Tuy nhiên, trên blog cá nhân (Gates’ Notes), tỷ phú công nghệ giàu thứ 2 thế giới Bill Gates lại tin rằng thời đại của cung - cầu giờ đã kết thúc, mô hình kinh tế cũ cũng trở nên lỗi thời, và giới chính khách thực sự đã thất bại với nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nguyên nhân nằm ở chỗ, phần lớn những tên tuổi hàng đầu thế giới đã không còn tìm kiếm lợi nhuận từ các sản phẩm hữu hình. Mặc dù vẫn có những doanh nghiệp đang hoạt động dựa trên nguyên tắc cũ như Tesla (đẩy giá bán xe khi cầu tăng và ngưng bán khi cầu sụt giảm), nhưng số lượng các công ty như vậy chỉ là thiểu số.
Còn đối với những tay chơi chuyên nghiệp trong lĩnh vực phần mềm (software), nhiều khái niệm truyền thống đã không còn có thể áp dụng. Gates viết: để phát triển một phần mềm mới, chi phí sản xuất sẽ hoàn toàn được trả trước. Trong khi nhà sản xuất các mặt hàng truyền thống thường phải trả phí tổn thành phần và nhân công trên mỗi đầu sản phẩm thì chi phí phân bổ và không gian lưu trữ server cho một phần mềm mới như Microsoft Word có thể được chi trả thông qua hoạt động sao chép, bán và tải xuống trong thời gian vô hạn định với mức giá tối thiểu.
Bill Gates. Ảnh: Gatesnotes.com
Trong bài viết của mình, Gates trích dẫn ý tưởng từ cuốn sách “Capitalism Without Capital” (Tạm dịch: Chủ nghĩa tư bản không vốn) - bàn về sự thay đổi của nền kinh tế khi các công ty hàng đầu không còn kinh doanh những mặt hàng hữu hình. Trong đó, hai tác giả Jonathan Haskel và Stian Westlake khẳng định chính các sản phẩm số hóa, tức “vô hình”, sẽ mang tới rất nhiều nguy cơ mới cho những doanh nghiệp và nhà đầu tư truyền thống - không được trang bị nhận thức rằng cách con người hiểu biết về nền kinh tế đã trở nên lạc hậu.
Haskel và Westlake so sánh phát triển phần mềm cũng giống như việc chế tạo một món hàng với chi phí chìm (sunk cost) - một khi mất đi sẽ không tài nào lấy lại được. Các nhà phát triển phần mềm thường không thể gỡ lại vốn theo cách mà nhiều công ty truyền thống vẫn hay làm, chẳng hạn nếu một ngày Tesla thua lỗ thì họ vẫn có thể giảm một phần thiệt hại nhờ bán đi phụ kiện, thiết bị, nhà xưởng... trong khi những công ty phần mềm sẽ chỉ còn lại một mớ ứng dụng vô ích mà chẳng có ai cần đến.
Dẫu vậy, không phải chính trị gia nào cũng đủ am tường về công nghệ để có thể đưa ra những nhận định đúng đắn về cách thức vận hành của Facebook hay các công ty quyết định chỉ số NASDAQ. Nhiều vị thậm chí còn đưa ra những kiến giải sai lầm một cách cơ bản về hình thức hoạt động không cần bán sản phẩm của các doanh nghiệp, nhưng vẫn bị buộc tội “thao túng chính sách kinh tế”.
Nhìn lại vụ Zuckerberg phải đứng điều trần trước Quốc hội sau bê bối Cambridge Analytica, chúng ta có thể thấy rằng các nhà lập pháp (thượng nghị sĩ và dân biểu) dường như đã không hiểu nhiều về cách kiếm tiền của những mạng xã hội, để rồi áp đặt các quy tắc cho họ. Ngay cả nếu những ví dụ cụ thể mà Bill Gates nêu chưa thể phản ánh được hết sự thật thì rõ ràng ông cũng đang cố gắng chỉ ra sự thất bại của giới lãnh đạo chính trị trong việc thích nghi với nền kinh tế số vốn đang tăng trưởng cực kỳ mạnh mẽ.
Gates tin rằng chỉ số GDP (tổng sản phẩm quốc nội) - thước đo trình độ phát triển kinh tế phổ biến trên thế giới, đã bỏ qua những đầu tư vào các yếu tố “vô hình” cần thiết để tạo ra những sản phẩm có thể thương mại hóa (như chi phí R&D, thương hiệu, nghiên cứu thị trường...). Điều này thực sự là vấn đề trong thời đại mà các công ty công nghệ đang làm chủ cuộc chơi, cũng như cho thấy chính phủ chậm chạp thế nào trong việc thích nghi với một nền kinh tế vốn luôn biến động và tiến hóa không ngừng.
Mặc dù Bill Gates chưa đưa ra được lời khuyên cụ thể nào đối với chính sách kinh tế mới, hay ít nhất là để giúp nước Mỹ định hình lại các chính sách ưu tiên, nhưng có thể đồng thuận với ông rằng tư duy kinh tế giản đơn của chúng ta hoàn toàn đã lỗi thời. Sau cùng, Gates viết: “Trước đây, không ai có thể tưởng tượng nổi viễn cảnh phát triển phần mềm lại trở thành một khoản đầu tư chính danh. Thế nhưng đã có quá nhiều thay đổi kể từ thập niên 1980, cho nên cách nhìn của chúng ta về nền kinh tế có lẽ cũng đã đến lúc phải như vậy.”