải thưởng hằng năm được trao tại Hội nghị Tiểu thuyết Khoa học Viễn tưởng Thế giới được đặt tên là “Hugo” từ năm 1953.
Thời thơ ấu
Hugo Gernsback, sinh ngày 16/8/1884, ở khu Bonnevoie thuộc thành phố Luxembourg. Cha ông là một nhà buôn rượu, đã thuê gia sư riêng về dạy dỗ cậu con trai của mình. Cậu bé đã đến học tại Ecole Industrielle (Trường Công nghiệp ở Luxembourg-Limpertsberg), và sau đó là Technikum ở Bingen, Đức.
Nikola Tesla cùng “đèn không dây” trên bìa tạp chí Electrical Experimenter
Mũ tập trung - một phát minh của Gernsback.
Năm 9 tuổi, có người đã đưa cho Hugo một cuốn sách gây tranh cãi của nhà thiên văn học người Mỹ Percival Lowell, Mars as the Abode of Life (Sao Hỏa – Nơi cư ngụ của sự sống). Rõ ràng cuốn sách đã tạo ra cho Hugo một ấn tượng sâu sắc. Nhà sử học khoa học viễn tưởng Sam Moskowitz viết: “Ông ấy ngay lập tức được đưa về nhà rồi rơi vào trạng thái mê sảng, như điên như dại kể về những sinh vật kỳ lạ, những thành phố tuyệt vời và những kênh đào được thiết kế hoàn hảo trên sao Hỏa trong suốt hai ngày đêm, trong thời gian đó một bác sĩ gần như liên tục phải túc trực bên cạnh”.
Kỹ sư điện tự học
Hugo tự học điện tử viễn thông khi còn ở đại học, ông giỏi tới mức đã trở thành chủ thầu ở tuổi thiếu niên, đồng thời phát minh ra một loại pin điện cải tiến. Vì lý do kinh tế, vào năm 1904, Gernsback di cư đến Hoa Kỳ ở tuổi 20. Ông làm Trưởng bộ phận Nghiên cứu của một nhà sản xuất pin, nhưng không thấy công việc này thú vị nên tự thành lập công ty bán thời gian riêng để kinh doanh thiết bị điện. Công ty của ông đã nhập khẩu các thiết bị điện tử chuyên dụng từ châu Âu và cung cấp cho nhiều người muốn sản xuất radio và máy phát của riêng họ.
Việc kinh doanh radio và các cuốn catalogue mà ông dùng để quảng bá sản phẩm đã phát triển thành đế chế tạp chí tập trung vào công nghệ. Gernsback đã xuất bản hơn 50 tên tạp chí khác nhau trong suốt cuộc đời, hầu hết trong số đó là những tạp chí dành cho những người yêu thích khoa học, công nghệ và thể loại mà ông đã giúp phổ biến cho rất nhiều người trong những năm 1920: truyện khoa học viễn tưởng.
Vào tháng 4/1908, ông thành lập tạp chí Modern Electrics (sau này được tạp chí Popular Science tiếp quản), đây là tạp chí đầu tiên trên thế giới có nội dung về cả điện tử và radio, thứ được gọi là “không dây” vào thời điểm đó.
Hiệp hội không dây Hoa Kỳ
Vào tháng 1/1909, ông thành lập Hiệp hội Không dây Hoa Kỳ, hiệp hội này đã thu hút được 10.000 thành viên chỉ trong một năm. Là một nhà không tưởng về công nghệ, Gernsback tin rằng radio sẽ thúc đẩy cách liên lạc tốt hơn ở cả Hoa Kỳ cũng như trên quy mô toàn cầu, tạo điều kiện cho các cộng đồng văn hóa và xã hội mạnh mẽ hơn và một nền dân chủ có sự tham gia thực thụ. Nikola Tesla cùng “đèn không dây” của ông đã được giới thiệu trên trang bìa của tạp chí Electrical Experimenter của Gernsback số tháng 2/1919. Ý tưởng của Tesla về nguồn điện không dây chắc chắn đã truyền cảm hứng cho quan điểm của Gernsback về tương lai. Năm 1911, tạp chí Gernsback’s đã đăng một truyện dài kỳ do chính Gernsback chấp bút, sau này nó trở thành tiểu thuyết Ralph 124C 41+ (1925). Lấy bối cảnh vào thế kỷ 27, cốt truyện chỉ đơn thuần là một cuộc phiêu lưu giật gân, nhưng tương lai trong đây được hình dung ra thật phong phú, chứa đầy những phát minh tuyệt vời và du hành bằng tàu vũ trụ, những điều này đã thiết lập nhiều quy ước mà sau này sẽ trở thành đặc trưng cho truyện khoa học viễn tưởng.
Những câu chuyện gây sửng sốt
Năm 1926, Gernsback bắt đầu thể loại truyện khoa học viễn tưởng hiện đại bằng cách thành lập tạp chí đầu tiên dành riêng cho nó, Amazing Stories. Số đầu tiên bao gồm một bài xã luận dài một trang và in lại sáu câu chuyện, ba câu chuyện được viết ra chưa đến mười năm và ba câu chuyện của Edgar Allan Poe, Jules Verne, và H.G. Wells. Ý tưởng của Gernsback về một câu chuyện khoa học viễn tưởng hoàn hảo là “75% văn học đan xen với 25% khoa học”. Những câu chuyện thường rất thô sơ, nhưng chính sự tồn tại của tạp chí đã khuyến khích sự phát triển và cải tiến của thể loại này. Ông nhìn nhận truyện khoa học viễn tưởng là một phương tiện giáo dục phổ biến về khoa học, công nghệ và sự thay đổi, nhấn mạnh vào tính chính xác của khoa học, đồng thời khuyến khích đọc theo cách phê bình các chi tiết khoa học. Thậm chí, ông còn in đậm thông tin khoa học trong truyện ngắn để người đọc nhận biết và sửa lại.
Ngoài cung cấp nền tảng đào tạo cho nhiều nhà văn khoa học viễn tưởng sơ khai, Gernsback cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập cộng đồng người hâm mộ truyện khoa học viễn tưởng, nhờ công bố địa chỉ của những người đã viết thư cho tạp chí. Những lá thư gửi cho chuyên mục biên tập là một diễn đàn tích cực để thảo luận cả về sự phát triển của thể loại này lẫn tương lai của việc khám phá và thử nghiệm khoa học. Nhiều nhà văn, chẳng hạn như Asimov, Heinlein, Pohl và Bradbury, những người sẽ định hình thể loại khoa học viễn tưởng Mỹ, gặp nhau lần đầu khi còn là thanh thiếu niên, họ trao đổi với nhau qua thư từ nhờ các địa chỉ đăng trên tạp chí của Gernsback. Từ những địa chỉ này, độc giả đã hình thành nên các tổ chức người hâm mộ, và sau đó tham dự các đại hội toàn quốc.
Tivi thử nghiệm
Năm 1925, Gernsback thành lập đài phát thanh WRNY, phát sóng từ tầng 18 của khách sạn The Roosevelt ở thành phố New York. Sử dụng tạp chí của mình để quảng bá WRNY, ông đưa mã kênh của đài phát thanh của mình lên trang bìa để quảng cáo chéo lẫn nhau. Ông cũng ủng hộ những hướng đi tương lai trong việc đổi mới và điều chỉnh radio. Tạp chí có nhiều hình vẽ và sơ đồ, khuyến khích người nghe đài ở những năm 1920 tự thử nghiệm để cải tiến công nghệ. Vào năm 1927, tivi vẫn chưa phải thứ thực tiễn có mặt trong các gia đình Mỹ, nhiều người vẫn không nghĩ nó một phương tiện phát sóng. Tuy nhiên, các bài báo về tivi trên tạp chí của Gernsback cũng được thử nghiệm theo cách này khi đài phát thanh được sử dụng để gửi hình ảnh đến máy thu truyền hình thử nghiệm vào tháng 8 /1928. Tuy nhiên, công nghệ này còn sơ khai, nó yêu cầu gửi hình ảnh và âm thanh lần lượt chứ không phải gửi đồng thời. Thế nhưng, những thí nghiệm như vậy khá tốn kém, cuối cùng đã góp phần dẫn đến công ty của Gernsback phá sản vào năm 1929.
Hugo Gernsback cũng là một người có tầm nhìn xa, ông đã đưa ra những dự đoán cho tương lai. Năm 1927, ông đã đăng những dự đoán của mình với tiêu đề “Hai mươi năm về sau” trên số tháng 9 của tạp chí Khoa học và Phát minh. Tuy không thể lường trước được những tai họa của cuộc Đại suy thoái đang cận kề, cũng như những khó khăn to lớn của Thế chiến Thứ hai, nhưng những dự đoán của ông từ thời điểm này cho chúng ta cái nhìn về chủ nghĩa không tưởng công nghệ triệt để nhất từ những năm 1920. Ông dự đoán tất cả mọi thứ, từ điện không dây đến phương pháp chữa bệnh ung thư, tuy những điều này không đúng nhưng có nhiều lĩnh vực khác như tăng tuổi thọ, chữa khỏi các bệnh ở trẻ em và phát minh ra máy điều hòa không khí lại chính xác.
Ngoài ra, Hugo Gernsback còn là một nhà phát minh và sở hữu 80 bằng sáng chế cho đến khi qua đời. Ông đã phát minh ra một trong những nhạc cụ điện tử đầu tiên sử dụng máy tạo dao động, Staccatone. Hugo Gernsback qua đời ngày 19/8/1967 tại New York.
Nguồn: scihi.org