Khi nguồn cung vaccine Covid-19 thiếu hụt, một số quốc gia đã áp dụng chiến lược "chữa cháy": dùng một loại vaccine khác cho mũi tiêm thứ hai.

Hầu hết các loại vaccine Covid-19 hiện nay phải tiêm hai liều cách nhau vài tuần, nhưng Canada và một số quốc gia châu Âu đang khuyến nghị sử dụng một loại vaccine khác cho liều thứ hai. Dữ liệu ban đầu cho thấy cách làm này, xuất phát từ lý do thiếu hụt vaccine, lại có thể có lợi cho khả năng miễn dịch.

Trong ba nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện, tiêm liều đầu tiên là vaccine Pfizer-BioNTech và liều thứ hai là vaccine do AstraZeneca sản xuất sẽ tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, được đo bằng xét nghiệm máu. Hai trong số ba nghiên cứu thậm chí còn cho thấy: tiêm hai loại vaccine khác nhau sẽ tạo ra tác dụng bảo vệ như khi tiêm hai liều Pfizer-BioNTech, một trong những loại vaccine Covid-19 hiệu quả nhất hiện nay.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu mới thử nghiệm một số tổ hợp vaccine nhất định. Nhưng nếu kết hợp hai mũi vaccine khác nhau được chứng minh được tính an toàn và hiệu quả, cách tiêm này có thể đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng, giúp bảo vệ hàng tỷ người. “Khả năng này mở ra triển vọng mới cho nhiều quốc gia. Ví dụ, các chính phủ có thể phân phối ngay các liều mới mà không cần lo lắng về việc dành ra mũi thứ hai của các loại vaccine cụ thể nào để tiêm cho người dân vài tuần hoặc vài tháng sau đó", Cristóbal Belda-Iniesta, chuyên gia nghiên cứu lâm sàng tại Viện Sức khỏe Carlos III, Tây Ban Nha, nhận định.

Châu Âu và Canada còn gặp phải một vấn đề khác có thể giải quyết bằng cách tiêm kết hợp hai loại vaccine: Hàng triệu người ở đó đã nhận được tiêm một liều vaccine AstraZeneca trước khi chính phủ khuyến cáo các nhóm tuổi trẻ nên tránh tiêm vaccine này vì nguy cơ mắc chứng rối loạn đông máu hiếm gặp. Những người này hiện đang băn khoăn không biết phải làm gì tiếp theo: Tiêm liều AstraZeneca thứ hai hay chuyển sang một loại vaccine khác?

Các dữ liệu ban đầu đang ủng hộ việc tiêm hết hợp hai loại vaccine: AstraZeneca (trái), và Pfizer/BioNTech.

Kết quả hứa hẹn

Trong một nghiên cứu ở Tây Ban Nha mà Belda-Iniesta tham gia, 448 người được tiêm một liều vaccine Pfizer-BioNTech 8 tuần sau liều AstraZeneca ban đầu. 448 người này ít gặp tác dụng phụ và có phản ứng kháng thể mạnh mẽ 2 tuần sau khi tiêm mũi thứ hai. Theo Belda-Iniesta và các đồng nghiệp báo cáo trên trang The Lancet’s preprint, tất cả mẫu máu được thử nghiệm có thể vô hiệu hóa protein gai của virus.

Tương tự, Leif Erik Sander, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Charité, Berlin, và các đồng nghiệp đã phát hiện 61 nhân viên y tế cũng tiêm hai loại vaccine như trên, nhưng hai mũi cách nhau 10 đến 12 tuần, tạo ra lượng kháng thể ở mức tương đương với nhóm đối chứng được tiêm hai liều Pfizer-BioNTech, và không có sự gia tăng các tác dụng phụ. Đáng mừng hơn nữa, các tế bào T của họ, tế bào giúp tăng cường phản ứng kháng thể và cũng giúp loại bỏ các tế bào đã bị nhiễm bệnh trong cơ thể, phản ứng mạnh hơn một chút so với những người tiêm hai mũi Pfizer-BioNTech.

Một nhóm nghiên cứu khác, thực hiện một nghiên cứu nhỏ hơn ở Ulm, Đức, đã có kết quả tương đương. Cả hai nhóm đã đăng bản thảo trên máy chủ medRxiv.

“Kết hợp hai loại vaccine khác nhau có thể mạnh hơn từng loại riêng lẻ”, Dan Barouch, Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess, người tham gia phát triển vaccine Covid-19 một liều do Johnson & Johnson sản xuất, cho biết.

Việc kết hợp hai loại vaccine có thể giúp hệ thống miễn dịch nhận ra mầm bệnh theo nhiều cách khác nhau. “Các vaccine mRNA thực sự rất hiệu quả trong việc tạo ra các phản ứng kháng thể và các vaccine dựa trên adenovirus hiệu quả hơn trong việc kích hoạt các phản ứng của tế bào T”, theo Leif Erik Sander.

Vẫn còn nhiều lỗ hổng

Matthew Snape, chuyên gia về vaccine tại Đại học Oxford, đồng ý rằng kết quả sử dụng hai loại vaccine kết hợp cho đến nay là đầy hứa hẹn, nhưng lưu ý các nghiên cứu chưa cho thấy sự cải thiện trong phản ứng của tế bào T xuất phát từ việc kết hợp vaccine, chứ không phải do thời gian tiêm hai liều cách xa nhau. (Cho đến nay việc tiêm hai liều vaccine kết hợp thường tiêm hai mũi cách nhau xa hơn so với việc tiêm hai liều của cùng một loại vaccine.)

Các nghiên cứu kết hợp vaccine nêu trên cũng không hoàn hảo vì chúng không được thiết kế để đánh giá khả năng bảo vệ thực tế. Muốn biết khả năng bảo vệ thực tế, phải theo dõi các nhóm lớn được tiêm hai loại vaccine kết hợp, đối chứng với nhóm tiêm một loại, để xem ai bị nhiễm và mắc bệnh nặng. Các phép đo kháng thể và tế bào T mà các nghiên cứu kể trên đưa ra chưa chắc đã hoàn toàn tương quan với tác dụng bảo vệ thực tế.

Tuy nhiên, những phát hiện về kết hợp vaccine mới đây vẫn cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh chính sách. Tây Ban Nha đã cho phép kết hợp hai loại vaccine Pfizer-BioNTech và AstraZeneca cho những người dưới 60 tuổi. Các quốc gia khác đã từng đưa ra giới hạn độ tuổi đối tiêm vaccine AstraZeneca (bao gồm Canada, Đức, Pháp, Na Uy và Đan Mạch) cũng khuyến nghị tiêm kết hợp tương tự.

Dự kiến ​​sẽ có thêm dữ liệu trong những tuần tới. Snape và các đồng nghiệp đang nghiên cứu tám tổ hợp vaccine, mỗi tổ hợp thử nghiệm trên khoảng 100 người. Nghiên cứu này cũng bao gồm vaccine của Moderna và vaccine Novavax.

Theo Hugo van der Kuy, nhà dược lý học lâm sàng tại Trung tâm Y tế Erasmus, khi cả thế giới nỗ lực tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt để chống lại Covid-19, những nghiên cứu kết hợp này có thể mở rộng cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine trên toàn cầu. Van der Kuy cho rằng, các nghiên cứu tiêm kết hợp vaccine nên thử nghiệm các loại vaccine được sử dụng rộng rãi bên ngoài châu Âu, chẳng hạn như vaccine do các công ty Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc hay Sputnik V của Nga sản xuất. Snape đồng ý: việc kết hợp các loại vaccine sẽ là cách để nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng hiệu quả nhất các loại vaccine họ có.

Nguồn: