Yếu tố cảm xúc đóng vai trò quan trọng ngang bằng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn so với các yếu tố về trí tuệ, thế nhưng cho đến nay, các yếu tố cảm xúc đã không được chú trọng đúng mức trong nền giáo dục phổ thông.
Những công trình nghiên cứu của Daniel Goleman (thực hiện tại Đại học Harvard) và trình bày trong cuốn sách nổi tiếng “Trí thông minh cảm xúc – vì sao chúng quan trọng hơn IQ” (Emotional Intelligence- Why it can matter more than IQ- Bantam Books, 1995) đã chỉ ra rằng , những cảm xúc trong não bộ chúng ta là cơ sở cho sự phát triển không chỉ tư duy lý trí mà còn là toàn bộ nhân cách của chúng ta - chính điều này giải thích cho sự thành công và sức mạnh của chúng ta, sự yếu kém và những thất bại của chúng ta. Có thể nói, nếu người nào sở hữu năng lực cảm xúc là sở hữu một kỹ năng bậc thầy để tác động tới những người khác, kích thích họ hay tạo ức chế đối với họ.
Năng lực cảm xúc luôn thay đổi và phát triển không đồng đều ở trẻ em. Ảnh minh họa: INT
Những đứa trẻ có năng lực cảm xúc phát triển sẽ có những cách thể hiện cảm xúc được chấp nhận về mặt văn hóa, bao gồm cả việc che đậy hay giảm thiểu cảm xúc, thay thế những cảm xúc này bằng những cảm xúc khác. Chúng sẽ có khả năng xác định cảm xúc nào là hữu ích và giữ lại, tăng cường hoặc nâng cao; đồng thời biết cách kiềm chế những cảm xúc kém hiệu quả và những hành vi tiêu cực do chúng gây ra thông qua các “phương thức” như tìm kiếm sự hỗ trợ, nhìn nhận và sắp xếp lại vấn đề, diễn giải các tình huống, tìm kiếm các giải pháp giải quyết vấn đề, lánh xa khỏi vấn đề và bỏ qua nó trong tâm trí. Chúng cũng có thể sử dụng nguồn năng lượng sinh ra từ cảm xúc vào những mục đích mang tính xây dựng, ví dụ như sử dụng nguồn năng lượng sinh ra từ cơn giận dữ để tạo dựng thành công, để khẳng định mình.
Ngoài năng lực cảm xúc, để bảo đảm thành công trong tương lai, mỗi đứa trẻ cũng cần tới hai thứ năng lực quan trọng khác, đó là năng lực xã hội và năng lực tự chủ. Trong đó, năng lực xã hội liên quan đến những kỹ năng tinh tế để tạo ra và quản lý, nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội và những tương tác với người khác. Còn năng lực tự chủ liên quan đến một tập hợp các năng lực hay kỹ năng hỗ trợ việc học tập, ví dụ như khả năng tập trung và duy trì sự tập trung, khả năng loại bỏ sự phân tâm, tính kiên trì.
Các năng lực xã hội và năng lực cảm xúc thường gắn bó, liên kết chặt chẽ với nhau để tạo thành một cấu trúc tích hợp. Bởi vì cảm xúc thúc đẩy việc sử dụng các kỹ năng của năng lực xã hội và năng lực tự chủ. Bên cạnh đó, trẻ em học cách quản lý cảm xúc của mình thông qua kinh nghiệm xã hội của chúng và biết cách chọn những biểu hiện cảm xúc thích hợp về mặt xã hội và văn hóa.
Các kết quả thu được từ những công trình nghiên cứu của các tác giả khác nhau (J. Greenberg; M Crowley. 2015) cho thấy một mối liên hệ gắn bó giữa năng lực cảm xúc, năng lực xã hội và những kết quả xuất sắc, những thành công nổi bật của trẻ em ở những lĩnh vực khác nhau. Các nhà nghiên cứu này cũng đã chứng minh rằng những khả năng giao tiếp xã hội tích cực, sự tự chủ, những hiểu biết về cảm xúc và những kỹ năng điều tiết ở trẻ luôn luôn đem tới (cho họ khi trưởng thành) :
- Những thành công trong xã hội, sự tự tin vào bản thân, một sức khỏe thể chất và tinh thần ổn định lâu dài. Một cuộc sống hạnh phúc và có chất lượng. Tỷ lệ có việc làm cao hơn, tỷ lệ bỏ học thấp hơn, những hoạt động tội phạm, lạm dụng ma túy giảm đáng kể . Sự ham thích các công việc thiện nguyện và hỗ trợ cộng đồng.
- Những mối quan hệ tích cực với đồng nghiệp và quan hệ tốt đẹp với người lớn tuổi. Những trẻ em có kỹ năng xã hội, kỹ năng tự chủ và kỹ năng giao tiếp tốt, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, cũng dễ được các bạn đồng trang lứa chấp nhận và ưa thích hơn.
- Một sự thích ứng nhanh chóng với trường học (khi còn đi học) và với môi trường làm việc thay đổi (sau khi ra đời).
- Dễ dàng đạt được nhiều thành công hơn trong quá trình học tập, đặc biệt là về ngôn ngữ, giao tiếp, đọc viết và tính toán. Năng lực cảm xúc của trẻ khi năm tuổi sẽ báo trước những thành công cả về phương diện xã hội và học tập khi trẻ lên chín tuổi, và các kỹ năng tự chủ bản thân sẽ cho những dự đoán chính xác hơn về khả năng đọc và tính toán ở trường hơn hẳn cách thức trắc nghiệm chỉ số thông minh IQ.
Năng lực cảm xúc luôn thay đổi và phát triển không đồng đều ở trẻ em. Một số trẻ sẽ gặp khó khăn hơn những trẻ khác trong việc xác định cảm xúc, nắm bắt các tình huống xã hội, chọn phản ứng phù hợp và cách giải quyết các vấn đề, chẳng hạn như xung đột với bạn bè cùng lứa tuổi.
Các dấu hiệu của sự khó khăn trong việc tự điều chỉnh hành vi và cảm xúc thường thể hiện ở tình trạng khó tập trung, không hứng thú với việc vui chơi và các hoạt động hằng ngày, luôn trải qua cảm giác buồn bã hoặc lo lắng. Tình trạng này có thể sẽ được thể hiện bằng những hành vi “hướng ngoại”, chẳng hạn như nóng nảy, hung hăng và thiếu tôn trọng người khác; hoặc ngược lại, thể hiện bằng những hành vi “hướng nội” như rút lui, quay lưng lại với những người chăm sóc và quan tâm đến mình - chúng thường xuyên ở trong tình trạng lạnh lùng, không biểu lộ bất cứ cảm xúc nào. Những đứa trẻ không thể tự điều chỉnh hành vi xã hội và cảm xúc của mình thường bị bạn bè đồng lứa xa lánh và bị cô lập trong quan hệ xã hội, dẫn đến việc lòng tự trọng và động lực học tập suy giảm, ngại ngần khi tham gia các hoạt động chung, các kết quả đi xuống và sau đó sẽ là các vấn đề sức khỏe tâm thần và các khó khăn ngày càng chồng chất ở trường học. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng có sức thuyết phục cho thấy các phương pháp thực hành có chất lượng và các biện pháp can thiệp hiệu quả ở trẻ nhỏ có thể giúp trẻ cải thiện các năng lực xã hội, tình cảm và khả năng tự chủ của bản thân.
Giáo dục cảm xúc đến từ đâu?
Giờ đây người ta không còn băn khoăn đặt câu hỏi về vai trò của việc giáo dục năng lực cảm xúc và năng lực xã hội nữa. Người ta cũng không còn băn khoăn về việc nên đưa hay không nên đưa việc giáo dục những kỹ năng này vào trong chương trình dạy học bên cạnh những bộ môn truyền thống (có mục đích cung cấp kiến thức hay nâng cao năng lực tư duy). Những cuộc tranh luận gần đây trong giới khoa học và quản lý hầu như chỉ tập trung vào việc xác định xem những phương pháp thực hành nào là khả thi nhất và hiệu quả tích hợp của những định hướng mới này sẽ ra sao.
Nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau đã được đưa vào áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Có thể liệt kê ở đây một vài chương trình nổi tiếng nhất: Ở Mỹ đó là chương trình SEL (Socio-Emotional Learning - Giáo dục cảm xúc xã hội) hay PATHS (Providing Alternative Thinking Strategies - Chiến lược tư duy thay thế); ở Pháp đó là chương trình EES (l’Éducation émotionnelle et sociale - Giáo dục cảm xúc và xã hội). Mục đích giống nhau của các chương trình này là chuẩn bị cho những công dân tương lai những kỹ năng hoặc vai trò xã hội như: tạo lập mối liên kết với người khác, giao tiếp hiệu quả, nhạy cảm với nhu cầu của người khác, hòa hợp với họ. Những biện pháp kỹ thuật thường được sử dụng gồm: tổ chức các trò chơi nhập vai, hoạt động nghệ thuật, diễn kịch, câu lạc bộ công nghệ mới hay các kỹ thuật số, trưng bày những bức ảnh chụp các gương mặt với các sắc thái khác nhau và học sinh sẽ phải tìm cách xác định chính xác những cảm xúc được biểu lộ trong các bức ảnh đó... Những hoạt động này có mục đích dẫn dắt học sinh hướng tới bốn lĩnh vực làm chủ: hiểu biết bản thân và những người khác, đưa ra những quyết định có trách nhiệm, quan tâm đến người khác, và biết cách lựa chọn phản ứng phù hợp trong các tình huống. Hai lĩnh vực ba và bốn là đặc biệt quan trọng vì nó liên quan đến khả năng đồng cảm và tôn trọng người khác, khả năng bày tỏ nhu cầu được trợ giúp cũng như khả năng trợ giúp người khác. Các phương pháp tiếp cận này cũng đem đến khả năng điều chỉnh cảm xúc để duy trì các mối quan hệ, khả năng thương lượng để giải quyết các xung đột.
Để thành công trong việc đào tạo năng lực cảm xúc/xã hội - những định hướng mới trong giáo dục, các giáo viên sẽ phải điều chỉnh lại hàng loạt hành vi của mình. Giờ đây, giáo viên phải đóng vai trò “người hỗ trợ” nhiều hơn là vai trò người cung cấp kiến thức, người truyền đạt thông tin hay là một “hình mẫu lý tưởng” để học sinh bắt chước. Họ sẽ thường xuyên đặt ra những câu hỏi thay vì cung cấp liên tục những lời giảng. Họ cũng cần có thái độ nhiệt tình lắng nghe, ủng hộ, đánh giá cao và khuyến khích học sinh chủ động, cởi mở bày tỏ cảm xúc thay vì nhất mực đòi hỏi học sinh phải dồn mọi sự chú ý vào những gì họ truyền đạt.
Giáo dục về năng lực cảm xúc, năng lực xã hội không thể đến từ các bài diễn văn, bài giảng hay các quy định cứng nhắc. Việc nâng cao những năng lực này chỉ thực hiện được thông qua những nhận thức mà trải nghiệm mang lại. Đưa ra các kịch bản được chuẩn bị chu đáo, giúp học sinh tự mình trải nghiệm các trạng thái khác nhau, khơi gợi phản xạ thông qua các trò chơi mô phỏng tình huống thực tế để học sinh cảm nhận trực tiếp không cần thông qua những diễn giải bằng từ ngữ dài dòng... Tất cả những điều này đòi hỏi người thầy phải được đào tạo “bài bản” ngay từ khi đang theo học tại các trường sư phạm; hơn thế nữa, họ còn cần có một tình yêu thật sự đủ lớn dành cho học sinh của mình.