Thế kỷ 19 là thế kỷ “big bang” của Đức. Sự thất trận chua cay trước Napoleon đã đánh thức hoàn toàn tinh thần yêu nước của dân tộc Đức, nhất là giới tinh hoa, và đánh thức thiên tài của dân tộc này từ chiều sâu của nó trỗi dậy sau bao nhiêu năm xếp lại đôi cánh, sống bó mình trong những quan hệ bẩn chật.

Trong các cuộc cách mạng công nghiệp của thế kỷ 19, từ các quốc gia lục địa, đến Hoa Kỳ, rồi cuối cùng là Nhật Bản, thì cuộc cách mạng của Đức là ấn tượng nhất. Hồi đó, không hề có FDI hay ODA, mà hoàn toàn tự lực cánh sinh.

Nhưng trong khi các cuộc cách mạng công nghiệp tại Hoa Kỳ và Nhật Bản diễn ra để phục vụ phát triển kinh tế là chủ yếu, thì cuộc cách mạng Đức đi xa hơn: Cách mạng khoa học và giáo dục, đem lại những cống hiến lâu dài cho nhân loại. Đại học Đức, hay Humboldt, trở thành mô hình đại học nghiên cứu cho toàn thế giới. Học giả Đức trở thành những mẫu mực thế giới. Thành quả khoa học của họ được vinh danh rõ nhất vào đầu thế kỷ 20, khi Giải Nobel bắt đầu có hiệu lực, Đức nhận được mỗi năm mỗi giải, điều đó kéo dài hơn 30 năm, một hiện tượng chưa từng có, cho đến khi Hitler người hủy diệt lên nắm quyền.

Đằng sau những thành tựu khoa học, công nghệ, giáo dục, những lãnh vực nước Đức đã làm nên những kỳ tích, là cuộc lội ngược dòng đáng khâm phục về kinh tế, như một mô hình độc đáo của cuộc vươn lên ấn tượng. Đức, trong tình trạng lạc hậu của mình, đã có tham vọng lớn cùng một lúc thực hiện ba nhiệm vụ chiến lược liên kết nhau: Cách mạng công nghiệp, cách mạng giáo dục và cách mạng khoa học.

Tượng của Beuth (trái) và W. v. Humboldt trước tòa nhà DIN (Viện Tiêu chuẩn hóa Đức) tại Berlin, biểu tượng của sự kết hợp giữa hệ thống trường tinh hoa của Humboldt và trường nghề, kỹ thuật và thương mại của Beuth, để tạo nên chuẩn nghề nghiệp cho cuộc cách mạng công nghiệp.

Để làm những điều đó, Phổ tiến hành cởi trói nông dân khỏi chế độ nông nô để họ trở thành những công dân tự chủ; cởi trói doanh nhân, công nhận quyền tư hữu, quyền tự do kinh doanh; thiết lập bộ máy hành chánh mới hợp lý để phục vụ công cuộc đổi mới; cải tổ giáo dục toàn dân, phát triển giáo dục đại học lên tầm cao, biến đại học thành những trung tâm nghiên cứu và học thuật hàng đầu thế giới; thống nhất hơn 350 tiểu vương quốc Đức; tiến hành công nghiệp hóa, xây dựng hệ thống đường sắt khắp nước như đầu tàu kinh tế, từng bước tự chế tạo máy, và công cụ, là những thứ thuộc về nền tảng của công nghiệp hóa; phát triển tiềm năng lớn nhất là “vốn trí tuệ” (capital of mind) như nhà kinh tế Friedrich List của Đức nói.

Phải tiến lên công nghiệp hóa đất nước, đó là mệnh lệnh, bởi vì công nghiệp, industry, mới là sức bật của kinh tế, chứ không phải nông nghiệp hay thương mại. Tăng trưởng công nghệ là nguyên cớ chính của tăng trưởng kinh tế. Không có tăng trưởng công nghệ, kinh tế sẽ sa vào bãi lầy của sự trì trệ.

Ngoài đại học tinh hoa ra, Đức còn có các trường nghề nổi tiếng tốt nhất và hiệu quả nhất thế giới để chuẩn bị nghề nghiệp về kỹ thuật, công nghiệp lẫn thương mại, giáo dục về trách nhiệm và tinh thần tự lực của những tác nhân mới, và giáo dục về nhân cách. Peter Beuth là người được giao cho nhiệm vụ chiến lược này. Các trường nghề chuẩn bị cho các nhà kinh doanh sản xuất một tư thế mới trong cuộc cạnh tranh quốc tế. Sản phẩm không những phải có hàm lượng kỹ thuật mà còn có nét mỹ thuật.

Vì sao nước Đức lại có những thành tựu vĩ đại như thế? Trên hết, từ thế kỷ 18, họ đã là Quốc gia văn hóa, Kulturnation, trước khi là Quốc gia chính trị năm 1871. Weimar được ví là Athens, với Goethe, Schiller, và Đức được ví như một Hy Lạp. Trong cơn hoạn nạn, sự “thăng tiến tinh thần là chính” (Aufschwung des Geistes) như Fichte nói. Cho nên phải đặt giáo dục lên làm nhiệm vụ hàng đầu. Đức, tượng trưng là Phổ, vương quốc lớn và mạnh nhất, là một dân tộc của các chiến binh luôn luôn chinh chiến, nhưng khi giờ lịch sử điểm, thì giới tinh hoa đã chọn mô hình của Hy Lạp để phát triển chứ không phải La Mã.

Vì Hy Lạp mới là dân tộc tạo ra khoa học và văn hóa cho thế giới, biểu tượng của sự phát triển toàn diện con người, theo đúng kỳ vọng của những nhà tân nhân văn Đức như Goethe, Schiller, Humboldt. Con người không phải chỉ là công cụ, mà là cứu cánh tự nó, với những giá trị thiên phú thiêng liêng của nó. Cho nên tự học để trau dồi và tinh luyện là nhiệm vụ suốt đời. Đó là nhiệm vụ của giáo dục theo tinh thần tân nhân văn. Phát triển kinh tế với tư cách là những con người có văn hóa, không phải con người thuần kinh tế, phải vượt khỏi những lợi ích trước mắt của Khai sáng. Họ xây dựng các trường trung học nhân văn, và các đại học bác học, mục đích là khám phá và rèn luyện tính cách con người không giới hạn.

Họ xem khoa học là cái không bao giờ kết thúc, mà phải tiếp tục nghiên cứu, khám phá. Và như một hệ quả, Đại học và Khoa học trở thành “bá chủ” trong học thuật như Anh từng là bá chủ trên biển. Và từ giữa thế kỷ 19 trở đi, Khoa học cơ bản đã “tham chiến” vào công cuộc công nghiệp hóa, tạo nên những bứt phá ngạc nhiên, đưa nước Đức lên hàng cường quốc.

Tấm gương Đức cho thấy, văn hóa có sức mạnh vực dậy một nền kinh tế lạc hậu, và cho nó thêm tầm vóc xứng đáng với tầm vóc của văn hóa. Và chính văn hóa đã cứu lấy chính trị. [Nhưng cũng tiếc thay, sau này chính chính trị đã phá hỏng nền văn hóa Đức, điều mà Nietzsche đã thấy trước, từ những chiến thắng quân sự của họ, rồi đi đến chỗ sụp đổ đầu thế kỷ 20.]

Chúng ta có thể học hỏi và tham khảo mô hình phát triển Đức được không, khi mà Nhật Bản Minh Trị đã từng nhìn thấy trong đó một mô hình phát triển cho chính mình? TS Lê Đăng Doanh, và nhà nghiên cứu Nguyễn Trung cho rằng nước Đức thế kỷ 19 là tấm gương rất đáng học hỏi trong việc xây dựng nền giáo dục, khoa học, và thực hiện công cuộc công nghiệp hóa.

Chúng ta mãi mãi sẽ yếu đuối và nhược tiểu nếu không phát triển công nghệ và khoa học, không tổ chức lại quốc gia hợp lý, không đoàn kết, hỗ trợ và công bằng với nhau, không phát triển một nền văn hóa có tính khai sáng, không có một niềm tin vào khoa học, giáo dục để đổi đời, không có những đại công ty như Siemens, Krupp, Thyssen, Bayer, những “tiền thân” của các zaibatzu của Nhật Bản, hay chaebol của Hàn Quốc sau này. Chúng ta phải đoàn kết, đặt quyền lợi tối thượng quốc gia lên trên hết, không để những lợi ích cục bộ chống lại chính chúng ta. “Một căn nhà tự chia cắt chống lại nó không thể nào đứng vững”, như Abraham Lincoln nói trong đêm trước của cuộc nội chiến nước Mỹ. Hoặc chúng ta thành công hết, hoặc thất bại hết, không phải từ ai cả, mà từ chính chúng ta.

Chúng ta phải thay đổi, thay đổi một cách toàn diện, và tấm gương lịch sử của dân tộc Đức là rất cần được tham khảo cho những ai quan tâm đến tiền đồ của dân tộc.