Nhóm nghiên cứu ở Đại học Maastricht, Hà Lan, kết hợp hai loại tế bào gốc lấy từ chuột. Sau khi kết hợp trong đĩa thí nghiệm, chúng phát triển thành phôi thai giai đoạn đầu gọi là túi phôi (khối cầu rỗng chứa nhiều tế bào) và được cấy vào tử cung chuột. Lúc đầu, các tế bào kích thích thay đổi trong tử cung giống như phôi thai bình thường 3,5 ngày tuổi, nhưng bị hỏng sau đó. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm qua.Theo giáo sư Nicholas Rivron, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nhanh nhất là ba năm nữa, họ có thể tạo ra phôi thai chuột có khả năng sống sót, nhưng việc tạo ra phôi thai người sẽ đòi hỏi hàng thập kỷ. Mục đích sử dụng chính của những phôi thai này là để thử nghiệm thuốc và nghiên cứu chứng vô sinh. "Phôi thai bình thường rất hiếm và không thể sử dụng để thử nghiệm thuốc vì số lượng quá ít. Với túi phối, bạn có thể tăng số lượng phôi thai, cho phép nghiên cứu thuốc trong tương lai. Tôi không nghĩ tới sử dụng túi phôi cho sinh sản ở người. Đây là hành động đáng lo ngại về mặt đạo đức bởi nó liên quan đến nhân bản người sống, việc bị nghiêm cấm hoàn toàn", giáo sư Rivron chia sẻ. Giáo sư Rivron cho biết ông và cộng sự chưa tìm ra nguyên nhân cấy ghép túi phôi thất bại. "Chúng trông cực giống túi phôi thông thường và sản sinh nhiều loại tế bào. Tuy nhiên, các tế bào không được tổ chức hoàn chỉnh. Chúng giống như phôi thai bị gián đoạn", giáo sư Rivron chia sẻ. Giáo sư Robin Lovell-Badge ở Viện Francis Crick thừa nhận đây là nghiên cứu đột phá, nhưng điều may mắn là thí nghiệm không xảy ra ở người. "Nhiều người có thể thở phào khi phương pháp sản xuất nhiều cấu trúc giống phôi thai người về mặt di truyền có thể dùng để cấy ghép này chưa khả thi, ngay cả khi phôi thai bị cấm cấy ở phụ nữ", giáo sư Lovell-Badge nói. Giáo sư Rivron cũng nhấn mạnh công nghệ ông đang phát triển ít có khả năng được sử dụng bởi một quốc gia để sản xuất đội quân nhân bản bởi họ không có chuyên môn khoa học để tiến hành. |