Theo chuyên gia sao băng Bill Cooke tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Perseids là trận mưa sao băng diễn ra vào tháng 8 hằng năm. Tuy nhiên, năm nay mưa sao băng Perseids xảy ra khi Mặt trăng ở gần giai đoạn trăng non, có hình dạng lưỡi liềm và lặn sớm, nên rất thuận lợi cho việc quan sát. “Điều này khiến Perseids trở thành trận mưa sao băng đẹp nhất năm 2018 đối với những người muốn đi ra ngoài và chiêm ngưỡng nó”, Cooke nói.
Đỉnh điểm của trận mưa sao băng Perseids năm 2018 sẽ diễn ra trong hai đêm, đó là thời gian chuyển tiếp giữa các ngày 11 - 12/8 và 12 - 13/8. Người quan sát có thể chiêm ngưỡng khoảng 60 đến 70 vệt sao băng mỗi giờ, từ khoảng 1 giờ sáng cho đến lúc bình minh. Điều này nghĩa là chúng ta trung bình sẽ thấy một vệt sao băng mỗi phút, bao gồm cả những sao băng mờ nhạt hoặc quả cầu lửa - ngôi sao băng lớn sáng chói trên bầu trời. Tuy nhiên trong những năm “bùng nổ”, chẳng hạn như năm 2016, mật độ sao băng Perseids có thể lên tới 150 - 200 vệt sáng mỗi giờ.
Khi nhìn lên bầu trời để đón chờ sao băng Perseids, chúng ta cũng có thể quan sát thấy sao Hỏa (xuất hiện trên bầu trời cho đến 4 giờ sáng theo giờ địa phương) và sao Thổ (xuất hiện cho đến 2 giờ sáng theo giờ địa phương); cả sao Kim và sao Mộc đều mọc trước thời điểm quan sát sao băng Perseids tốt nhất.
Sao băng Perseids bắt nguồn từ bụi sao chổi
Năm 2018, Trái đất sẽ bay ngang qua đường đi của sao chổi Swift-Tuttle từ ngày 17/7 đến hết ngày 24/8. Đỉnh điểm của trận mưa sao băng Perseids xảy ra vào ngày 12/8, khi Trái đất bay qua vùng chứa mật độ bụi lớn nhất mà sao chổi Swift-Tuttle để lại trên quỹ đạo của nó. Tuy nhiên trước đó hoặc sau đó vài ngày, chúng ta vẫn có thể quan sát được những vệt sao băng với số lượng ít hơn.
Sao chổi Swift-Tuttle là thiên thể lớn nhất được biết đến đã nhiều lần bay ngang qua Trái đất. Nó có kích thước rộng khoảng 26 km. Quỹ đạo của sao chổi khá kỳ quặc, bay quanh Mặt trời với chu kỳ 133 năm. Nó nằm ở vị trí bên ngoài quỹ đạo của sao Diêm Vương khi cách xa Mặt trời nhất và ở bên trong quỹ đạo của Trái đất khi gần Mặt trời nhất.
Vào tháng 12/1992, sao chổi Swift-Tuttle bay đến vị trí gần với Mặt trời nhất (điểm cận nhật). Lần kế tiếp xảy ra hiện tượng tương tự là vào tháng 7/2126. Mỗi khi sao chổi Swift-Tuttle di chuyển vào phía bên trong của hệ Mặt trời, nó sẽ bị Mặt trời nung nóng, làm tan chảy thành phần băng đá cấu tạo nên sao chổi, khiến nó giải phóng các vật chất về phía sau trên quỹ đạo di chuyển.
Mưa sao băng Perseids sẽ xuất hiện gần chòm sao Perseus trên bầu trời. Ảnh: NASA
Khi bạn quan sát sao băng Perseids, nghĩa là bạn đang nhìn thấy những mảnh vụn của sao chổi bị đốt cháy thành vệt sáng khi bay vào thượng tầng khí quyển của Trái đất ở tốc độ 210.000 km/h. Nếu ở trong không gian, các mảnh vỡ của sao chổi được gọi là thiên thạch (meteoroid). Nhưng khi lao vào bầu khí quyển của Trái đất, chúng trở thành sao băng. Nếu một thiên thạch không bị cháy hết trong bầu khí quyển và rơi xuống mặt đất, thì phần còn lại của thiên thạch đó được gọi là vẫn thạch (meteorite). Hầu hết các sao băng Perseids đều quá nhỏ để có thể chạm đến mặt đất do chúng chỉ có kích thước bằng một hạt cát.
Trong năm 2019, mưa sao băng Perseids cũng đạt đỉnh vào ngày 12/8, nhưng chúng ta rất khó quan sát sự kiện thiên văn này do sự xuất hiện của Mặt trăng gần tròn trên bầu trời. Ánh sáng của Mặt trăng sẽ lấn át ánh sáng của sao băng.
Làm thế nào để quan sát sao băng?
Mỗi trận mưa sao băng thường được đặt theo tên của chòm sao là tâm điểm của trận mưa đó hằng năm, nơi phần lớn các vệt sao băng có xu hướng phát ra. Ví dụ, mưa sao băng Geminids có tâm điểm là chòm sao Gemini (Song Tử), mưa sao băng Perseids trong tháng 8 tới có tâm điểm là chòm sao Perseus (Anh Tiên). Perseus là tên gọi của một vị anh hùng trong thần thoại Hy Lạp, người đã giết chết quỷ đầu rắn Medusa với cái nhìn hóa đá đầy chết chóc.
Từ ngày 11/8 đến 13/8, chòm sao Perseus sẽ xuất hiện vào ban đêm ở hướng Đông Bắc. Chòm sao này không dễ xác định đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Cách đơn giản nhất là người quan sát chỉ cần nhìn lên bầu trời hướng Đông Bắc, với góc nhìn tính từ mặt đất khoảng 30 đến 50 độ là có thể thấy được.
Năm 2018, người dân ở khắp Bắc bán cầu xuống đến vĩ độ trung bình ở Nam bán cầu đều có thể quan sát mưa sao băng Perseids. Tất cả những gì bạn cần phải chuẩn bị để quan sát sao băng là thu xếp thời gian rảnh vào ban đêm, một nơi nào đó thoải mái để ngồi và một chút kiên nhẫn.
“Bí quyết để quan sát một trận mưa sao băng là bầu trời càng quang đãng càng tốt”, Cooke nói. Bạn nên di chuyển đến một khu vực tối ở vùng ngoại ô hoặc vùng nông thôn và ngồi bên ngoài trong vài giờ. Phải mất khoảng 30 phút để mắt của bạn có thể thích nghi được với bóng tối. Bạn càng ở bên ngoài lâu hơn, bạn sẽ càng thấy rõ hơn.
Một số người có kế hoạch cắm trại để chiêm ngưỡng mưa sao băng Perseids, nhưng ít nhất họ nên mang một thứ gì đó để ngồi (nằm) một cách thoải mái, đồ ăn nhẹ và thuốc xịt côn trùng. Sau đó chỉ cần thư giãn và ngước nhìn lên bầu trời để quan sát trận mưa sao băng được mong chờ nhất năm.
Ngược lại với quan niệm của nhiều người, thực ra đôi mắt của bạn mới chính là công cụ tuyệt vời nhất để quan sát sao băng thay vì kính viễn vọng, bởi vì góc nhìn của mắt bạn rộng hơn. Tuy nhiên, nếu có thêm một chiếc kính thiên văn hoặc ống nhòm để quan sát các vật thể khác trên bầu trời cũng là điều rất tuyệt vời.