“Đổi mới sáng tạo được tạo ra nhờ hoạt động nghiên cứu mang tính đa lĩnh vực và có sự tương tác giữa các ngành với nhau. Tôi không nghĩ mở một khoa chỉ riêng về đổi mới sáng tạo là một ý hay, vì khi đó ta đã tự xây một bức tường ngăn các ý tưởng mới xuất hiện”.

Phó Hiệu trưởng Đại học Tel Aviv - Giáo sư (GS) Raanan Rein - chia sẻ với Báo Khoa học và Phát triển.

Tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam

Đại học (ĐH) Tel Aviv là đại học đa ngành lớn nhất Israel và nằm trong top 100 các trường hàng đầu thế giới. Theo GS Raanan Rein, ĐH Tel Aviv và các đại học khác của Israel trước đây thường chỉ hợp tác với các cơ sở đào tạo tại Mỹ và châu Âu, nhưng từ 10 năm gần đây bắt đầu chuyển hướng sang các đại học tại châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam nhằm tìm cách khai thông các cơ hội hợp tác giữa ĐH Tel Aviv với các trường đại học và cơ sở nghiên cứu của Việt Nam.

“Tôi vừa đến thăm ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH FPT và tiếp theo sẽ tới các trường khác như ĐH Bách khoa, ĐH Nông - Lâm TPHCM và ĐH Y tế cộng đồng. Tôi rất ấn tượng với sự nhiệt tình của các đối tác Việt Nam trong việc hợp tác với Israel và chúng tôi đã ký được nhiều bản ghi nhớ với nhau” - GS Raanan Rein kể.

Ông cũng cho biết, mục đích chính trong lần đến Việt Nam này là tìm kiếm sự hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu về an toàn và an ninh lương thực, an ninh mạng, xây dựng thành phố thông minh, y tế công cộng và các chương trình đào tạo liên thông.

Giáo sư Raanan Rein trong cuộc trao đổi tại Hà Nội. Ảnh: Loan Lê
Giáo sư Raanan Rein trong cuộc trao đổi tại Hà Nội. Ảnh: Loan Lê

Vị hiệu phó ĐH Tel Aviv cho biết hiện không có nhiều sinh viên Việt Nam theo học tại Israel và để có thêm số sinh viên này, trường sẽ tìm cách thúc đẩy số học bổng các cấp, bên cạnh việc xây dựng các chương trình đào tạo song phương linh hoạt.

Theo đó, các sinh viên Việt Nam có thể theo học và thực tập một kỳ tại các cơ sở ở Israel rồi trở về Việt Nam học tiếp, hoặc có các chương trình đào tạo cử nhân giúp sinh viên học 2 năm ở Việt Nam và 2 năm tiếp theo tại Israel.

Giáo sư khảo cổ có thể uống càphê với giáo sư vật lý

Đề cập đến mối quan hệ giữa đào tạo với đổi mới sáng tạo, GS Raanan Rein chia sẻ kinh nghiệm thành công tại Israel là xây dựng các trung tâm để tạo điều kiện cho nhiều ngành, lĩnh vực có thể phối hợp nghiên cứu với nhau.

“Tại trung tâm nghiên cứu về an ninh mạng quốc gia Israel, tất nhiên chúng tôi nghiên cứu về công nghệ máy tính và cơ khí điện tử, nhưng vì vấn đề an ninh mạng có liên quan đến các lĩnh vực khác như tài chính, tư pháp hay xã hội nên trung tâm này có cả các giáo sư về kinh tế và luật cùng phối hợp làm việc với các chuyên gia máy tính” - ông Rein nói.

“Một ví dụ khác là trong ngành nghiên cứu về não bộ, trường chúng tôi có nhóm các nhà khoa học đến từ nhiều khoa như dược, khoa học cuộc sống, công nghệ sinh học, tâm lý học, ngôn ngữ học, khoa học máy tính... đến cùng nghiên cứu với nhau. Nhiệm vụ của họ là phá bỏ rào cản giữa các ngành để tìm ra ý tưởng mới, đóng góp cho kết quả nghiên cứu chung” - ông nói thêm.

Nhấn mạnh hiệu quả của tính liên ngành trong đổi mới sáng tạo, GS Raanan Rein chia sẻ kinh nghiệm của ĐH Tel Aviv là không chỉ hỗ trợ tối đa cho sinh viên nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao mà còn khuyến khích sinh viên từ nhiều ngành cùng tham gia nghiên cứu về công nghệ cao. Khi đó, không chỉ riêng sinh viên ngành máy tính hay kỹ thuật điện tử mà chính sinh viên các ngành kinh doanh, sinh học và lịch sử cũng có thể đóng góp nhiều ý tưởng đột phá cho sản phẩm công nghệ cao.

“Đó là lý do chúng tôi tạo dựng một cơ sở thống nhất, không phân biệt các ngành hay khoa để đảm bảo một giáo sư của ngành khảo cổ thuộc khoa học xã hội có thể gặp gỡ uống càphê với một giáo sư ngành vật lý thuộc khoa học tự nhiên. Với sự tương tác này, vị giáo sư ngành khảo cổ có thể chia sẻ khó khăn trong việc phân tích một mẫu vật nào đó và dễ dàng nhận được sự hỗ trợ công cụ phân tích từ vị giáo sư ngành vật lý” - GS Raanan Rein giải thích.

Điều ông nhấn mạnh trong kinh nghiệm đào tạo là tạo mọi điều kiện để khai mở trí sáng tạo của sinh viên, giúp họ học hỏi kiến thức từ nhiều ngành khác nhau. Từ đây, nhiều sinh viên ngành kỹ thuật có thể nảy được ra các ý tưởng đột phá cho đổi mới sáng ạo nhờ hiểu rõ một vấn đề lịch sử nào đó.

GS Raanan Rein chuyên nghiên cứu về lịch sử Tây Ban Nha và Nam Mỹ, hiện là Phó Chủ tịch Đại học Tel Aviv kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khu vực và quốc tế S. Daniel Abraham của Israel. Ông là tác giả của hơn 30 cuốn sách, hơn 100 bài nghiên cứu khoa học và được các chính phủ Tây Ban Nha, Argentina vinh danh vì những công trình này.

ĐH Tel Aviv nơi GS Raanan Rein làm việc là trường đại học lớn nhất Israel hiện nay với hơn 30.000 sinh viên. Đây cũng là trung tâm khoa học của thành phố Tel Aviv với cơ sở của 9 chuyên ngành, 17 bệnh viện, 18 trung tâm biểu diễn nghệ thuật, 27 trường chuyên môn, 340 trung tâm nghiên cứu và 400 phòng thí nghiệm.